Từ thái cực "sính hàng ngoại", một bộ phân người tiêu dùng đã chuyển sang quan tâm đến hàng Việt. Thế nhưng, sau những khởi sắc ấn tượng mạng lại từ cuộc vận đồng người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian gần đây, nỗi lo hàng Việt bị "hụt hơi" tiếp tục thành vấn đề nóng bỏng. Hàng ngoại đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Người tiêu dùng băn khoăn khi lạc vào ma trận hàng hóa.
Hơn 5 năm chính thức triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng Việt được phân phối rộng rãi trên thị trường từ trung tâm thương mại, chợ truyền thống, tạp hóa.
Nhưng, các kết quả đó không bền vững. Hàng Việt giờ đây đang đứng trước những thách thức cạnh tranh quyết liệt hơn khi hàng ngoài nhập đang ngày càng ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Đến thời điểm này hàng Việt vẫn phải mò mẫm tìm đường vào thị trường nước ngoài. Chưa thật sự tạo thành thế kiềng ba chân (doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng) trên thị trường, mới đây hàng Việt lại tiếp tục đối diện với khó khăn khi hàng ngoại ồ ạt xâm nhập thị trường tiêu dùng tại thời điểm mà một số hiệp định tự do vừa được ký kết. Xu hướng lớn mạnh thị trường hàng ngoại khiến hàng Việt đang chùn bước tại các hệ thống siêu thị.
Trong xu thế hội nhập, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh trong năm 2016 và các năm tiếp theo khi thị trường bán lẻ Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao. Nỗi lo hàng Việt bị lấn lướt hoặc không chen chân vào hệ thống bán lẻ hoàn toàn có cơ sở.
Chưa hết, ngoài những hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại tại Việt Nam do Mỹ, Úc, Đức, Thái, Nhật, Hàn… làm chủ thì các “ông lớn” đã tính chuyện “chen chân” vào để “lấy lòng” người tiêu dùng nông thôn bằng sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp. Nhìn xa trông rộng, nhiều ý kiến quan ngại, nếu các hiệp định thương mại song phương và đa phương chính thức có hiệu lực không biết hàng Việt đi đâu, về đâu.
Nhìn vào thực tế, hàng Việt đã và đang thiếu sự hỗ trợ trong quá trình phát triển. Các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt… đều do doanh nghiệp lên kế hoạch triển khai mà thiếu sự “chống lưng” mang tính dài hạn của các bộ ngành, địa phương.
Kết quả, các chương trình này chỉ rầm rộ một thời gian, rồi thì èo uột bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong khi đó, nhìn vào chiến lược bán lẻ của Thái Lan mới thấy được sự phát triển bài bản. Ngoài những yếu tố tự thân về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính sách của Chính phủ Thái Lan là động lực quan trọng cho cuộc xâm nhập của hàng Thái ra thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Thái thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mang tên Pracha Rath. Tháng 9/2015, Chính phủ nước này lại công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu vào thị trường các nước với sự hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong thời hạn 7 năm. Song song đó còn thành lập quỹ liên doanh trị giá 2 tỷ bath để miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ Thái thường xuyên có người dẫn đầu đoàn khảo sát cùng với doanh nghiệp tìm hiểu tận mắt thị trường bán lẻ các nước.
“Trông người mà ngẫm đến ta” - không được sự ủng hộ nhiệt tình về chính sách trong cuộc chiến bán lẻ, doanh nghiệp Việt vẫn mang nỗi lo tiếp tục “đơn thân độc mã”.