Giao thông

Hàng không thất thu dịp nghỉ lễ

H.Hương 02/05/2024 19:58

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vừa kết thúc, đây là kỳ nghỉ lễ dài thứ 2 trong năm. Được nghỉ dài nên nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh. Có thể nhận thấy năm nay ngành hàng không có phần thất thu, trong khi đường sắt bội thu, các phương tiện đi lại cá nhân cũng được phát huy hiệu quả tối đa.

anhbaitren(1).jpg
Nhu cầu đi lại tăng cao, ga Sài Gòn chật kín khách. Nguồn: KT&ĐT.

Giá vé máy bay đắt đỏ người dân tự túc phương tiện đi lại

Theo thống kê của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM), trong ngày (1/5), ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, 2 sân bay lớn nhất cả nước dự kiến đón khoảng hơn 200.000 lượt hành khách thông qua cảng.

Tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giai đoạn cao điểm từ ngày 26/4 - 1/5, tổng số chuyến bay đi, đến là 4.280 chuyến (chuyến bay quốc tế 1.602 chuyến và 2.678 chuyến bay nội địa), trung bình có 720 chuyến bay mỗi ngày. Đặc biệt, ngày cao điểm nhất gồm ngày 26/4 và 1/5, dự kiến 740 chuyến.

Sân bay này cũng đón 686.718 hành khách trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (với 282.842 khách quốc tế và 403.876 khách quốc nội. Trung bình 115.000-120.000 khách/ngày).

Tại Sân bay Nội Bài, theo số liệu của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, ngày cao nhất có khoảng 94.000 lượt khách (trong đó gần 37.000 lượt khách quốc tế, 57.000 lượt khách quốc nội) và 538 lượt chuyến bay (có 235 lượt chuyến bay quốc tế, 303 lượt chuyến bay quốc nội) qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Lãnh đạo Sân bay Nội Bài đánh giá mức sản lượng hành khách đợt cao điểm 30/4 năm nay ghi nhận tăng nhẹ so với ngày thường tuy nhiên vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua tăng mạnh. Bản thân ngành đường sắt, hàng không và đường bộ đã lên kế hoạch tăng chuyến nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân. Vậy nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, do vé máy bay đắt đỏ nên nhiều người dân đã chuyển hướng đi lại, lựa chọn tàu hỏa và xe cá nhân.

Chị Trần Thùy Linh và anh Nguyễn Hoàng Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) là cặp vợ chồng công chức nhà nước với tổng thu nhập khoảng 35 – 40 triệu đồng/tháng, số tiền này vừa vặn để nuôi gia đình gồm 2 người con kèm 2 bố mẹ già. Dịp nghỉ lễ, gia đình anh chị cũng tính đi du lịch nhưng thấy vé máy bay tăng quá cao nên gia đình chọn đi Mộc Châu bằng xe ô tô tự lái.

Thời gian đi từ ngày 27/4 đến ngày 29/4, gia đình tổng kết chi phí bao gồm chi phí tiền phòng cho gia đình 6 người, tiền xăng xe và chi phí ăn uống, rồi mua sắm lặt vặt tại chợ quê, dừng nghỉ không quá 10 triệu đồng.

“Cứ có dịp nghỉ là gia đình đều lên kế hoạch du lịch ngắn ngày ở những địa điểm gần, tiện di chuyển và tiết kiệm chi phí. Bây giờ đường sá đi lại dễ dàng, gia đình tự lái xe thấy mệt thì nghỉ vừa tiết kiệm lại được trải nghiệm, chứ đi máy bay 10 triệu đồng không đủ tiền vé cho 2 người nếu như muốn đi Phú Quốc hay Nha Trang” - chị Linh nói.

Nhiều người dân cho biết, dịp nghỉ lễ dài ngày này đã lên kế hoạch đi du lịch song khi tham khảo giá vé máy bay thì hầu hết đều quyết định di chuyển bằng ô tô cá nhân, hoặc ô tô khách vì tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

Đường sắt vào mùa

Khảo sát cho thấy, quãng thời gian bay từ ngày 27/4 - 1/5 vừa qua, giá vé máy bay trực tuyến đường bay Hà Nội - Đà Nẵng của Hãng hàng không Vietjet có giá 3,7 - 8,6 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietnam Airlines mở bán từ 4,7 - 9,5 triệu đồng/vé khứ hồi; Bamboo Airways còn rất ít vé với mức giá từ 4,3 đến 9 triệu đồng/vé khứ hồi. Với mức giá này, đối với những người làm công ăn lương thì là quá cao, quá sức chi trả so với thu nhập thực tế.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ngoài việc lựa chọn phương tiện tự túc lái xe, thì nhiều người dân cũng tìm đến phương tiện di chuyển bằng đường sắt. Bởi giá vé đường sắt vẫn “dễ thở” hơn nhiều so với giá vé hàng không và độ an toàn cao hơn so với đường bộ.

Do vé bay cao, chị Đỗ Minh Thuý (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) đã quyết định cùng gia đình chuyển hướng sang mua vé tàu cho lịch trình Hà Nội - Đồng Hới (Quảng Bình).

Chị Thuý cũng chia sẻ, đi tàu mà chậm chân là cũng không thể lựa chọn chỗ nằm ưng ý. Cứ dịp lễ tết, ngành đường sắt cũng đã có dấu hiệu khan vé nên muốn chọn được chỗ ưng ý cần phải đặt sớm.

“Tôi chọn đi tàu vì giá dễ chịu hơn nhiều so với giá vé máy bay, vả lại độ an toàn cũng cao, bên cạnh đó, cũng muốn cho trẻ con trải nghiệm vì đi tàu hỏa cũng có cái thú vị riêng, vừa đi vừa ngắm cảnh. Mà ngành đường sắt giờ cũng đã phát triển hơn nhiều, dịch vụ cũng tốt hơn” - chị Thúy nói.

Theo đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, hành khách có thể khó mua vé máy bay nên xu hướng chuyển sang đi tàu.

Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, ngành đường sắt đã thay đổi rất nhiều. Có thể giá vé các phương tiện khác cao, mọi người sẽ cân nhắc quay lại đi tàu nhiều hơn. Nhưng khi khách quay lại mà đường sắt không duy trì được chất lượng thì họ chỉ quay lại một lần. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo đổi mới ở nhiều nội dung: Vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, kết cấu hạ tầng, điều hành... để có các sản phẩm chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng không thất thu dịp nghỉ lễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO