Hành trình tìm chủ nhân cuốn sổ đặc biệt do cựu quân nhân Mỹ lưu giữ hơn nửa thế kỷ

Hạnh Nguyên - Cẩm Kỳ 04/02/2023 13:00

Trở về từ chiến trường Việt Nam, cuốn sổ khắc tên “Cao Xuan Tuat” được một người lính ở Mỹ lưu giữ suốt 56 năm bên mình. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 ngày sau khi có thông tin, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tìm thấy gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất với những sự trùng hợp đến kỳ lạ.

Cuốn sổ đặc biệt mang tên Cao Xuan Tuat.

Trăn trở của cựu quân nhân Mỹ

Ngày 27/1/2023, tờ NorthJersey (Mỹ) đăng tải câu chuyện của cựu quân nhân có tên Peter Mathews (77 tuổi, ở New Jerey, Mỹ) khi đã lưu giữ cuốn sổ của người lính Việt Nam hơn nửa thế kỳ. Cuốn sổ khắc tên “Cao Xuan Tuat”.

Theo bài báo, Peter Mathews tìm thấy cuốn sổ trong một chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam tại trận địa Đăk Tô, Tây Nguyên (huyện Đăk Tô, Kon Tum, Việt Nam) vào tháng 11/1967.

Cựu binh 77 tuổi cầm cuốn sổ với đôi mắt đỏ hoe chờ tin xuyên đêm.

Mathews cho biết, khu vực ông nhặt được cuốn sổ là chân Đồi 724, cuốn sổ nằm trong một chiếc ba lô, giữa các thi thể chứ không gắn liền vào một người nào cụ thể nên ông không biết cuốn sổ của ai và người này còn sống hay đã chết.

Lần dở một số trang, Mathews nhận định cuốn sổ không phải là tài liệu quân sự mà có thể là một cuốn nhật ký cá nhân. Vì thế ông bỏ nó vào túi và theo ông trở về nước Mỹ.

Về New Jersey (Mỹ), ông Peter Mathews kết hôn, lập gia đình và mở một doanh nghiệp ngành xây dựng. Cuốn sổ được ông Mathews lưu giữ trong một chiếc hộp trên gác mái căn nhà của ông ở Bergenfield, New Jersey.

Bên trong trang trí bằng những hình vẽ, chữ nghệ thuật hết sức công phu, phong phú, đẹp mắt.

Cất giữ hơn nửa thế kỷ, giờ đây, cựu binh 77 tuổi khao khát tìm chủ nhân cuốn sổ đặc biệt này để trả lại. Ông đăng tải lên Facebook cá nhân với ước mơ trao trả cho chủ nhân hoặc gia đình người lính Việt Nam.

Bằng những hình ảnh ban đầu cho thấy, cuốn sổ có bìa bọc nylon, bên trong trang trí bằng những hình vẽ, chữ nghệ thuật hết sức công phu, phong phú, đẹp mắt.

Nội dung trong cuốn sổ là các bài thơ chép lại, lời bài hát; thơ tự sáng tác và có một số bức thư gửi mẹ, chị gái, người yêu… Cuốn sổ chất chứa các bài thơ, bức thư với những câu từ hồn nhiên, chân chất. Qua đó toát lên vẻ đẹp của người lính cụ Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của tuổi trẻ lúc bấy giờ.

Nhiều nét chữ, bút tích để lại trong cuốn sổ đặc biệt.

Cuốn sổ không chỉ có nét chữ, chữ ký của người lính có tên Cao Xuân Tuất mà còn có bút tích của một số người khác với các địa điểm khác nhau.

Sự trùng hợp kỳ lạ

Sau khi tờ NorthJersey đăng tải bài viết, một số tờ báo ở Việt Nam biên dịch, dẫn lại. Ngày 30/1/2023, ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tình cờ nhận được thông tin, ông nhanh chóng tìm hiểu, kết nối với tác giả bài báo và cựu quân nhân Peter Mathews .

Từ sự khâu nối của Giáo sư Shanon Gramse (Đại học Alaska - Mỹ), ông Trần Nhật Tân đã trao đổi với tác giả bài báo Megan Burrow và vị cựu quân nhân Peter Mathews thông qua email, Facebook.

Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh dày công liên hệ, tìm tung tích chủ nhân cuốn sổ.

“Tôi tình cờ quen Giáo sư Shanon Gramse vào dịp Tết Dương lịch năm 2023 khi ông cùng gia đình đến tham quan, giao lưu tiếng Anh với học sinh tại các mô hình Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ ở Hà Tĩnh. Nhờ sự nhiệt tình của Giáo sư Gramse nên tôi mới thuận lợi tiếp cận với ông Peter Mathews” - ông Trần Nhật Tân nói.

Ông Peter Mathews đã 77 tuổi, không thành thạo sử dụng điện thoại, máy tính và các phần mềm chia sẻ nên việc gửi hình ảnh các trang trong cuốn sổ thường xuyên gián đoạn và các thông tin, hình ảnh chắp nối, khó xác định.

Hành trình tìm chủ nhân cuốn sổ đã trải qua trên 100 email trao đổi bằng Tiếng Anh giữa ông Trần Nhật Tân với 3 người ở Mỹ.

Nỗ lực kết nối, xác minh thông tin, từ ngày 31/1/2023 đến 3/2/2023 với trên 100 email trao đổi bằng Tiếng Anh giữa ông Trần Nhật Tân với 3 người ở Mỹ, ông Tân mới nhận được gần như trọn vẹn các thông tin, hình ảnh về cuốn sổ.

Bức ảnh với những thông tin đáng quý xuất hiện gợi mở hướng tìm kiếm.

Kể lại khoảnh khắc nhận được bức ảnh ghi thông tin, địa chỉ, người thân của chủ nhân cuốn sổ vào lúc 9 giờ tối 31/1/2023, đến giờ ông Trần Nhật Tân vẫn còn xúc động khi biết ông Cao Xuân Tuất - chủ nhân cuốn sổ.

Thông tin được ghi cụ thể như sau: “Cao Xuân Tuất, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh”.

Phía dưới là những dòng chữ viết về những thân nhân: “C - Cao Xuân Kế, M - Lê Thị Vỹ, chị - Diếu”.

Ngay lập tức, ông Tân liên hệ với huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và các cơ quan chức năng như Bộ chỉ huy Quân sự, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh…

Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp trích lục hàng trăm hồ sơ các cựu binh, liệt sĩ trên toàn tỉnh có họ Cao. Trong đó xác định có 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh có họ Cao và 9 liệt sĩ quê Kỳ Anh có tên Tuất, nhưng duy nhất 1 người có họ Cao tên Tuất là Cao Văn Tuất (khác tên đệm), ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh với nhiều thông tin trùng khớp.

Đoàn công tác của Hà Tĩnh đến gia đình thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất ở xã Kỳ Xuân.

Ngoài ra, theo thông tin từ Công an tỉnh, sau khi rà soát dữ liệu dân cư và xác định không có ai có đầy đủ tên Cao Xuân Tuất như trong cuốn sổ ghi chép có hộ khẩu tại Hà Tĩnh.

Mặt khác, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh trích lục thông tin quân nhân có một liệt sĩ tên là Cao Xuân Tuất, nguyên quán ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Hy sinh ngày 10/12/1967, nơi hy sinh là Trường Lâm, Hoài Nhơn, Bình Định.

Theo chân lực lượng chức năng, chiều 1/2/2023, PV Đại Đoàn Kết có mặt tại nhà ông Hà Huy Mỳ (con trai bà Cao Thị Diếu, cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Những ký ức về liệt sĩ Cao Văn Tuất rất ít và mờ nhạt.

Tìm hiểu thông tin từ phía gia đình ông Mỳ, cơ quan chức năng Hà Tĩnh thu nhận được nhiều chi tiết trùng hợp với cuốn sổ, chỉ khác mỗi tên đệm là Xuân và Văn.

“Khi nhìn thấy bức ảnh có ghi tên họ, người thân, địa chỉ của cậu Tuất, tôi không kìm được nước mắt. Bức ảnh có tên bố, mẹ, chị của cậu Tuất và địa chỉ ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Tôi nghĩ chắc chắn đây là bút tích của cậu. Tôi không ngờ quãng thời gian dài đằng đẵng như vậy mà giờ đây được tận mắt xem kỷ vật của cậu” - ông Hà Huy Mỳ xúc động nói.

Ông Hà Huy Mỳ (cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất) xúc động.

Liệt sĩ Cao Văn Tuất ở xã Kỳ Xuân có bố là Cao Văn Kế (đã mất), mẹ là Lê Thị Vỹ (đã mất) và 3 người chị, em gái là Cao Thị Diếu, Cao Thị Nồng và Cao Thị Nành (đã mất).

Đáng tiếc, bàn thờ vọng liệt sĩ Cao Văn Tuất ở nhà ông Mỳ không có di ảnh và gia đình có rất ít thông tin, tư liệu của liệt sĩ. Thông tin về phần mộ của liệt sĩ Tuất cũng chưa có manh mối nào dù gia đình đã nỗ lực tìm kiếm lâu nay.

Theo ông Mỳ, liệt sĩ Cao Văn Tuất sinh năm 1946, ông nhập ngũ khi tròn 18 tuổi cùng với 3 người cùng trang lứa ở xã Kỳ Xuân. 4 người nhập ngũ lúc đó đã hy sinh 3 người, chỉ còn duy nhất ông Nguyễn Tiến Huế còn sống và hiện đang trú ở TP Hồ Chí Minh.

Bức ảnh ghi địa chỉ, thông tin trên cuốn sổ đã tiếp thêm hy vọng cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Liên lạc qua điện thoại, ông Huế xác nhận chữ viết trên cuốn sổ chính là của đồng đội ông - Cao Văn Tuất. Ông Huế cho hay, sau khi nhập ngũ, huấn luyện ở huyện Hương Sơn, ông và các đồng đội đi B (vào chiến trường miền Nam) chiến đấu. Ông ở Đại đội 17 còn ông Tuất ở Đại đội 16, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Có thời điểm 2 đại đội cắm quân gần nhau, ông Huế thường xuyên sang thăm bạn.

“Ông Tuất sinh cùng năm, ở cùng thôn với tôi nhưng học sau một khóa, ông Tuất học hết lớp 4. Ông Tuất với tôi nhập ngũ cùng 1 ngày và từng chiến đấu trong chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum và ông Tuất rất hay làm thơ” - ông Nguyễn Tiến Huế khẳng định.

Đối với sự khác nhau về tên đệm giữa Cao Xuân Tuất và Cao Văn Tuất, ông Huế lý giải trước đây do chiến tranh nên tên họ không trùng khớp là điều dễ hiểu. Mặt khác, trong số 4 người cùng nhập ngũ có người tên Cao Xuân Lý nên rất có thể Cao Văn Tuất chính là Cao Xuân Tuất.

Có thể thấy, những thông tin chắp nối từ thân nhân liệt sĩ, đồng đội và những bức ảnh chụp lại từ cuốn sổ do cựu binh Mỹ gửi về gần như xác định được chủ nhân của cuốn sổ.

Cũng lần theo các thông tin này, những người liên quan đều nhận định về trận đánh Đăk Tô cuối năm 1967 ở chiến trường Tây Nguyên có thể liên quan đến hy sinh của liệt sĩ Cao Văn Tuất. Từ đây, gợi mở cho gia đình về những hướng đi để có thể sớm tìm kiếm, quy tập phần mộ liệt sĩ.

Nỗ lực kết nối, kỳ vọng

Ông Hồ Huy Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh chia sẻ: Những thông tin này cơ bản có thể khẳng định cuốn sổ là của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Gia đình cũng như địa phương rất mong cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ cựu quân nhân Mỹ sang Việt Nam để trao lại cho thân nhân liệt sĩ.

Trong một diễn biến khác, nhận được thông tin, chiều 1/2 đoàn công tác Hà Tĩnh tìm đến gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất để nhận định là thân nhân của người lính Việt mình đang tìm kiếm, ông Peter Mathews đã thức xuyên đêm, liên tục gửi email, chờ đợi thông tin phản hồi.

Cựu binh Peter Mathews thức thâu đêm để chờ tin tức từ Việt Nam.

“Nhận được mail phản hồi với hình ảnh ông Mathews ôm cuốn sổ trên tay vào lúc 4h12 ngày 1/2 khiến tôi rất xúc động. Ông ấy đã thức cả đêm để chờ tin. Ông nói là ông đã bật khóc khi biết tin về gia đình liệt sĩ Tuất và ông thực sự khao khát được sang Việt Nam trao lại cuốn sổ cho gia đình liệt sĩ. Ông Mathews bày tỏ, ông không cần ai tài trợ chuyến đi mà chỉ mong muốn có vợ cùng đồng hành với mình sang Việt Nam” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân chia sẻ.

Với những thông tin khá trùng khớp đó, bước đầu có thể khẳng định chủ nhân của cuốn sổ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang tiếp tục liên hệ với ông Peter Mathews để có đầy đủ nội dung cuốn sổ.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện các thủ tục, phối hợp cơ quan liên quan, kết nối để ông Peter Mathews có thể sang Việt Nam trong thời gian sớm nhất và trao trả lại cuốn sổ ghi chép.

Thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất tin tưởng cuốn sổ chính là kỷ vật của liệt sĩ.

Nỗ lực kết nối để tìm chủ nhân cuốn sổ của ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh không chỉ đáp ứng nguyện vọng của cựu quân nhân Mỹ Peter Mathews, tiếp thêm hy vọng cho thân nhân liệt sĩ tìm kiếm phần mộ mà còn là hoạt động để thực hiện chức năng ngoại giao nhân dân của MTTQ.

Ngoài ra, cuốn sổ đặc biệt sẽ là kỷ vật chiến tranh đáng quý, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc. Đặc biệt, qua đó truyền tải thông điệp của Đảng và Nhà nước trong mối quan hệ Việt Nam - Mỹ: “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Còn nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình tìm chủ nhân cuốn sổ đặc biệt do cựu quân nhân Mỹ lưu giữ hơn nửa thế kỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO