Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT rất có khả năng bị vỡ phương án tài chính bởi doanh thu thấp do hàng nghìn phương tiện tránh, né trạm thu giá BOT Quốc lộ 38 và tiền thu không đủ trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng.
Trạm thu giá BOT Quốc lộ 38 chỉ có lác đác phương tiện lưu thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).
Xe “né” trạm bằng đường... đê
Vào ngày 10/4 vừa qua, Công ty cổ phần BOT38-nhà đầu tư dự án bắt đầu thu giá chính thức. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, lượng phương tiện lưu thông qua trạm thu giá khoảng từ 2.400-2.500 xe/ngày/đêm, thấp hơn rất nhiều so với thời gian thu phí thử (7.500 xe/ngày/đêm).
“Theo hợp đồng BOT, doanh thu theo phương án tài chính năm 2018 là 312 triệu đồng/ngày tương đương 114 tỷ đồng/năm (9,5 tỷ đồng /tháng). Thế nhưng, doanh thu thực tế tháng đầu tiên thu giá chính thức là 6,2 tỷ đồng, mới đạt được khoảng 65% so với dự kiến,” ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT38 khẳng định.
Lý giải về thực tế này, theo ông Lãm, doanh thu thấp là do lượng xe “né tránh” trạm quá lớn để đi vào Tỉnh lộ 276 qua đoạn đê sông Đuống thuộc địa phận 2 thôn Chi Trung, Chi Hồ (xã Tân Chi, Tiên Du, Bắc Ninh) khiến cho đoạn đường đê bắt đầu từ cầu Hồ đến điểm giao cắt với Tỉnh lộ 283 luôn trong tình trạng quá tải.
“Đoạn đường đê chạy song song và chỉ cách với trạm thu giá BOT38 khoảng 500-700m. Hơn nữa, tuyến đường này chỉ cắm biển hạn chế tải trọng xe từ 12 tấn trở lên nên rất nhiều phương tiện đi qua. Nếu không cải thiện được doanh thu thì phương án tài chính không đảm bảo, có nguy cơ đổ vỡ.” ông Lãm cho hay.
Chỉ ra những hệ lụy của việc xe tránh trạm, theo ông Lãm, hàng nghìn phương tiện ngày, đêm “quần thảo” trên tuyến đường đê sông Đuống đã làm xáo trộn đời sống nhân dân 3 thôn Chi Hồ, Chi Trung, Chi Đống; khói bụi gây ô nhiễm môi trường khiến nhân dân bức xúc; tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập, tạo thành điểm đen tắc nghẽn giao thông tại cổng trường mầm non xã Tân Chi; ảnh hưởng đến kết cấu đê sông Đuống.
“Nhân dân 2 thôn Chi Trung, Chi Hồ rất bức xúc, ảnh hưởng đời sống người dân nên đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng và Công ty cổ phần BOT38 đề nghị có biện pháp làm giảm lưu lượng xe,” ông Lãm nhấn mạnh.
Hàng nghìn phương tiện tránh, né trạm thu giá BOT Quốc lộ 38 bằng cách đi qua đoạn đê sông Đuống. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).
Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 38 nối Quốc lộ 18 và Quốc lộ 5 nên có rất nhiều xe container vận chuyển hàng hóa lưu thông. Số lượng xe “né” vòng qua trạm phí và tiếp tục quay lại đi Quốc lộ 38 sẽ khiến đường xuống cấp và khoảng 2-3 năm tới phải đại tu, sửa chữa trong khi nhà đầu tư lại “thất thu” thu phí.
Lập thêm trạm thu phí phụ
Là người dân sinh sống tại thôn Chi Hồ, xã Tiên Du, Bắc Ninh, bà Nguyễn Mai thường ngày liên tục phải lau chùi những ô cửa của ngôi nhà nằm dưới chân đê sông Đuống. Từng lớp bụi trắng xóa, đặc quánh bao phủ các cánh cửa nên những hộ dân nơi đây phải đóng cửa hoặc có thêm mảnh rèm vải che chắn trước nhà để giảm bụi lùa vào nhà.
“Khi chưa thu giá tuyến Quốc lộ 38, thỉnh thoảng mới có xe đi qua đê. Tuy nhiên, sau hơn một tháng chính thức thu, hàng nghìn xe tấp nập qua đoạn đê xung yếu của thôn khiến cuộc sống của người dân thôn Chi Trung, Chi Hồ bị đảo lộn hoàn toàn,” bà Mai thành thật nói.
Theo bà Mai, đầu giờ sáng và cuối chiều, tại cổng trường mầm non xã Tân Chi thường xuyên xảy ra ùn tắc do các phụ huynh học sinh chờ phía bên ngoài đón các cháu học sinh.
“Nhiều gia đình không dám để ông bà đưa các cháu đến trường vì phải sang đường và lo lắng xe tải chạy liên tục gây nguy hiểm đến tính mạng và an toàn giao thông cho người thân,” bà Mai ngao ngán thở dài.
Nhằm hạn chế lượng xe né trạm, Công ty cổ phần BOT38 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét cắm biển cấm xe tải, xe chờ khách trên 7 chỗ đi vào đê sông Đuống, chỉ cho xe con từ 7 chỗ trở xuống được đi vào đường đê này.
Về lâu dài, Công ty cổ phần BOT38 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho đặt một trạm thu phí phụ tại Km18+000 thuộc địa phận xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
“Việc đặt trạm phụ, về nguyên tắc vẫn đảm bảo việc phương tiện chỉ phải thu giá một lần khi lưu thông trên Quốc lộ 38 từ Bắc Ninh đi Quán Gỏi (tỉnh Hải Dương) và ngược lại. Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, Công ty cổ phần BOT38 cam kết sẽ làm việc để có được sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương,” ông Lãm khẳng định.
Theo ông Lãm, trạm thu phí phụ nếu được lập sẽ “ngốn” khoảng 40 tỷ đồng và được trích từ nguồn vốn dự phòng của dự án vẫn chưa được sử dụng đến.
“Đặt trạm thu phí phụ sẽ giúp điều tiết giao thông, giải quyết các xung đột giao thông ở Cẩm Giàng, Quán Gỏi do xe ‘né’ trạm để đi đến Quốc lộ 18 hay Quốc lộ 5 đồng thời đảm bảo phương án tài chính cho Quốc lộ 38 và cả các nhà đầu tư thu phí hoàn vốn Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 chuẩn bị đưa vào thu phí tới đây,” vị Chủ tich Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT38 nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi đến việc vì sao trước kia không đặt trạm tại vị trí gần cầu Hồ để tránh xe “né” trạm thu giá, ông Lãm giải thích là do khoảng cách từ trạm thu giá cầu Hồ (Bắc Ninh) đến trạm thu giá cầu Yên Lệnh (Hà Nam) không đảm bảo khoảng cách 70km như quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính nên nhà đầu tư không thể đặt trạm tại vị trí như mong muốn ban đầu.
Dự án BOT Quốc lộ 38 có tổng chiều dài 28,6km với điểm đầu km4+200 (địa phận thành phố Bắc Ninh), điểm cuối tại km32+800 (giao với Quốc lộ 5 địa phận huyện Bình Giang, Hải Dương) với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn dự án dự kiến là 19 năm 1 tháng. Dự án được khởi công vào ngày 6/7/2014 và ngày 10/4 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho nhà đầu tư dự án được phép tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đồng thời đã có chính sách giảm giá cho các hộ dân 12 xã nơi dự án đi qua trong phạm vi bán kính 5km xung quanh trạm thu giá. |