Trái với những năm tháng sau đổi mới, khi chúng ta tiếp cận với thế giới và hân hoan với hàng hóa giá rẻ đổ bộ vào thị trường Việt Nam, thì trong nền kinh tế hiện nay, nỗi lo ngại về hàng hóa giá rẻ đang trở thành vấn đề rất nóng.
Có rất nhiều vấn đề đặt ra trong câu chuyện về sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ trực tuyến. Hậu quả rõ ràng nhất là hệ thống bán lẻ trong nước, cả trực tiếp và trực tuyến đều không đủ sức cạnh tranh khi những Taobao, Temu, Shein áp dụng hàng loạt chính sách như thưởng tiền, giảm giá tới 80% và “freeship” (miễn phí giao hàng)...
Thứ hai là nền sản xuất trong nước, bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp như lương thực, thực phẩm, nông sản... lao đao khi sản phẩm nước ngoài phân phối qua các kênh bán lẻ trực tuyến với giá cực kỳ thấp.
Thứ ba, thoạt nghe có vẻ như người tiêu dùng được hưởng lợi với hàng hóa giá rẻ, đặt hàng trực tuyến và đến thẳng tay họ chỉ trong vài ngày, nhưng chất lượng sản phẩm còn chưa được kiểm chứng, trong đó bao gồm cả mối lo ngại về rác xả ra môi trường...
Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đem lại kết quả tốt đẹp trong nhiều năm. Có một thời gian chúng ta đề cao sản phẩm “made in Vietnam”, cả ở 2 khía cạnh, vừa để ủng hộ sản phẩm trong nước, vừa thực sự là chất lượng sản phẩm “made in Vietnam” cao hơn hàng giá rẻ các nước.
Nhưng đến thời điểm này, giá rẻ và sự tiện lợi của hệ thống bán lẻ trực tuyến đang làm sản phẩm “made in Vietnam” không còn lợi thế cạnh tranh. Hàng loạt cửa hàng những năm trước treo biển “made in Vietnam” ở các đô thị được người tiêu dùng ưa chuộng giờ đây đã ở trong cảnh đìu hiu. Các nền tảng bán hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen tiêu dùng và tính thời trang, tiện dụng, cộng với giá rẻ khiến hàng “made in Vietnam” không còn là sự ưu tiên.
Mối lo ngại về sự đổ bộ của các sàn bán lẻ trực tuyến nước ngoài như Temu đã không còn là nỗi lo ngại vu vơ. Đây cũng chính là câu chuyện nóng tại diễn đàn Quốc hội những ngày qua. Có những ý kiến cho rằng, thật bất công với doanh nghiệp trong nước khi những sàn như Taobao, Temu và Shein bán hàng vào Việt Nam mà không phải nộp thuế và hưởng lợi từ hệ thống logistics mạnh mẽ do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả. Các sản phẩm nội địa bán trên các kênh truyền thống cũng phải chịu nhiều loại thuế. Điều này khiến họ gặp bất lợi so với hàng hóa không chịu thuế bán qua kênh thương mại điện tử.
Câu chuyện ở đây là giá rẻ của các sản phẩm bán qua sàn thương mại điện tử có phải do lợi thế của khoa học công nghệ với hệ thống bán hàng trực tuyến, hay còn các nguyên nhân khác như chất lượng sản phẩm, như do việc chưa áp thuế đúng và đủ đối với hàng nhập khẩu qua kênh online, hay còn nhiều lý do khác nữa? Người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc mua hàng giá rẻ, nhưng đổi lại chúng ta sẽ phải trả lại những gì?
Nếu mua những hàng hoá thiếu sự công bằng trong kinh doanh sẽ giết chết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hệ quả là dẫn đến nhân công thất nghiệp. Sự cạnh tranh không công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước đang đòi hỏi một chính sách điều hành từ vĩ mô như áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc được bán qua các nền tảng thương mại điện tử, để có một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất nội địa.