Hành lang pháp lý đã thông

Trần Châu Linh 14/06/2017 08:05

Với đại đa số Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua (410/442 ĐBQH, bằng 83,50%), tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã chính thức ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Luật này sẽ có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2018 và những chính sách, hành lang pháp lý đã được luật hóa, sẽ đến với cộng đồng DNNVV trong một tương lai gần. Chắc chắn khi đã có luật, cộng đồng DNNVV sẽ có “cây gậy pháp lý” vững chắc, hiệu quả và tự tin hơn trên hành trình khởi nghiệp và phát triển.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thêm cơ chế cởi mở để phát triển.

Trên thực tế, bấy lâu nay cộng đồng DNNVV chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 33% thu ngân sách nhà nước, tạo ra 62% việc làm… Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển dù cho đã có và đã được ít nhiều quan tâm, nhưng cũng chưa thực sự “đến đầu đến đũa”. Nhiều DNNVV dẫu có phát triển được nhưng phần lớn là tự dò dẫm tìm đường mà đi nên chưa thể coi là phát triển bền vững và có đóng góp cho nền kinh tế đúng với khả năng, năng lực thực sự.

Chính vì thế, việc ban hành Luật này nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển DNNVV; đồng thời, thiết lập chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn, phát triển kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là mục tiêu hướng tới năm 2020 cả nước có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả hơn.

Mặt khác, khi có Luật, rõ ràng cộng đồng DNNVV cũng đã thể hiện tính pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh cao hơn, hiệu quả hơn và thực sự bình đẳng, sòng phẳng trong sân chơi chung với các khối doanh nghiệp còn lại. Đặc biệt là sẽ không còn sự phân biệt, thậm chí kỳ thị ở các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận chính sách và các nguồn lực hỗ trợ. Đồng thời sẽ tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV với các doanh nghiệp lớn tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng giữa các thành phần kinh tế và cộng đồng các DN nói chung.

Cũng vì vậy, Luật Hỗ trợ DNNVV được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm tập trung cho 3 đối tượng DN, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tiêu chí xác định DNNVV được quy định tại Luật bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng…

Về nguyên tắc hỗ trợ DNNVV, Luật quy định việc hỗ trợ phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Nhà nước hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện…

Luật đã tiếp thu, bỏ những quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng; đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV. Đặc biệt, với các quy định ưu đãi thuế, việc giảm thuế có thể tác động giảm thu trong ngắn hạn, nhưng có tác dụng khuyến khích, hỗ trợ DNNVV đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn. Dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng có thời hạn và trong từng thời kỳ sẽ được điều chỉnh, sửa đổi cụ thể trong các luật thuế để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật thuế.

Ngoài ra, còn nhiều nội dung chính sách hỗ trợ khác đã được bàn thảo, cân nhắc và thống nhất, nhằm tạo thêm các điều kiện và hành lang để DNNVV đi đúng hướng, phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội và dân sinh.

Cho đến thời điểm này, cả nước hiện có khoảng 77% DN siêu nhỏ và 69% DN nhỏ đi lên từ mô hình các hộ kinh doanh (cả nước có khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh). Do vậy việc xây dựng và luật hóa các nội dung phù hợp để tạo điều kiện, khuyến khích mạnh mẽ các hộ kinh doanh này phát triển đăng ký thành lập, hoạt động theo luật có ý nghĩa quan trọng trong phát triển DN. Hành lang pháp lý đã thông, tin rằng cộng đồng DNNVV sẽ có thêm cơ hội cũng như những chính sách, quyết sách cụ thể để phát triển đúng tầm và đúng hướng hơn.

Khi có Luật, rõ ràng cộng đồng DNNVV cũng đã thể hiện tính pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh cao hơn, hiệu quả hơn và thực sự bình đẳng, sòng phẳng trong sân chơi chung với các khối DN còn lại. Đặc biệt là sẽ không còn sự phân biệt, thậm chí kỳ thị ở các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận chính sách và các nguồn lực hỗ trợ. Đồng thời sẽ tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV với các DN lớn tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng giữa các thành phần kinh tế và cộng đồng các DN nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành lang pháp lý đã thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO