Cùng với việc chinh phục vũ trụ, thì chinh phục đáy đại dương là khát vọng của con người. Những thế hệ tàu ngầm ra đời đã và đang tiếp tục hiện thực hóa khát vọng ấy.
Tuy nhiên, trong nỗ lực lặn sâu, cũng đã xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc. Hơn một năm trước, thế giới đã dồn sự chú ý vào vùng nước sâu xa xôi Bắc Đại Tây Dương khi tàu ngầm Titan bị nạn. Với nguồn cung cấp oxy trong 96 giờ, một nhiệm vụ giải cứu lập tức được tiến hành. Nhưng rồi mọi cố gắng đều trở thành vô vọng khi con tàu đã bị nổ tung ở độ sâu 3.800 mét trong lòng biển.
Đau buồn, tuy nhiên theo bà Synnove Stromsvag - Chủ tịch Chi nhánh Na Uy và là người đứng đầu lực lượng cứu hộ nói rằng, không gì có thể ngăn cản được khao khát khám phá và vượt qua giới hạn của con người. Loài người luôn luôn khám phá. Đó là cách chúng ta học về thế giới, về khoa học.
Tàu ngầm, cho tới nay được nói đến nhiều là tàu ngầm quân sự. Khác với những tàu ngầm được thiết kế cho mục đích nghiên cứu hoặc chứng minh năng lực hàng hải, phần lớn tàu ngầm quân sự chỉ hoạt động ổn định từ 100 - 350 mét. Vậy nhưng, để đưa được những cỗ máy chiến tranh xuống độ sâu đó, con người đã mất hơn 248 năm, tính từ lúc xảy ra vụ tấn công đầu tiên do tàu ngầm thực hiện.
Theo trang History.com, sự kiện đầu tiên của lịch sử tàu ngầm quân sự là vào năm 1776 trong cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ. Đó là chiếc tàu ngầm thường được gọi với cái tên "Rùa" do hình dáng của nó. Nó được làm bằng gỗ và chỉ dài 2,4 mét, do 1 người điều khiển. “Rùa” có thích thước vô cùng khiêm tốn nếu so với các tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Typhoon của Nga hiện nay; với chiều dài 175 mét, nặng hơn 46.000 tấn. Để vận hành con tàu cùng hệ thống ngư lôi và tên lửa đạn đạo, mỗi tàu Typhoon cần đến 160 thủy thủ.
So sánh giữa "Rùa" và tàu ngầm thuộc lớp Typhoon cho thấy con người đã có những bước tiến rất xa trong hơn 248 năm qua trong việc lặn sâu xuống đại dương. Tuy nhiên, sự xuất hiện của "Rùa" báo hiệu kỷ nguyên tàu ngầm quân sự bắt đầu.
Cha đẻ của “Rùa” được xác định là nhà phát minh David Bushnell. Ông sinh ngày 30/8/1742 ở Westbrook (Connecticut, Mỹ). Vào khoảng năm 1775, Bushnell thử nghiệm việc kích nổ thuốc súng có hẹn giờ dưới nước. Về cơ bản, ông đã tạo ra quả bom hẹn giờ đầu tiên. Sau đó Bushnell dốc lòng chế tạo một chiếc tàu lặn có khả năng triển khai vũ khí, được gọi là Turtle - Rùa - tàu con rùa.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên của nhân loại được gắn thuốc nổ dưới nước nhằm mục đích tấn công bất ngờ các tàu hải quân Hoàng gia Anh đang chiếm đóng các cảng của Mỹ trong thời chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ. Vào ngày 6/9/1776: Tàu con rùa thực hiện nhiệm vụ đầu tiên chống lại tàu HMS Eagle của hải quân Anh đang neo ở cảng New York. Trung sĩ Mỹ Ezra Lee được lệnh "đậu" tàu lặn bên dưới, khoan một lỗ trên thân tàu của Anh và sau đó nhét một thùng thuốc súng vào thân tàu. Tuy nhiên, mũi khoan đã không thể khoan xuyên qua thân tàu.
Sau thất bại đầu tiên, tàu “Rùa” đã tiến hành thêm một số nỗ lực khác để đánh chìm các tàu của Anh trên sông Hudson, nhưng đều thất bại bởi người điều khiển thiếu kỹ năng. Chỉ có Bushnell là có thể làm được nhưng vì sức khỏe yếu ông đã không thể điều khiển con tàu. Trong trận Fort Lee, “Rùa” cuối cùng đã chịu thua khi con tàu của Mỹ vận chuyển nó bị người Anh đánh chìm.
Đến ngày 13/8/1777, Bushnell chính thức từ bỏ “Rùa” để chuyển sang khai thác mỏ. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và chế tạo mìn nổi trên nước (sau này gọi là thủy lôi). Ngày 8/6/1781, tướng George Washington đã bổ nhiệm Bushnell làm kỹ sư quân đội.
Sau chiến tranh, ông trở thành chỉ huy của Quân đoàn Kỹ thuật Hoa Kỳ đóng quân tại West Point. Bushnell phục vụ trong quân đội Mỹ cho đến khi giải ngũ vào ngày 3/6/1783. Năm 1842, ông qua đời ở Warrenton, được chôn cất tại nghĩa trang thị trấn trong một ngôi mộ không được đánh dấu.
Sau này, người Mỹ đặt tên nghĩa trang theo tên của ông. Hiện mô hình tàu con rùa của Bushnell được trưng bày tại Bảo tàng và Thư viện Lực lượng tàu ngầm Hải quân Hoa Kỳ ở Groton, Connecticut.
Vào năm 1940, Hải quân Mỹ đã vinh danh ông bằng cách đặt tên cho một tàu ngầm hoạt động trong chiến tranh thế giới 2: USS Bushnell (AS-15). Cho tới năm 1970 thì nó ngừng hoạt động.
Cách đây 20 năm, năm 2004, Hạ viện bang Georgia (Mỹ) đã thông qua một nghị quyết lấy ngày 30/8/2004 là Ngày David Bushnell ở Georgia.
Kể từ khi “Rùa” của David Bushnell xuất hiện, tới nay liên tục các thế hệ tàu ngầm tấn công ra đời, được coi như một cuộc chiến dưới đáy đại dương. Từ tàu ngầm chạy bằng sức người đã tiến tới thế hệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và trở thành vũ khí chiến lược của nhiều quốc gia. Trong đó, các thế hệ tàu ngầm của Nga được đánh giá rất cao.
Ngày 7/5/2021, trong buổi lễ đặc biệt tại Nhà máy đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk, Đô đốc - Tổng tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Yevmenov tuyên bố tàu ngầm phóng tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan đã chính thức gia nhập Hải quân Nga. Trước đó, con tàu được hạ thủy vào cuối tháng 3/2017, trang bị các tên lửa hành trình Oniks và Kalibr, sau này sẽ được nâng cấp trang bị tên lửa siêu thanh Zircon.
Tới nay, không ai có thể phủ nhận tính năng vượt trội của tàu ngầm, nhưng nó cũng đã từng bị chê bai, hoặc bị coi thường. Điều đáng nói là thái độ ấy đã phải trả giá.
Tới nay, dù được cho là có lực lượng hải quân mạnh hàng đầu thế giới nhưng người Anh vẫn không thể nào quên được việc vụ việc xảy ra vào năm 1620. Lúc bấy giờ nhà phát minh Cornelius Drebbel (người Hà Lan) đã giới thiệu một con tàu đưa tàu có khả năng lặn xuống khỏi mặt nước sông Thames ở London. Nhưng hải quân Hoàng gia Anh đã rất thờ ơ. Và cũng chính vì thế cho tới năm 1776, soái hạm HMS Eagle của hải quân Anh đã bị tàu “Rùa” của Mỹ tấn công.
Chỉ sau lần đó, người ta mới nhận ra một con tàu ngầm nhỏ bé cũng có thể uy hiếp tàu mặt nước, kể cả là soái hạm đi chăng nữa.
Tiếp sau “Rùa”, một mốc lịch sử khác về tàu ngầm có thể kể đến là con tàu Nautilus do kỹ sư Robert Fulton (người Mỹ gốc Ireland) chế tạo vào cuối những năm 1790. Tàu Fulton có hình dạng như điếu xì gà dài 6,4 mét, phần thân chỗ rộng nhất 1,8 mét. Đáng chú ý, nó đã được trang bị kính tiềm vọng có thể quan sát từ dưới nước mà không cần phải nổi lên. Nó sử dụng bình khí nén có thể lặn đến 5 giờ và dùng một ống thở để nạp không khí cho tàu. Tàu được thiết kế chở theo thuốc nổ có thể gài vào thân tàu đối phương và được kích nổ từ xa.
Lúc bấy giờ, kỹ sư Fulton đề nghị chế tạo tàu ngầm cho Pháp nhưng người Pháp từ chối vì cho rằng con tàu di chuyển quá chậm và tầm hoạt động hạn chế. Thậm chí, quan chức Bộ Hải quân Pháp lúc đó còn đánh giá nó là thứ vũ khí lén lút chỉ phù hợp với cướp biển. Fulton chuyển đề nghị bán cho Anh, nhưng Anh cũng từ chối. Fulton phải trở về Mỹ nhưng mọi thuyết phục vẫn tiếp tục thất bại.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh đưa đẩy, cuối cùng tàu ngầm đã được các nhà quân sự sử dụng như công cụ chiến tranh. Sự kiện có tính chất bước ngoặt trong lịch sử tàu ngầm chiến đấu là trong nội chiến Mỹ (năm 1861-1865) giữa quân chính phủ Liên bang miền Bắc với quân ly khai Liên minh miền Nam. Đêm 17/2/1864, tàu ngầm Hunley của Liên minh miền Nam áp mạn tàu chiến vỏ gỗ USS Housatonic của Liên bang miền Bắc ở cảng Charleston. Tàu ngầm Hunley gài mìn vào tàu chiến rồi lùi lại, kích nổ. Tàu USS Housatonic chìm trong vài phút nhưng tàu ngầm cũng bị chìm theo.
Dù vậy, người ta đã nhận ra khả năng lớn của tàu ngầm. Đến năm 1870, Robert Whitehead (người Anh) đã chế tạo loại ngư lôi được bắn đi từ ống phóng trên tàu ngầm. Năm 1885, Thorsten Nordenfelt (người Thụy Điển) giới thiệu tàu ngầm Nordenfelt trang bị ống phóng ngư lôi lắp trên boong. Tàu ngầm chạy bằng động cơ hơi nước nên tàu ở tư thế nửa nổi nửa chìm.
Vào năm 1888, Caballero (người Tây Ban Nha) đã chế tạo được tàu ngầm phóng ngư lôi đầu tiên chạy bằng ắc quy điện. Sau đó, tàu ngầm Narval (Pháp) hạ thủy năm 1899 là tàu ngầm đầu tiên sử dụng hai hệ thống đẩy gồm động cơ hơi nước được sử dụng khi tàu chạy trên mặt nước và động cơ điện được sử dụng khi tàu lặn dưới nước.
Với các thế hệ tàu ngầm tấn công hiện đại sau này, John P. Holland (người Mỹ gốc Ireland) được cho là người có công lớn, khi khẳng định rằng tàu ngầm sẽ là bảo bối đập tan hạm đội tàu mặt nước.
Thành tựu đỉnh cao của Holland là tàu ngầm Holland VI hạ thủy năm 1897. Tàu ngầm dài hơn 16 mét, thân tàu chỗ rộng nhất 3 mét, sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng xăng và có thể sạc điện để tự lặn xuống thay vì chờ các két dằn đầy nước. Phần lớn tàu ngầm quân sự của các bên tham gia hai cuộc chiến tranh thế giới đều là phiên bản biến thể theo thiết kế của John P. Holland. Sau đó, động cơ đốt trong được cải tiến, tàu ngầm sử dụng động cơ diesel - điện trở thành cấu hình tiêu chuẩn cho đến khi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ra đời.
Tàu ngầm là phương tiện quân sự tối quan trọng giúp các nước giành ưu thế từ đại dương nhưng nó khó được tìm thấy khi mất tích và thường để lại hậu quả nặng nề mỗi khi gặp nạn.
Nhiều sự cố với tàu ngầm trên biển đã xảy ra. Thảm họa đầu tiên và được cho là lớn nhất được ghi nhận vào ngày 11/4/1963. Đó là con tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Thresher của Mỹ, nó đã gặp sự cố trong lúc thử nghiệm hoạt động ở độ sâu 400 mét rồi chìm xuống độ sâu 732 mét. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 129 thủy thủ thiệt mạng. Đến nay, đây vẫn là vụ tai nạn tàu ngầm có số người chết cao nhất trong lịch sử, nhiều hơn cả thảm kịch tàu ngầm Kursk của nga (gặp sự cố vào khoảng 11 giờ 30 ngày 12/8/2000, trong khi đang tập trận bắn đạn giả trên biển Barents, khiến toàn bộ 118 thủy thủ và sĩ quan thiệt mạng).
Các tài liệu do Hải quân Mỹ công bố vào tháng 7/2021 dường như vẫn không đủ để giải thích nguyên nhân dẫn tới thảm họa đến với tàu USS Thresher. Norman Polmar - nhà phân tích hải quân và là tác giả cuốn sách "Cái chết của tàu USS Thresher", cho rằng không có vụ nổ nào ở con tàu nhưng cũng không thể nói là nó bị áp suất nước biển bóp chết. Tuy nhiên, theo Chris Drew - nhà khảo cổ học đáy biển, cũng là người từng khảo sát xác tàu Thresher thì vì một lí do nào đó con tàu đã bị chìm xuống vùng nước sâu chết người, mà như vậy, nó sẽ bị nghiền nát.
Trong khi đó, phía Hải quân Mỹ cho rằng lỗi kỹ thuật hàn đã khiến một đường ống trên tàu ngầm USS Thresher bị bung ra, khiến nước biển tràn vào tàu, gây chập điện dẫn đến lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngừng hoạt động.
Vào năm 2012, Phó Đô đốc Ron Thunman, người từng chỉ huy tàu ngầm Plunger được coi là “cặp đôi” của Thresher đã nêu giải thuyết một đường ống bị vỡ và nước tràn hệ thống điện. Điều đó khiến lò phản ứng ngừng hoạt động. Giải pháp đối với các thủy thủ ở thời điểm đó là cho nổ các bể dằn của tàu ngầm khi con tàu đang lặn sâu. Tuy nhiên, khí nén từ vụ nổ bể dằn xì ra với áp suất cao khiến hơi nước trong buồng máy bị đóng băng, bít chặt các van này và khiến con tàu không thể nổi lên được.
Đến nay, vẫn rất nhiều người mong muốn tìm kiếm câu trả lời cho vụ tai nạn của tàu ngầm USS Thresher không chỉ vì thảm họa do nó gây ra mà còn vì đó là lần đầu tiên Hải quân Mỹ mất một tàu ngầm hạt nhân vô cùng hiện đại.
Chưa hết, tháng 5/1968, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Scorpion, lớp Skipjack của Hải quân Mỹ cũng mất tích cùng với 99 thủy thủ khi cách 643 km đảo Azores, thuộc Bồ Đào Nha về phía tây nam. Theo lịch, tàu có lịch trở về cảng ngày 27/5/1968, nhưng nó đã không xuất hiện. Đến nay, người ta vẫn chưa biết chính xác điều gì đã xảy ra với con tàu, chỉ được thông báo rằng nước tràn vào tàu và USS Scorpion đã nhanh chóng chìm xuống, trước khi bị áp lực nước bóp nát.
Sự cố cũng đến vào Hải quân Argentina. Vào tháng 11/2017, tàu ngầm chạy bằng diesel ARA San Juan mất tích tại khu vực cách bờ biển Argentina khoảng 430km cùng với 44 thủy thủ khi di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến thành phố Mar del Plata. Trong lần liên lạc cuối cùng, tàu ARA San Juan đã thông báo gặp sự cố về máy do nước tràn vào qua ống thông hơi, gây đoản mạch một ắc quy. 3 giờ sau thông báo, một âm thanh như tiếng nổ lớn xuất hiện cách nơi ARA San Juan báo tin lần cuối khoảng 50 km.
Sau đó, Argentina tiến hành chiến dịch tìm kiếm ARA San Juan với sự hỗ trợ từ 15 quốc gia, bao gồm cả Nga và Mỹ, song buộc phải dừng lại sau đó vài tuần vì không có manh mối nào đáng kể. Đến năm 2018, xác con tàu được tìm thấy ở độ sâu 900 mét. Đại diện Hải quân Argentina cho biết, họ phát hiện các mảnh vỡ dài 11, 13 và 30 mét, phần thân tàu bị bẹp nát về phía bên trong.
Gần đây hơn, sự cố đến với tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia cùng 53 thủy thủ đoàn thiệt mạng cũng là một bí ẩn. Con tàu liên lạc với sở chỉ huy lúc 3 giờ sáng ngày 21/4/2021 để xin phép lặn xuống biển trong cuộc tập trận phóng ngư lôi ngoài khơi Bali, đến 4 giờ 30 cùng ngày thì mất liên lạc hoàn toàn.
Ngay sau đó, giới chức Indonesia đã triển khai 3 tàu ngầm, 5 máy bay và 21 tàu quân sự đi tìm tàu KRI Nanggala 402. Các hệ thống thu thủy âm cũng được triển khai để tìm kiếm chuyển động, âm thanh dưới nước nhưng không kết quả. Lượng oxy dự trữ trên tàu chỉ đủ trong 3 ngày từ khi mất điện. Tới sáng ngày 24/4/2021, thời hạn đó đã đi qua.
Đại diện Hải quân Indonesia cho biết tàu ngầm mất tích nhiều khả năng chìm ở độ sâu 600 -700 mét nhưng tàu KRI Nanggala 402 thường chỉ hoạt động được độ sâu khoảng 250-500 mét vì bất cứ độ sâu nào lớn hơn đều rất nguy hiểm bởi áp lực nước lên thân tàu có thể bóp nát lớp vỏ.
Nếu như sự cố với các tàu ngầm trên biển là rất thảm khốc, thì cũng có “phép màu”. Đó là trường hợp của tàu ngầm USS Squaluss của Mỹ chở 59 người chìm xuống độ sâu 74 mét do hỏng van nạp khí vào sáng ngày 23/5/1939, khi nó chuẩn bị cho chuyến lặn thử nghiệm thứ 19 ở vùng biển cách bang New Hampshire 14km.
Trong 39 giờ, lực lượng cứu nạn đã đưa ra nhiều quyết định sinh tử. Cuối cùng, 33 nạn nhân được giải cứu thành công nhờ một buồng lặn chưa thử qua thực tế và các thợ lặn can đảm, một đô đốc nhanh nhạy cùng một thuyền trưởng có tầm nhìn.
Đại úy thuyền trưởng Oliver Naquin kể lại, lúc đó trời mưa bão. Tàu vào vùng biển động cách quần đảo Shoals 6,4km. 8 giờ 40, Naquin ra lệnh cho tàu lặn. Chuông reo, cửa đóng lại, các lỗ thông hơi mở ra, tàu ngầm chìm xuống. Mọi thứ đúng quy trình thao tác chuẩn. Đến độ sâu 18 mét, tàu khựng lại đột ngột. Thủy thủ ở các khoang trước nghe qua điện thoại ai đó hét lên từ buồng máy sau tàu: "Đẩy nó lên! Đẩy nó lên!". Van nạp khí chính đã mở ra hoặc không đóng lại được mà không rõ lý do. Khí nén được đẩy vào các thùng dằn để nâng tàu nổi lên, nhưng áp suất tăng lên đột ngột, nước ồ ạt tràn vào phía trước tàu. Con tàu chìm trong bóng tối.
Dưới độ sâu 74 mét, thuyền trưởng Naquin tính toán có thể cầm cự đến 48 giờ nếu không sử dụng quá nhiều không khí, vì vậy ông ra lệnh mọi người bình tĩnh nằm nghỉ và không nói chuyện.
Trong khoảng thời gian đó, tại xưởng hải quân Washington, thiếu tá Charles Bowers Momsen - chuyên gia cứu nạn tàu ngầm và chỉ huy đơn vị lặn thử nghiệm, đang ăn trưa thì điện thoại đổ chuông. 2 giờ sau, thủy phi cơ chở Momsen cùng nhóm cứu hộ đến vị trí xác định.
10 giờ 15 ngày 24/5/1939, thợ lặn Martin Sibitsky khoác vào người 90kg thiết bị lặn xuống nước với nhiệm vụ buộc dây thép vào cửa tàu ngầm để buồng lặn bám theo dây cáp đi xuống. Martin nhận được tín hiệu theo kiểu morse gõ vào thành tàu báo tin 33 người còn sống. Đội cứu nạn đã thả buồng lặn cuống áp vào cửa con tàu ngầm bị chìm. 14 giờ, chuyến đầu tiên, 7 nạn nhân yếu nhất được đưa lên. Đến chuyến thứ hai, cứu được 9 người, lên khỏi mặt nước lúc 16 giờ 11. Chuyến thứ ba tiếp tục cứu 9 người, nổi lên lúc 18 giờ 27.
Đến chuyến thứ tư, buồng lặn chở 8 người cuối cùng, trong đó có thuyền trưởng Naquin. 20 giờ 14, buồng lặn bắt đầu lên. Nhưng khi đến độ sâu 48 mét, dây cáp buồng lặn kẹt trong trục quay. Không thể thay cáp mới cho buồng lặn nên thiếu tá Momsen quyết định kéo bằng tay. Sau 4 tiếng rưỡi cật lực, lực lượng cứu nạn mới kéo được buồng lặn lên bằng sợi dây cáp đã rách tươm.
Tới ngày 13/9/1939, Hải quân Mỹ trục vớt tàu ngầm Squalus. Bên trong tàu còn 25 thi thể. Một thủy thủ mất tích. Lực lượng cứu nạn được thưởng 4 huân chương danh dự, 46 huân chương thập tự hải quân và 1 huân chương phục vụ xuất sắc hải quân. Thuyền trưởng Oliver Naquin được vinh thăng Chuẩn đô đốc.
Cho tới nay, câu chuyện cứu nạn tàu ngần Squalus vẫn được coi là một “phép màu dưới đáy đại dương”, vì với những sự cố nặng nề các con tầu hầu như bị đại dương “nuốt chửng”.
Tới nay, K-329 Belgorod của Hải quân Nga được cho là siêu tàu ngầm dài nhất thế giới. K-329 Belgorod là lớp tàu ngầm hạt nhân xuyên lục địa, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tấn công hạt nhân, nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị nghiên cứu mới, và cứu hộ cứu nạn. Tàu có chiều dài 184 mét rộng 18,2 mét; lượng giãn nước hơn 14.700 tấn khi nổi và 24.000 tấn khi lặn. Nó có thể lặn tới độ sâu 520 mét, tối đa 1.000 mét và hoạt động dưới nước khoảng 4 tháng. Belgorod hoạt động bằng 2 lò phản ứng công suất gần 255.000 mã lực. Vận tốc tối đa 59km/giờ. Belgorod được trang bị 6 ngư lôi hạt nhân Poseidon cùng 6 ống phóng ngư lôi 533mm. Tàu ngầm K-329 Belgorod dự kiến sẽ được đưa vào phục vụ lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương Nga trong năm 2025.