Với nhiều giải pháp đồng bộ, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Hiệu ứng tích cực là những chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân xu hướng lựa chọn sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu trong nước ngày càng tăng.
Để CVĐ được lan tỏa sâu rộng đến từng người dân, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt chất lượng, những địa chỉ doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có thông tin về sản phẩm hàng hóa. Tại các địa phương, MTTQ các huyện, thành thị đã phối hợp với ngành Công thương tổ chức Hội chợ hàng Việt với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của huyện, trưng bày các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có thế mạnh của địa phương và của các doanh nghiệp trong tỉnh, góp phần kích cầu người dân sử dụng hàng Việt.
Trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm Phát triển công thương (Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc) đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn trên địa bàn huyện Lập Thạch. Tại các phiên chợ, hơn 90% sản phẩm là hàng hóa trong nước với các nhóm, ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng, may mặc, đồ dùng học tập, viễn thông đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Theo ông Lê Minh Đức - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lập Thạch, việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước có dịp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn các mặt hàng chất lượng cao và hiểu rõ hơn về các sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Không chỉ tăng cường kết nối tạo mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, các phiên chợ hàng Việt còn góp phần nâng cao ý thức, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa trong nước của người tiêu dùng.
Còn tại huyện Tam Dương, Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp Sở Công thương tổ chức Hội chợ hàng Việt với quy mô hơn 200 gian hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của huyện trưng bày sản phẩm gồm: Dệt may, da giày, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có thế mạnh của Tam Dương và của các doanh nghiệp trong tỉnh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tam Dương Bùi Thị Thủy cho rằng, các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ kích cầu tiêu dùng đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua đã tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng trên địa bàn. Các hội chợ đã tạo điều kiện thuận lợi, để người dân dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc trong nước, những sản phẩm Việt uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CVĐ, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai chương trình truyền thông về các thương hiệu quốc gia, nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với chương trình “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; tổ chức các hội chợ, điểm bán hàng Việt tại các địa phương; các điểm bán hàng bình ổn giá các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, các điểm bán hàng Việt… thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, mua sắm.
Thông qua những giải pháp thiết thực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai, CVĐ đã góp phần chuyển biến trong nhận thức và thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn. Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 80% người dân có thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt; trên 90% người dân cho biết CVĐ có tác động, ảnh hưởng đến việc mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa trong nước.