Kinh tế

Hàng Việt áp đảo hàng ngoại nhập

Khanh Lê 28/08/2024 07:01

Theo Bộ Công thương, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%.

Tuy nhiên, để nâng cao vị thế của hàng Việt, doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối.

img_9637.jpg
Hàng Việt đa dạng về mẫu mã đang áp đảo hàng ngoại nhập tại một số siêu thị. Ảnh: Xuân Quang.

Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, không còn là khẩu hiệu mà đã thực sự đi vào đời sống. Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp…, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản chất lượng cao đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng. Qua đó cho thấy chỗ đứng vững chắc của hàng Việt ngay trên sân nhà.

Hàng Việt “chiếm sóng” tại các siêu thị bán lẻ

Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt được trưng bày tại hệ thống quầy kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập; trong đó, thực phẩm chiếm đa số. Đơn cử tại chuỗi siêu thị GO!/Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa; trong đó, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.

Hay tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.

Nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy: Có tới 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường, xã hội và sức khoẻ, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây hại cho sức khoẻ và thiên nhiên.

Qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp (DN), hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán đánh giá sản phẩm của DN đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47%, giá bán cạnh tranh 39%. Trên 50% đánh giá DN có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đón nhận, sử dụng hàng Việt.

Thực tế không chỉ nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, thị trường đồ dùng học tập nội cũng “chiếm sóng” tại các nhà sách trước thềm năm học mới. Khảo sát tại các nhà sách như Fahasa, Nhã Nam, Tiền Phong, Trí Đức, Tiến Thọ... cho thấy, các mặt hàng đồ dùng học tập rất phong phú, đa dạng về mẫu mã. Điều đáng ghi nhận hơn cả, sau nhiều năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hiện đồ dùng học tập Made in Việt Nam chiếm đến 80% lượng hàng hóa.

Nhận thấy “sức nóng” của hàng Việt, từ đầu năm 2024 nhiều DN bán lẻ nội trở lại “đường đua” mở rộng hệ thống siêu thị. Đơn cử như để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng, trong nửa đầu năm 2024, WinCommerce (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart+/WiN) đã mở mới 91 cửa hàng WinMart+/WiN, đồng thời chuyển đổi 236 cửa hàng WinMart+ sang mô hình cửa hàng WiN.

Không chỉ WinCommerce nhiều DN bán lẻ cũng tham gia vào cuộc đua mở rộng thị phần. Đáng ghi nhận, hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước. “Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%” - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết.

img_9630.jpg
Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào hàng Việt. Ảnh: Xuân Quang.

Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt

Song hành với thị trường nội địa, nhờ xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, nhất là qua các sàn thương mại điện tử, hàng Việt đã từng bước khẳng định vị thế tại thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để các sản phẩm này có thể đứng vững trên thị trường, đi xa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ đang là vấn đề được cơ quan chức năng, DN quan tâm.

Thực tế dù được các cấp, ngành quan tâm nhưng nhiều sản phẩm Việt đặc biệt là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) vẫn khó tìm đầu ra tại thị trường trong nước đặc biệt là các kênh bán lẻ tại các hệ thống siêu thị.

Phản ánh về những khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm OCOP, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Sữa Con Bò Vàng Phan Uyên cho biết, hiện công ty có hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Thế nhưng hiện nay kênh phân phối của DN chủ yếu qua cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được hệ thống siêu thị. Muốn vào hệ thống siêu thị, DN phải mất phí mở mã vạch khá cao và phải ký gửi hàng hóa thanh toán theo từng đợt, điều này gây khó khăn trong việc duy trì nguồn vốn lưu động.

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, hiện thị trường nội địa có quy mô 180 tỷ USD và dự báo sẽ đạt con số 350 tỷ USD vào năm 2025, đây không chỉ là cơ hội cho các nhà bán lẻ mà còn là cơ hội để hàng Việt nâng cao vị thế của mình tại thị trường nội địa.

Theo bà Hậu, việc các DN bán lẻ mở rộng hệ thống phân phối là cơ hội để các DN Việt Nam mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được những kênh phân phối này, nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và quan trọng hơn cả là sản phẩm phải có yếu tố xanh.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thúc đẩy thị trường trong nước luôn là giải pháp hàng đầu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ DN quảng bá, xúc tiến thương mại ngay tại thị trường nội địa và đặc biệt là có chính sách hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh, cũng như chi phí quầy kệ của DN bán lẻ. Đặc biệt lưu ý tới kết nối giao thương giữa các đơn vị để giảm thiểu thời gian chuyển hóa hàng hoá từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Ở góc độ đơn vị bán lẻ, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đang có hơn 130 mặt hàng OCOP đến từ các hợp tác xã của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, các chủ thể OCOP cần chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm. Thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm OCOP của vùng miền khác nhau.

Thông tin về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối bán lẻ nhằm cung cấp thông tin đến các DN trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng. Triển khai các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho DN, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt…

Từ đó các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài (Aeon, Lotte, Central Group…).

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức:

Tạo vị thế bằng chất lượng

anh-theo-box.jpg

Để nâng cao vị thế của hàng Việt trước hết cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo đó, các DN Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.

Đồng thời chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa tạo cơ hội cho hàng Việt đến với người tiêu dùng. Sự hỗ trợ và các chính sách thúc đẩy hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại,… của Chính phủ, sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hàng Việt cả trong nước và trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu ngành sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt áp đảo hàng ngoại nhập