Kinh tế

Hàng Tết rục rịch tăng

BẢO PHƯƠNG 03/12/2023 07:37

Bước vào tháng 12, trên hệ thống siêu thị, các cửa hàng đã bày bán nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết và nhu cầu mua sắm cuối năm. Điều mà người dân quan tâm là nguồn hàng Tết và giá cả liệu có tăng vào cận Tết?

11b.jpg
Nguồn hàng Tết đã được bày bán tại hệ thống các siêu thị.

Nguồn hàng dồi dào, không lo thiếu

Những ngày này, nhiều bà nội trợ đã quan tâm đến kế hoạch Tết cũng như lên phương án về các khoản chi tiêu cuối năm. Chị Lê Thu Hằng (16 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, do thu nhập năm nay giảm nên việc mua sắm cuối năm phải được cân đối làm sao cho phù hợp.

“Điều tôi quan tâm là không biết có nên mua sắm trước hay để tới áp Tết mới mua. Vì mua bây giờ thì cũng hơi sớm, nhưng nếu sát Tết mới mua thì sợ giá cả bị đẩy cao lên, thậm chí khan hàng”, chị Hằng bày tỏ.

Sự đắn đo của chị Hằng cũng là băn khoăn của khá nhiều người lao động thu nhập ở mức trung bình. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập trung bình không tăng, thậm chí giảm, trong khi đó nhiều mặt hàng đã tăng giá. Do vậy, kế hoạch chi tiêu được tính toán là điều dễ chia sẻ.

Quan tâm đến câu chuyện dân sinh này, mới đây UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết; không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan như Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải… kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ngành công thương đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Đồng thời sẽ phối hợp với các tỉnh nắm nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu, qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.

Còn tại TPHCM, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, Sở Công Thương thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024.

Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn chiếm từ 23 - 31% nhu cầu thị trường.

Giá cả tăng nhẹ

Về phía các doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối, tính tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cũng đã triển khai các phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp để sẵn sàng phục vụ các khách hàng. Ông Phạm Văn Nam - đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, công ty chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ cho thị trường Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Để hỗ trợ giá cho người tiêu dùng, sau khi Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, công ty cũng đã tiếp tục triển khai giảm xuống còn 5% cho một số sản phẩm mì ăn liền. Đặc biệt, tình hình hiện nay giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, nhưng công ty vẫn nỗ lực để có giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Từ phía hệ thống các siêu thị, chuỗi siêu thị cũng đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu người dân trong mùa mua sắm cuối năm.

Theo ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail), hiện nay công tác chuẩn bị hàng hóa Tết đã gần như hoàn tất. Bên cạnh chuẩn bị lượng hàng hóa, việc bảo đảm giá cả ổn định cùng các chương trình khuyến mại mạnh, giảm sâu cho dịp Tết cũng đã được đơn vị thống nhất triển khai.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ giữa năm 2023, Saigon Co.op đã thực hiện dự trữ nguồn hàng thiết yếu phục vụ cao điểm cuối năm trong 3 tháng trước, trong và sau Tết 2024. Phần lớn ngân sách Saigon Co.op ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.

Tại Hapro, theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Hapro cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo… Ngoài ra, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ... và các loại quả, hạt khô phục vụ Tết khác.

Từ các dữ liệu trên, giới chuyên gia thị trường phân tích, nguồn hàng Tết Giáp Thìn 2024 đã được các doanh nghiệp chuẩn bị dồi dào, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.

Tất nhiên, do chi phí đầu vào tăng so với cùng kỳ Tết năm ngoái, do vậy giá một số mặt hàng Tết năm nay có nhích tăng hơn. Theo Giám đốc Saigon Co.op miền Bắc Lê Văn Liêm, nguồn hàng hóa Tết dự kiến tăng từ 10 - 15%.

Trong khi đó, bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết, sức mua tại hệ thống đang tăng dần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trị giá các món hàng thấp hơn, vì người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn.

Đẩy mạnh bán hàng online
Đón bắt xu hướng tiêu dùng dịch chuyển qua hình thức trực tuyến, hệ thống các chuỗi siêu thị, siêu thị đã chuẩn bị các phương thức bán hàng thông qua các website, mạng xã hội Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, hệ thống siêu thị WinMart, Go! BigC, MM Mega Market bắt đầu triển khai dịch vụ đặt hàng qua app, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày…

Thời điểm này, các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo, Tiki… cũng bắt đầu chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Hà Nội cũng đã huy động 34 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng chủ động mua hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Tết rục rịch tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO