Không chỉ dừng lại ở những con số tăng trưởng ấn tượng, thành tích xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 còn tạo nên dấu ấn mới: Có đến 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và vừa ký kết, cơ hội gia tăng xuất khẩu sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Nếu biết tận dụng tốt cơ hội, hàng Việt sẽ tiếp tục vươn xa, có mặt tại nhiều quốc gia hơn. Ảnh: TL.
Nhiều ngành hàng giật giải
Một sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian vừa qua là việc Việt Nam hoàn tất việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sự kiện này tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hoá Việt Nam xuất ngoại. Cánh cửa của những cơ hội đang rộng mở với các doanh nghiệp. Khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Các biểu thuế thương mại sẽ nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp, từ 0 - 2% tùy nhóm hàng, trong đó có những nhóm hàng giảm ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Song giới chuyên gia cũng cho rằng, trước nay, chúng ta phần lớn cung cấp hàng hóa cho thị trường ở tầm trung, nhưng ở khối này thì yêu cầu hàng hóa chất lượng cao hơn, tiêu chuẩn và quy định ngặt nghèo hơn.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 245,48 tỷ USD, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng từ trước đến nay, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 122,72 tỷ USD.
Chỉ riêng trong quý 2, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 63,86 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 8,5% so với quý 1 năm nay. Trong đó nhiều mặt hàng “giật giải tỷ đô”. Mặt hàng điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 11,4 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,5 tỷ USD, tăng 14%. Xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, với giá trị xuất khẩu xấp xỉ 9 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018.
Song không chỉ dừng lại con số tỷ đô, hay những con số tăng trưởng ấn tượng, mà kỳ tích xuất khẩu 6 tháng đầu năm còn thể hiện ở chỗ: Có đến 22 trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, so với 6 tháng đầu năm 2018 số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã nối dài thêm 2 danh sách. Trong đó mặt hàng rau quả và sợi dệt có tín hiệu tốt khi lần đầu tiên 6 tháng đầu năm xuất khẩu đạt mức trên 2 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng có cơ hội xuất sang thị trường EU đầy tiềm năng.
Bứt tốc
Theo nhận định của các bộ ngành liên quan, tình hình xuất khẩu hàng Việt có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Không chỉ gia tăng về kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa trong nước đang từng bước khẳng định thương hiệu ở thị trường các nước, đặc biệt là thị trường mới. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, có nhiều thị trường mới đầy tiềm năng, hàng hóa Việt nên thử sức bằng cách khám phá và phát triển thị trường. Đơn cử như thị trường Canada, Ba Lan, Đông Âu, Nga,…Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương nhận định, giá trị gia tăng về xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường mới thuộc châu Mỹ như: Canada, Mexico, Peru... chiếm tỷ lệ khá cao.
Có thể thấy, hàng hoá Việt Nam đang trên đà tăng tốc xuất ngoại. Trong đó EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 50,4 tỷ USD năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 13,6 lần (từ 2,8 tỷ USD lên hơn 38,3 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 9 lần (1,3 tỷ USD lên 12,1 tỷ USD). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.
Giới chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra thời cơ cũng như thách thức cho hàng hoá Việt Nam trong thời kỳ hội nhập mới. Trong đó, nếu biết tận dụng tốt cơ hội, hàng Việt sẽ vươn xa hơn, có mặt tại nhiều quốc gia hơn, giá trị thặng dư hàng xuất khẩu đưa về cũng nhiều hơn.
* Một điều tra sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cho biết, 83,5% số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến hoạt động sản xuất, kinh doanh quý 2 ổn định và tốt hơn quý 1; 88,6% số doanh nghiệp dự báo hoạt động trong quý 3 ổn định và tốt hơn quý 2. Có thể thấy rằng, trong suốt một thời gian dài, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã nỗ lực không mệt mỏi đưa ngoại tệ về cho nền nền kinh tế. Vượt qua từng nấc thang hội nhập, từ hợp tác khu vực tới liên khu vực, từ mở cửa từng phần đến hội nhập toàn diện, các ngành hàng đã vươn xa và vươn rộng hơn, đặt chân đến nhiều quốc gia.
* Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, các hiệp định thương mại sẽ giúp Việt Nam tận dụng các lợi thế từ các chuỗi cung ứng mới hình thành. Tuy nhiên, việc tham gia cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe. Doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng xuất khẩu. Bởi vì, chất lượng sẽ quyết định tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động. Đây là điều kiện quan trọng nâng cao trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm dần tỷ lệ gia công, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.