Khoảng 14 triệu người dân Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế trong năm tới, do kế hoạch của đảng Cộng hòa nhằm gỡ bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe (Obamacare) khiến cho Tổng thống Donald Trump và đảng này ở tư thế bảo vệ kế hoạch này trong lúc thúc đẩy một đạo luật thay thế.
Ảnh minh họa.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) còn ước tính rằng sẽ có 24 triệu người bị mất bảo hiểm y tế trong năm 2026 nếu như kế hoạch trên được Hạ viện thông qua nhằm thay thế đạo luật Obamacare đã được áp dụng từ năm 2010. Được biết Obamacare từ trước đến nay đã cung cấp bảo hiểm y tế cho thêm khoảng 20 triệu người Mỹ.
Chỉ vài giờ sau khi CBO công bố báo cáo trên, Ủy ban Ngân sách Hạ viện đã trì hoãn phê duyệt kế hoạch này một ngày. Theo báo cáo, phía đảng Cộng hòa đã lên kế hoạch bỏ phiếu tại Hạ viện từ sớm, và có khả năng lớn là sẽ được thông qua, sau đó chuyển tới Thượng viện.
CBO ước tính rằng có khoảng 52 triệu người Mỹ sẽ không có bảo hiểm y tế trong năm 2026 nếu như dự luật này đi vào hiện thực. Hai ủy ban của Hạ viện đã thông qua dự luật này nhằm gỡ bỏ Obamacare, điều đã được giới lãnh đạo đảng Cộng hòa công bố cách đây một tuần. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với sự phản ứng không chỉ từ phía đảng Dân chủ mà còn cả các bệnh viện, giới y bác sỹ và nhiều người bảo thủ. Bởi vậy, kế hoạch này có thể mất thêm thời gian để thuyết phục giới lập pháp tại Thượng viện.
Dù vấp phải sự chỉ trích nhưng nếu được áp dụng, dự luật mới có thể giảm thâm hụt liên bang tới 337 tỷ USD trong khoảng 2017-2026. Một số chuyên gia chính sách sức khỏe và giới phân tích Phố Wall nói rằng tỷ lệ người không có bảo hiểm sẽ giảm nhanh hơn trước đây, trong khi các tổ chức y bác sỹ và bệnh nhân cho rằng dự luật này cần bị bác bỏ.
Một số chính trị gia đảng Cộng hòa thì lo ngại rằng dự luật chăm sóc sức khỏe mới này có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu tới chính quyền Tổng thống Trump và khiến đảng này thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump đã ra sức bảo vệ kế hoạch chăm sóc sức khỏe này, nói rằng kế hoạch sẽ bao gồm cả giai đoạn 2 và giai đoạn 3 để thu hút người dân Mỹ tham gia bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Y tế Mỹ Tom Price nói rằng kế hoạch của ông Trump sẽ bao phủ nhiều người dân hơn, trong khi chi phí mua bảo hiểm cũng rẻ hơn từ đó không thể nói rằng có 14 triệu người sẽ mất bảo hiểm vào năm tới được.
Giới lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội thì cho rằng kế hoạch này có thể khiến cho những người già cả bị đá ra khỏi các viện dưỡng lão và nó cũng đồng nghĩa với việc giảm thuế cho giới siêu giàu ở Mỹ.
Phí bảo hiểm sẽ gia tăng
Đạo luật chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) mà đảng Cộng hòa đề xuất bao gồm 3 nội dung chính. Theo đó cho phép những người dưới 26 tuổi tiếp tục được hưởng các chế độ trong chương trình bảo hiểm y tế của bố mẹ; cho phép các tiểu bang cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe Medicaid hỗ trợ những người trưởng thành thu nhập thấp; đồng thời cho phép thiết lập các quỹ trao đổi bảo hiểm và cung cấp các khoản tín dụng nhằm hỗ trợ những người thu nhập thấp và trung bình chi trả các chương trình bảo hiểm y tế cá nhân tại Mỹ.
Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare trước đây vốn được áp dụng nhằm giảm gánh nặng chi phí chăm sóc y tế ở Mỹ, chiếm đến 17% tổng giá trị nền kinh tế nước này. Đề xuất mới của đảng Cộng hòa sẽ chấm dứt chương trình mở rộng của Obamacare vốn dành cho người nghèo, và cắt luôn cả cơ chế trợ cấp dựa trên thu nhập.
Trung tâm Chính sách Thuế của Mỹ trong hôm 14/3 nói rằng, kế hoạch của đảng Cộng hòa sẽ chỉ làm lợi cho những gia đình siêu giàu ở Mỹ, hơn là các hộ gia đình trung lưu. Trung bình một hộ gia đình Mỹ có thu nhập khoảng từ 51.600 - 89.400 USD/năm sẽ được giảm thuế khoảng 300 USD. Và 0,1% những hộ gia đình có thu nhập trên 3,9 triệu USD/năm sẽ được giảm thuế tới 207.000 USD, báo cáo của Trung tâm trên cho hay.
CBO ước tính, tiền đóng bảo hiểm ở Mỹ sẽ đắt hơn, tăng lên 15-20% trong cả năm 2018 và 2019 do có ít người khỏe mạnh muốn đóng bảo hiểm sau khi Obamacare bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ biến mất sau năm 2020 nhờ một nguồn vốn 100 tỷ USD phân bổ tới các bang.
Ngoài CBO thì có nhiều nghị sĩ bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa cũng lên tiếng lo ngại dự luật mới.
Họ cho rằng AHCA quá giống với đạo luật y tế gây tranh cãi hiện nay là Obamacare. Họ cho rằng đạo luật này vẫn duy trì các trợ cấp chính phủ như trong chương trình Obamacare nhưng dưới vỏ bọc tín dụng hoàn lại cho người mua bảo hiểm y tế cá nhân.
Áp lực bên ngoài Quốc hội cũng có xu hướng tăng mạnh khi một số chuyên gia, cố vấn bảo thủ và các nhóm vận động hành lang lên tiếng phản đối dự luật y tế mới. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối, Tổng thống Trump đã chủ trì một cuộc họp quy tụ hơn 20 nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng, tuyên bố rằng ông “tự hào ủng hộ kế hoạch thay thế này”.