Hàng hóa nội địa ngày càng được người tiêu dùng trong nước tin dùng. Đáp ứng nhu cầu đó, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới với mong muốn cung ứng đầy đủ nhất các mặt hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Thị trường dồi dào hàng Việt
Khảo sát tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội những ngày này, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão đã được bày bán phong phú, đa dạng các mặt hàng.
Tại hệ thống siêu thị Big C/Go, các sản phẩm đậm chất Tết Nguyên đán như giò chả, bánh mứt kẹo, rượu, trái cây, các loại giỏ quà nhộn nhịp lên kệ. Chị Trần Thu Trang (phố Hoa Bằng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dịp Tết, vào siêu thị Big C/Go sắm đồ thì chẳng thiếu thứ gì: Từ thực phẩm cho đến các loại hàng tiêu dùng... rất phong phú, giá cả cũng phải chăng. “Đi một buổi là có thể sắm đủ cho cái Tết” – chị Trang nói.
Được biết, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão, hệ thống siêu thị Big C/Go đã thỏa thuận với các nhà cung cấp chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đa dạng, gia tăng các mặt hàng tươi sống, hàng đặc sản vùng miền, đảm bảo giá ổn định và nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng. Đặc biệt, siêu thị tăng thời gian bán hàng vào những ngày cuối tuần và giáp tết để đảm bảo cho người dân có thể sắm tết đầy đủ.
Tương tự, hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã có nguồn hàng rất phong phú phục vụ dịp Tết Nguyên đán cho người dân. Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op Lê Văn Liêm thông tin, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã lên kế hoạch chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn quốc trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. “Mặc dù cuối năm 2022, nguyên liệu đầu vào tăng giá, nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về mặt nguồn hàng, nên hệ thống siêu thị Co.op mart sẽ không tăng giá bán hàng tết" - ông Liêm nói đồng thời chia sẻ thêm, lượng hàng bình ổn giá của hệ thống Co.opmart chiếm khoảng 25 - 30%. Riêng thị trường Hà Nội và miền Bắc, hiện Co.opmart có hơn 50 điểm bán hàng hóa bình ổn.
Còn tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, từ đầu quý IV của năm 2022, đơn vị đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20 - 40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đáng chú ý, trong thị phần hàng hóa tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn. Theo đó, tỷ lệ hàng Việt tại các doanh nghiệp trong nước luôn chiếm ưu thế, trong đó các sản phẩm đã nhiều năm khẳng định được uy tín, chất lượng và thân quen với người tiêu dùng, như: Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc...
Không những vậy, trong dip Tết cổ truyền, các đặc sản vùng miền ở khắp các tỉnh thành cũng là món ngon quen thuộc không thể thiếu được của mỗi người dân, từ tôm khô, mực tẩm, bò khô, thịt trâu gác bếp đến các loại bánh, mứt kẹo có xuất xứ Việt Nam cũng chiếm lĩnh thị trường.
Theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng bánh mứt kẹo, bởi bánh mứt kẹo hàng cao cấp sản xuất trong nước chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại mà giá thành chỉ bằng 50-60% so với hàng ngoại nhập.
Bà Đào Thị Nụ, chủ cửa hàng kinh doanh bánh mứt kẹo trên phố Chính Kinh (Nhân Chính, Hà Nội) cho biết, những ngày cận tết người dân bắt đầu đi mua sắm nhiều, nhất là mặt hàng bánh mứt kẹo - không thể thiếu trong ngày Tết. Năm nay, người tiêu dùng chú trọng nhiều đến các loại bánh mứt kẹo sản xuất trong nước do chất lượng không thua kém gì hàng nhập ngoại mà giá thành chỉ bằng một nửa. Chỉ vào sản phẩm bánh AFC và Cosy của Kinh Đô, bà Nụ cho hay, các sản phẩm này lấy về bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Bán rất đắt hàng.
Đảm bảo nguồn cung, ổn định giá
Mặc dù nguồn cung hàng hóa dịp Tết đã rất dồi dào, song mối quan tâm của nhiều người tiêu dùng vẫn là, cuối năm hàng hóa thường bị đẩy giá.
Trước những lo lắng đó, Bộ Công thương cho biết, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, lực lượng quản lý thị trường nỗ lực tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử. Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá... lực lượng quản lý thị trường tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu... Đáng chú ý, cơ quan quản lý thị trường tập trung kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết.
Bộ Công Thương cũng cho biết, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Bộ đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường. Cùng với đó, các địa phương triển khai hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu... phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân dịp Tết Nguyên đán 2023.