Song song với việc triển khai các dự án cải tạo các dòng kênh đen, TPHCM cũng tính toán tới việc giữ gìn và đảm bảo những dòng kênh này không bị tái ô nhiễm trở lại.
Không để kênh rạch tái ô nhiễm
Từ cuối năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 19 về thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Chính quyền thành phố kỳ vọng CVĐ sẽ cải thiện tình trạng tái ô nhiễm tại các kênh rạch hiện hữu, bên cạnh sự quyết liệt trong công tác cải tạo, chỉnh trang. Đáng chú ý, quá trình thực hiện CVĐ có sự tham gia của Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn TPHCM trong việc giám sát, vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch.
Sau hơn 5 năm triển khai CVĐ, bước đầu các cơ quan, gồm Ủy ban MTTQ, Sở Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đã có những đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm từ CVĐ.
GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cho biết, tính từ năm 2021 đến nay, thành phố đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, qua đó giải tỏa 505 điểm (đạt tỷ lệ 98%). Điều rất đáng mừng, qua CVĐ, thành phố đã chuyển hóa được gần 200 điểm ô nhiễm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…).
Theo ông Phước, từ khi triển khai CVĐ đến nay, tổng số phương tiện thu gom rác thải trên địa bàn thành phố đã trang bị được hơn 7.500 phương tiện, trong đó hơn 4.100 phương tiện đạt chuẩn. “Nhìn chung, CVĐ đã nhận được sự đồng thuận trong các giới, tầng lớp nhân dân, cơ sở tôn giáo trên địa bàn, góp phần từng bước thay đổi hành vi, thói quen, ý thức bảo vệ môi trường và ý thức người dân không xả rác xuống kênh rạch” - ông Phước nhìn nhận.
Về vai trò của MTTQ các cấp của TPHCM trong triển khai CVĐ, bà Dương Thị Huyền Trâm - Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ TPHCM nhìn nhận, CVĐ được xem là hoạt động tiêu biểu, có hiệu quả cao cải thiện chất lượng môi trường, trong đó giảm tình trạng xả thải tại các kênh, rạch hiện hữu của thành phố. Trong hơn 5 năm triển khai, CVĐ nhận được sự hưởng ứng tham gia của toàn dân, huy động được cả hệ thống chính trị.
Theo bà Trâm, về cơ bản CVĐ đã chuyển hóa được nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sống. Đây là một trong những CVĐ được người dân nhớ nhiều nhất, bởi phương thức thực hiện được lặp lại nhiều lần, đặc biệt CVĐ có sự tác động trực tiếp, nhanh chóng đến việc cải thiện môi trường sống của người dân.
Nhờ thực hiện tốt công tác giám sát, tuyên truyền, Ủy ban MTTQ TPHCM đã kịp thời phát hiện, biểu dương những mô hình ở khu dân cư, như: Xóa bãi rác làm sân chơi cho thiếu nhi; Xây dựng Đường hoa; Biến bãi rác trồng cây xanh, hoa cảnh; Tạo sân tập luyện thể dục thể thao ở TP Thủ Đức, quận 8, quận 3, quận Bình Thạnh….
Dân đồng thuận, dự án sẽ “trôi chảy”
Từ hiệu quả bước đầu của CVĐ “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, bà Dương Thị Huyền Trâm cho rằng, để lan tỏa được đến người dân cần tạo được phần việc, những công trình gắn với lợi ích với người dân, để người dân cùng thụ hưởng. Từ đó, họ sẽ tự giác tham gia và vận động người thân về ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác xuống kênh rạch. Ý nghĩa hơn, sức lan tỏa của CVĐ sẽ kéo theo người dân hưởng ứng, thực hiện nhiều mô hình, phong trào khác.
Là cán bộ gắn bó nhiều năm ở cơ sở, ông Bùi Thanh Hưng - Trưởng khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cho biết, thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát, riêng khu phố 11 đã tiến hành giải tỏa nhanh chóng với sự đồng thuận của khoảng 400 hộ dân, là một trong những khu phố giải tỏa nhiều nhất để phục vụ dự án.
Theo ông Hưng, kinh nghiệm vận động hộ dân phải bám sát vào lợi ích, quyền lợi của họ. Khi lợi ích giữa người dân, chủ đầu tư và chủ trương thành phố được giải quyết hài hòa, người dân chắc chắn sẽ đồng thuận. Từ đó, các dự án giải tỏa, di dời sẽ triển khai suôn sẻ. “Chúng tôi khi xuống cơ sở vận động người dân, luôn lắng nghe mong muốn của họ, đề từ đó có các đề xuất, tạo đồng thuận. Ở khu phố này hiện chỉ còn một hộ nằm trong khu vực ranh của dự án. Nhiều hộ đã chủ động nhận tiền hỗ trợ di dời, tất cả nhờ vào công tác vận động” - ông Hưng chia sẻ.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm của mình, ông Trần Hữu Nghĩa (Ban Dân chủ - Pháp luật) Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, điều quan trọng nhất để nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị nói chung và cụ thể là ngăn chặn hành vi xả rác xuống kênh rạch, các cơ quan như HĐND và MTTQ thành phố phải thể hiện được vai trò giám sát, phản biện tại các dự án đang triển khai nạo vét, cải tạo, song song với việc di dời người dân sống ven và trên kênh rạch.
“Việc di dời các hộ dân sống trên và ven kênh muốn được thuận lợi trước hết chính quyền cần có giải pháp căn cơ, đặc biệt là hỗ trợ chỗ ở cho người dân sớm an cư. Nếu di dời mà không có nhà ở, dân sẽ không đi mà có đi cũng không biết đi về đâu” - ông Nghĩa nói và cho rằng, tâm lý người dân không ai muốn ở tại nơi có môi trường ô nhiễm, trường hợp cưỡng chế, họ cũng sẽ quay lại. Điều này không khéo lại đẩy người dân vào con đường khó khăn hơn.
Theo ông Nghĩa, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các kênh, rạch ở TPHCM xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhiều nguồn khác nhau, trong đó không loại trừ chất thải của các doanh nghiệp sản xuất ven kênh rạch. Do đó, không chỉ chú trọng vào tuyên truyền người dân không xả rác, chất thải sinh hoạt xuống kênh rạch, còn phải đòi hỏi sự quyết liệt của chính quyền và cơ quan chức năng trong công tác quản lý môi trường của thành phố. Bên cạnh đó, các dự án nạo vét, xử lý chất thải định kỳ cũng làm chưa tới nơi, tới chốn.
Mới đây Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo một số sở, ngành đã kiểm tra các dự án xây dựng hạ tầng cải tạo kênh rạch của thành phố. Cụ thể tháng 2/2024 vừa qua tại buổi kiểm tra dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (chiều dài tuyến gần 32km, đi qua các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh), ông Phan Văn Mãi đã yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai cải tạo tuyến kênh này.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo các quận, huyện có dự án cải tạo kênh rạch cần quyết liệt, không để tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao. Đồng thời, những phát sinh phải tính toán bồi thường cho người dân hợp lý trên cơ sở đồng thuận của người dân. Quá trình thi công, nếu khó khăn về nguồn cát xây dựng, nhà thầu phải chủ động tìm nguồn, chứ không lấy lý do thiếu cát mà làm chậm tiến độ. UBND TPHCM sẽ theo sát quá trình dự án để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
(Còn nữa)