Hàng loạt giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh

Lê Khánh 24/10/2023 12:50

Thời gian qua, trên cả nước có 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp với lứa tuổi học sinh, đã cướp đi 329 sinh mạng. Vì vậy, việc đưa ra hàng loạt giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh được đặc biệt quan tâm.

Hàng trăm học sinh thiệt mạng vì tai nạn giao thông

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp với lứa tuổi học sinh. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 329 em và khiến 528 em bị thương.

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, đối với loại xe này, người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép lái xe hạng A1.

Tuy nhiên, quy định là thế nhưng thời gian qua, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường THPT. Bởi, theo lý giải của một số phụ huynh do gia đình chỉ có một chiếc xe làm phương tiện di chuyển, do bận công việc không thể đưa đón nên đành phải đưa xe cho con tự điều khiển đi học.

Đội Cảnh sát giao thông số 10 xử lý nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Theo vị đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 10 (Công an TP Hà Nội) cho biết, tình trạng học sinh, thanh thiếu niên "kẹp ba", đi dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm... đang diễn ra phổ biến tại các khu vực trường học.

Xe gắn máy đang trở thành phương tiện phổ biến của học sinh, mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ độ tuổi được cấp bằng lái. Để "lách luật", nhiều học sinh chống chế bằng cách gửi xe ở ngoài cổng trường. Bởi mỗi khi vào đầu năm học mới, quy định này đã được các nhà trường thông báo, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, tình hình TNGT liên quan đến học sinh 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội, xảy ra 17 vụ, làm 9 em thiệt mạng, 13 em bị thương (so sánh cùng kỳ 2022 giảm 8 vụ, giảm 5 người chết, giảm 5 người bị thương).

Về công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên 9 tháng năm 2023, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 1.814 trường hợp vi phạm. Tước 42 Giấy phép lái xe, tạm giữ 770 mô tô, xe máy (bao gồm xe máy điện), 9 xe đạp máy....

“Công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn thành phố có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất ATGT, trong đó khu vực nội thành 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí.

Để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 chương trình tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và văn hóa giao thông cho khoảng trên 22.500 giáo viên, học sinh, phụ huynh các trường học phổ thông; tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền văn hóa giao thông cho gần 6.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên trường đại học, cao đẳng tham dự", ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay.

Thí điểm hàng loạt giải pháp về ATGT ở cổng trường

Nhằm đảm bảo ATGT, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) - giai đoạn 2021 - 2025 do Quỹ Bloomberg tài trợ.

Theo đó, dự án sẽ thí điểm tại 3 khu vực có điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau. Bao gồm cụm trường Tiểu học, THCS, THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Theo vị đại diện Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, hiện nay, đa số trường học đang hoạt động nằm trên các phố chính. Vì vậy, trước cổng trường học còn thiếu các vị trí đỗ xe, đặc biệt là dành cho phụ huynh học sinh. Cho nên cứ đến giờ đưa, đón con em đi học thường xảy ra ùn tắc tại khu vực cổng trường, ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh và cả những người dân xung quanh.

Mô hình đảm bảo an toàn giao thông dự kiến áp dụng tại cổng trường Tiểu học Nguyễn Du.

Đặc biệt, tại các khu vực cổng trường học hiện vẫn chưa hình thành được hệ thống các tuyến đường riêng dành cho đối tượng yếu thế.

Ví dụ: Đường đi bộ, đường dành riêng cho xe đạp và sau đó là xe máy. Lối đi bộ thường hay bị chiếm dụng để kinh doanh hoặc đỗ xe gây lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông.

Vì vậy, dự án này sẽ nghiên cứu làm lối đi bộ cho học sinh sang đường được thuận tiện, an toàn tại khu vực cổng trường học. Cùng đó, tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông với các lối đi bộ sang đường tại khu vực trường học bằng sơn kẻ vạch màu trắng, nền vàng và biển báo.

Theo nguyên tắc thiết kế đường phố an toàn nói chung và cho khu vực trường học nói riêng là ưu tiên đối tượng yếu thế, ưu tiên sự di chuyển của con người hơn phương tiện. Cụ thể ở đây sẽ ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.

Đặc biệt, dự án cũng sẽ thu hẹp làn di chuyển của các phương tiện cơ giới nhằm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học. Đồng thời mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng, hấp dẫn cho học sinh.

Cùng với đó là tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh trước khu vực cổng trường học, tạo không gian phù hợp cho phụ huynh chờ đón học sinh có trật tự và khoa học, tránh sự lộn xộn trong giờ đưa đón học sinh ở trước cổng trường.

“Khi các dự án được triển khai, cũng cần áp dụng quy định xử phạt mang tính răn đe với các trường hợp vi phạm. Nếu người dân không tuân thủ, chấp hành theo hướng dẫn giao thông ở các khu vực cổng trường thì cần xử lý nghiêm khắc để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tối đa thương vong về tai nạn cho học sinh”, đại diện Ban ATGT TP Hà Nội nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng loạt giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO