Không còn cảnh bị đè ra hút mật, 49 chú gấu ngựa sau khi được đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã được tự do chạy nhảy, leo trèo trong môi trường bán hoang dã.
Ngày 17/11, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (FOUR PAWS VIET) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình kỷ niệm 5 năm chuyến cứu hộ gấu đầu tiên về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.
Theo FOUR PAWS, trong 5 năm hoạt động, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã tổ chức cứu hộ thành công 24 chuyến giải cứu và đưa về cơ sở 49 cá thể gấu ngựa tại khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Sau khi được giải cứu, những cá thể gấu ngựa được chăm sóc trong khu vực cách ly để phục hồi bản năng tự nhiên, sau đó thả về môi trường bán tự nhiên rộng khoảng 10 ha tại đây.
Ông Gerald Dick, Giám đốc điều hành các chương trình, thành viên Hội đồng Quản trị của FOUR PAWS khẳng định, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là dự án quan trọng nhất của trung tâm tại châu Á.
FOUR PAWS muốn đẩy nhanh đầu tư vào dự án xây dựng cơ sở bảo tồn rộng trên 30 ha tại Công viên động vật hoang dã quốc gia (nằm ở xã Kỳ Phú và Phú Long, huyện Nho Quan).
Theo dự kiến, sau khi xây dựng công viên, FOUR PAWS sẽ tổ chức bảo tồn thêm 30 cá thể hổ và một số loài nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam với diện tích trên 30 ha tại Công viên động vật hoang dã.
Tổng Giám đốc điều hành các chương trình của Tổ chức FOUR PAWS mong muốn, các ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình sớm đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để dự án có thể được cấp phép vào năm 2023; hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2026.
Về phía tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NNPTNT khẳng định, các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ vào cuộc một cách quyết liệt, rốt ráo để thực hiện đánh giá các thủ tục, hồ sơ pháp lý, giúp dự án của tổ chức FOUR PAWS sớm được triển khai và hoạt động trong tương lai gần.
Đánh giá về những kết quả của Cơ sở bảo tồn gấu đã đạt được trong 5 năm qua, ông Tiến cho hay, trong công tác cứu hộ và chăm sóc gấu trung tâm đã lồng ghép được công tác giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật và bảo vệ thiên nhiên.
Ngoài ra, ông Tiến cho rằng, cơ sở đã vận hành điểm nơi đây thành điểm du lịch theo mô hình bền vững, vừa đáp ứng tiêu chuẩn về dịch vụ khách hàng, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật.
Ông Trần Trọng Anh Tuấn, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (thuộc Bộ TNMT) đánh giá cao sự nỗ lực, tập trung ưu tiên của các cơ quan ban ngành tỉnh Ninh Bình trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và hi vọng Ninh Bình tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác bảo tồn, trong đó có bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm.
Từ năm 2017 đến nay, Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình đã trở thành mái nhà cho gần 49 cá thể gấu là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật. Không chỉ là trung tâm chăm sóc và duy trì phúc lợi cho gấu, cơ sở còn tổ chức cho du khách nhiều hoạt động tham quan thực tế cuộc sống của gấu trong khu vực bán hoang dã, nơi du khách có thể tận mắt nhìn thấy gấu ăn uống, chơi đùa thâm chí là thả mình trong hồ bơi.
Cơ sở này nằm trong phân khu cây xanh sinh thái của Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình, cách cổng Vườn Quốc gia Cúc Phương khoảng 8km. Cơ sở khởi công xây dựng từ năm 2016 và chính thức khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 3/2019.
Với 4 khu bán hoang dã có tổng diện tích lên đến 22.000 m2 được thiết kế phù hợp với đặc điểm loài, các cá thể gấu ở đây có thể dần dần phục hồi lại bản năng tự nhiên, được tự do hoạt động ngoài trời và trong nhà 24h/ngày, gấu có thể lựa chọn bơi lội trong hồ, leo trèo lên các bậc sàn cao, tắm nắng ngoài bãi cỏ, chơi đùa cùng nhau, tìm kiếm thức ăn, hay trốn vào những nơi khuất để thư giãn.
Các nhân viên chăm sóc gấu đều là người dân địa phương tại huyện Nho Quan dưới sự hướng dẫn và quản lý bởi đội ngũ chuyên gia về phúc lợi động vật và thú y trong và ngoài nước.