Trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mong muốn sản phẩm “thai nghén” xuất khẩu sang thị trường các nước. Tuy nhiên, gần đây trước những biến động của thị trường thế giới, doanh nghiệp lại quay về thị trường sân nhà với mong muốn “phủ sóng” sản phẩm của mình khắp thị trường nội địa...
Người Việt ngày càng chuộng hàng Việt
Sau 10 năm chinh phục thành công thị trường Hoa Kỳ, dành vị trí “ngôi vương” về nước mắm trên sàn thương mại điện tử Amazon, năm 2021 Công ty Cổ phần Pacific Foods (thương hiệu nước mắm Mami) mới lên kế hoạch phát triển thị trường nội địa. Phương án chinh phục thị trường nội địa đầu tiên của sản phẩm này là phủ sóng các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước.
Kế đến thực hiện “chiến dịch” tại các hội chợ hàng Việt Nam, đồng thời có mặt tại một số kênh siêu thị hiện đại. Đại diện đơn vị khẳng định, sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm bán ở thị trường trong nước đều đồng nhất về chất lượng. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) này muốn mở rộng sản xuất để đáp ứng tối nhu cầu thị trường.
Cũng là mặt hàng nước mắm, sau thời gian dài đẩy mạnh xuất khẩu, nước mắm Thanh Hà (Phú Quốc) đã hướng mạnh về “sân nhà”. Nói về hướng đi này, bà Ong Thị Kim Ngân - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà chia sẻ, bà muốn cho thế giới biết nước mắm là của Việt Nam thì DN phải xây dựng thương hiệu và tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước.
Theo bà Ngân, Thái Lan xuất khẩu nước mắm trước Việt Nam và đã công khai sử dụng thương hiệu nước mắm Phú Quốc bằng cách ghi nhãn tiếng Việt rồi xuất sang nhiều nước. Khi nước mắm Phú Quốc được châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới bớt bị làm giả.
Trăn trở phát triển thị trường nước mắm trong nước, bà Ngân cho rằng, tại sao nước mắm ngon nhất, đồ tốt nhất lại đem đi xuất khẩu mà không bán cho người tiêu dùng trong nước. Do vậy, bà Ngân đã đưa nước mắm Thanh Hà quay về thị trường nội địa.
Ngoài mặt hàng thực phẩm chế biến, một số mặt hàng khác cũng tìm về sân nhà sau thời gian chinh chiến thị trường quốc tế. Đơn cử, sản phẩm may mặc mang thương hiệu Dony (TP HCM) đã trở về sân nhà từ đầu năm 2022, mặc dù có thị trường ổn định tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Đông...
Theo ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH Dony, thị trường nội địa ngày càng phát triển, đây là điều kiện thuận lợi để các DN giữ vững “sân nhà” thay vì mải miết đi xuất khẩu mà bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng. Trước đây, người tiêu dùng trong nước chuộng hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan...
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã thay đổi, hàng Việt đang chiếm ưu thế cả về chất lượng, mẫu mã, giá cả.
Kích cầu tiêu dùng hàng “made in Vietnam”
Giới chuyên gia nhận định, thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng hấp dẫn giới kinh doanh. Với dân số xấp xỉ 100 triệu người, trong đó nhóm người trẻ chiếm tỷ lệ khá cao, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên... là những yếu tố quan trọng để các DN khai thác thị trường nội địa.
Viện Toàn cầu Mckinsey (MGI) thống kê, với 40% dân số thuộc tầng lớp tiêu dùng, Việt Nam đang có vị thế tốt để trở thành động lực cho tiêu dùng của khu vực châu Á bước sang trang mới. Dự kiến, trong 10 năm tới, tầng lớp này sẽ được bổ sung thêm 37 triệu người, tương đương 75% dân số. Thu nhập của tầng lớp tiêu dùng nói chung cũng có xu hướng tăng vọt. Số lượng những người chi tối thiểu 30 USD/ngày đang tăng nhanh.
Để thúc đẩy DN khai thác thị trường nội địa, ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho rằng, cần có chính sách kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm trong nước để cùng DN vượt khó khăn. Theo ông Minh, hiện nay, nhiều người tiêu dùng thường sử dụng thẻ để mua hàng nước ngoài thông qua TMĐT, bởi vậy, nếu không có chính sách kích cầu, DN trong nước sẽ khó cạnh tranh.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt DN là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.
Tính đến tháng 5, hầu hết DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố dần khôi phục nhịp độ hoạt động vốn có sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.
Nhiều DN sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ…. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 6,5% so với tháng trước, tăng 9% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 456.153 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,9%). Các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả.