Trong quá trình thanh tra một số nội dung tại 7 dự án, TTCP phát hiện một số khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, ký kết hợp đồng thầu xây dựng,...
Thanh tra một số dự án sử dụng trái phiếu chính phủ còn dư
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành thông báo số 2294/TB-TTCP, thông báo Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án sử dụng trái phiếu chính phủ còn dư từ các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Cụ thể, thực hiện Quyết định số 633/QĐ-TTCP ngày 04/9/2019 của Tổng TTCP về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án sử dụng trái phiếu chính phủ còn dư tại các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Tổng TTCP đã ban hành Kết luận thanh tra số 1850/ KL-TTCP ngày 14/10/2022 về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án sử dụng trái phiếu chính phủ còn dư tại các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Đoàn thanh tra đã thực hiện thanh tra từ ngày 16/9/2020 đến ngày 16/1/2020 tại Bộ GTVT và một số đơn vị liên quan.
Theo kết luận thanh tra, sau khi kết thúc việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, tổng nguồn vốn còn dư từ hai công trình này là 17.771,8 tỷ đồng. Được sự phê duyệt của Quốc hội, phần vốn còn dư từ 2 công trình được Chính phủ quyết định giao danh mục dự án và kế hoạch vốn dư thành 3 đợt cho 43 dự án.
Trong đó, đợt I là 22 dự án với tổng giá trị là 11.902,357 tỷ đồng; đến thời điểm thanh tra, 17/22 dự án đã hoàn thành, đang hoàn tất các thủ tục để đưa vào khai thác; 5 dự án đang thi công. Đợt II là 17 dự án với tổng giá trị là 4.520,517 tỷ đồng; đến thời điểm thanh tra, 3 dự án đã cơ bản hoàn thành, 10 dự án đang thực hiện, các dự án còn lại đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Đợt III là 4 dự án với tổng giá trị là 1.349 tỷ đồng; đến thời điểm thanh tra, 3 dự án đã phê duyệt đầu tư, trong đó 2 dự án đã lựa chọn xong nhà thầu, còn lại Dự án đầu tư xây dựng Cầu Sông Chùa chưa triển khai.
Đến thời điểm đoàn thanh tra vào cuộc (tháng 9/2020), tổng số vốn đã giao thực tế cho các dự án là 14.254,94/17.771,8 tỷ đồng kế hoạch vốn; tổng giá trị xây lắp hoàn thành được nghiệm thu là 13.959 tỷ đồng, trong đó 34/43 dự án đã được các cơ quan thanh tra chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra.
TTCP đã tiến hành thanh tra 7 dự án bao gồm: Dự án xây dựng cầu, đường hai đầu cầu Đắk Bla mới và vuốt nối với các đường hiện hữu thuộc Dự án tuyến tránh TP Kon Tum; Dự án tuyến tránh TP Kon Tum; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển tỉnh Quảng Nam; Dự án thành phần Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ, tỉnh Ninh Bình với Quốc lộ 1, giai đoạn II; Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; Dự án Xây dựng cầu Cửa Hội trên Quốc lộ 8B, tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; Dự án Mở rộng 4 cầu trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang.
Theo TTCP, trong số 7 dự án nêu trên, có 4 dự án do các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư; 3 dự án được giao Sở GTVT các địa phương làm chủ đầu tư.
Việc đầu tư các dự án giao thông sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, đến thời điểm thanh tra đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc tổng thể; các công trình dự án hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản đã góp phần khắc phục ách tắc giao thông và từng bước đồng bộ các tuyến tránh, kết nối Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh như mục tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 99/2015/QH13.
Nhiều sai phạm trong phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu
Tuy nhiên, qua thanh tra một số nội dung tại 7 dự án nói trên, TTCP phát hiện một số khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, theo TTCP, Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ giao danh mục dự án đầu tư và kế hoạch vốn tiếp tục còn dư cho các Dự án trong đó có 8 dự án chưa đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội.
Bộ GTVT đã giao Sở GTVT các tỉnh làm chủ đầu tư 19 dự án nhưng chưa làm rõ năng lực của các Ban QLDA thuộc Bộ, năng lực quản lý của Sở GTVT các tỉnh trước khi giao nhiệm vụ theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng và Khoản 3, Điều 7, Luật Xây dựng năm 2014.
Công ty CP Tư vấn Xây dựng giao thông Kon Tum và Sở GTVT Kon Tum đã lập, trình để Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường tránh TP Kon Tum theo Quyết định số 608/QĐ-BGTVT ngày 6/3/2017 quy mô đầu tư đường cấp IV không phù hợp, không đúng quy định tại Khoản 5, Điều 18 Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014 dẫn đến phải phê duyệt điều chỉnh quy mô thành đường cấp III.
UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến tránh TP Kon Tum không phù hợp mục tiêu đầu tư tuyến đường tránh nhằm khắc phục ùn tắc giao thông cho tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên như Nghị quyết số 99/2015/QH13. Ngoài ra, tại dự án này, nhà thầu không lập, trình chủ đầu tư phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ.
Dự án thành phần Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ, tỉnh Ninh Bình với Quốc lộ 1A (giai đoạn II) có tổng mức đầu tư 2.374 tỷ đồng, chủ đầu tư là Sở GTVT Ninh Bình; nhà thầu thi công xây lắp là Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường. Việc Sở GTVT Ninh Bình thực hiện chỉ định thầu thi công toàn bộ hạng mục xây lắp cho Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường là vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, bởi giai đoạn II của Dự án không thuộc đối tượng được chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và Điều 54, Nghị định số 63/2014/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
TTCP cũng chỉ ra rằng, việc chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng thầu xây dựng với nhà thầu bằng hình thức bủ trừ giá trực tiếp, không đúng quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BXD ngày 29/7/2010 của Bộ Xây dựng. Liên quan đến nội dung này, tại thời điểm Chủ đầu tư và nhà thầu ký kết hợp đồng xây dựng, UBND tỉnh Ninh Bình chưa ban hành các chỉ số, hệ số giá và văn bản pháp luật về hợp đồng xây dựng không có quy định thế nào là hợp đồng xây dựng đơn giản nên Chủ đầu tư thiếu cơ sở thực hiện; thực tế 2 bên đang thanh toán là tạm tính, chưa điều chỉnh giá trị nghiệm thu thanh toán theo hợp đồng.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, thuộc tỉnh Cà Mau giai đoạn II cũng được chỉ định thầu dù không thuộc đối tượng được chỉ định thầu, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu số 43 ngày 26/11/2013.
Ngoài ra, theo TTCP, tại Dự án tuyến tránh TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), hồ sơ dự thầu của nhà thầu không nêu rõ xuất xứ vật tư, báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của Chủ đầu tư không đánh giá từng thành viên liên danh thực hiện các gói thầu Số 07 và 08, (thi công xây dựng công trình), sai quy định của hồ sơ mời thầu.
Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh và Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi (giai đoạn II), hồ sơ mời thầu (gói thầu xây lắp) không quy định rõ nội dung và nguyên tắc sử dụng chi phí dự phỏng làm cơ sở cho nhà thầu chào thầu, vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 5, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ KH&ĐT.
Khối lượng thực tế nhà thầu thi công hạng mục Cọc trụ cầu nhỏ hơn khối lượng thiết kế và Hợp đồng; trong đó, khối lượng cọc bê tông giảm 1.800,7 m dài, tương ứng số tiền 2.407,305 triệu, khối lượng đóng/ép cọc bê tông đúc sẵn giảm 2.266,43 m, tương ứng số tiền 714,486 triệu đồng, tổng cộng là 3.121,792 triệu đồng; các giá trị này Chủ đầu tư cần giảm trừ khi thanh toán hợp đồng trên cơ sở nghiệm thu thực tế.
Đối với Gói thầu XL.02, tại hồ sơ mời thầu của Chủ đầu tư yêu cầu về nguồn lực tài chính với nhà thầu chưa phủ hợp quy định tại Mục 2 Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT: "thông thường hệ số t=3”, làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu nhưng giảm yêu cầu về năng lực tài chính đối với nhà thầu tham gia đấu thầu...
Căn cứ kết quả, kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý kinh tế: Giảm trừ thanh toán hợp đồng với tổng số tiền là 8.123 triệu đồng tương ứng giá trị các phần việc nhà thầu thực hiện không đúng theo hợp đồng được nêu tại kết luận thanh tra; giảm giá trị dự toán số tiền 3.838 triệu đồng, đồng thời giảm giá trị hợp đồng xây lắp 3.728 triệu đồng tại 6 dự án.
Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT kiểm điểm trách nhiệm việc đề xuất danh mục dự án đầu tư và giao vốn cho các dự án không đúng quy định; Bộ GTVT rà soát, xem xét để xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm được phát hiện, xác định tại kết luận thanh tra; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tương ứng; các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT sớm chấn chỉnh, khắc phục các khuyết điểm, vi phạm tại các Dự án đầu tư.
Sở GTVT Ninh Bình, BQLDA Xây dựng công trình Giao thông tỉnh Ninh Bình sớm chấn chỉnh, khắc phục và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tại Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ, tỉnh Ninh Bình với Quốc lộ 1A (giai đoạn II); Sở GTVT Kon Tum, Ban Quản lý dự án Xây dựng công trình Giao thông tỉnh Kon Tum sớm chấn chỉnh, khắc phục và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tại Dự án đầu tư xây dựng cầu, đường hai đầu Cầu Đắk Bla mới và vuốt nối với các đường hiện hữu thuộc dự án tuyến tránh TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum và Dự án tuyến tránh TP Kon Tum.
Bên cạnh đó, TTCP cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung những quy định còn khác nhau giữa Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công trong đó có nội dung liên quan đến quy định về hồ sơ thầu, đảm bảo áp dụng thuận lợi, đúng quy định. Bộ GTVT xây dựng, ban hành định mức thi công đóng cọc cừ tràm bằng máy phù hợp với điều kiện thi công cơ giới hiện nay, đảm bảo áp dụng thuận lợi, đúng quy định và kinh tế.