Nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em (6/2021) năm nay, hàng loạt các quy định, hoạt động liên quan đến quyền trẻ em sẽ được triển khai thiết thực, hiệu quả, đảm bảo phù hợp quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, một số bộ, ngành đã có văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 như: Ủy Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam và một số bộ, ngành liên quan tổ chức cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin (tháng 6/2021); Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình khai mạc hè, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Hình thức truyền thông được sử dụng trong Tháng hành động năm nay có thể kể đến: Truyền thông về chủ đề, thông điệp Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 trên băng rôn, poster treo tại một số tuyến phố của thành phố Hà Nội và hệ thống bưu cục, điểm văn hóa xã.
Hàng tuần tổ chức tọa đàm với các chủ đề: Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn giãn cách, trong khu cách ly Covid-19; nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em; SNET - Online chuẩn, mùa hè vui; con là ai trong gia đình - Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha mẹ về bảo vệ, chăm sóc và thực hiện quyền tham gia của trẻ em...
Các hoạt động này sẽ được Cục Trẻ em phối hợp với các cơ quan, tổ chức: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (SCI); Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD)...
Thông điệp truyền thông Tháng hành động vì trẻ em năm 2021
- Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh;
- Tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản;
- Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em;
- Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em;
- Tạo môi tường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện;
- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;
- Bảo vệ quyền của mọi trẻ em trên môi trường mạng;
- Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước;
- Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động;
- Đội mũ bảo hiểm cho con, trọn tình cha mẹ;
- Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em;
- Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em;
- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại trẻ em.
Hoạt động thiết thực nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6
Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tại Việt Nam còn gọi là ngày Tết thiếu nhi là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Ngày 1/6 tại Việt Nam được coi như một ngày hội lớn của trẻ nhỏ.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo các tỉnh đi thăm, tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; tổ chức tập huấn, diễn đàn... trong Tháng hành động vì trẻ em.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn các tỉnh và tổng kết Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 để báo cáo UBND các tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...
Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo, hướng dẫn phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục, phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước; tổ chức thăm, tặng quà cho trẻ em nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Đôn đốc, kiểm tra việc phối hợp giữa các ban, ngành, nhà trường và các địa phương, cơ sở trong thực hiện bàn giao, quản lý trẻ em khi kết thúc năm học 2020 - 2021.
Trợ cấp đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 6% trường hợp phải cách ly F1 là trẻ em (4.083 trường hợp F0 và F1), số liệu này có thể sẽ nhiều khi lượng cách ly tại KCN, KCX tăng. Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 - 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Được biết, mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ hỗ trợ cho 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỷ đồng để phòng, chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh
Để Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 được triển khai thiết thực, hiệu quả, đảm bảo phù hợp quy định phòng, chống dịch Covid-19, UBND các tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung kế hoạch và thực tế diễn biến của dịch Covid-19 để tổ chức các hoạt động phù hợp.
Với chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Tháng hành động sẽ tập trung truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch; đồng thời hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo đó, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có văn bản chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em và các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tổ chức tốt hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm cho trẻ em. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm chủng, khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế.
Tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em ở các xã nghèo, miền núi; khám, chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo; các hoạt động truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức về phòng, chống các loại bệnh và dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng...
Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao phù hợp với lứa tuổi, tại các điểm vui chơi tại cộng đồng; chú trọng tăng cường hoạt động của Thư viện, câu lạc bộ, Trung tâm Văn hóa - nghệ thuật, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục, thể thao... phục vụ trẻ em trong dịp hè, nhằm phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần của trẻ em; phối hợp quản lý theo quy định về các dịch vụ văn hóa phẩm độc hại... để hạn chế gây tác động xấu đến trẻ em.
Cùng với đó, các địa phương cũng tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch, trong đó yêu cầu: Cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung; sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.