Dưới tán những rừng cao su bạt ngàn là dãy nhà khang trang, ngôi trường rộn tiếng trẻ học bài, những chiếc xe gắn máy, tiệm tạp hoá đầy ắp đồ đạc góp phần cho cuộc sống mỗi ngày sung túc hơn.
Gắn bó với công việc thu hoạch mủ ở Công ty Phước Hoà-Kampong Thom, chị Rim Siang Eng công nhân cạo mủ cho biết cảm thấy vô cùng may mắn vì có công việc ổn định, thu nhập cao so với mặt bằng chung. "Tôi làm công nhân công ty gần 10 năm rồi. Hiện nay vợ chồng tôi, cùng 2 người con (9 và 6 tuổi) đang ở trong căn nhà do công ty xây dựng. Vừa qua, vợ chồng tôi đã mua được một chiếc xe gắn máy khoảng gần 3.000 USD rất tốt. Trước đó mấy năm, gia đình tôi cũng mua được mảnh đất dài 15 mét ngang ở phía ngoài công ty nhưng chưa xây dựng được nhà riêng. Tôi rất hài lòng và muốn gắn bó lâu dài với công việc này, với công ty", chị Rim cho biết thêm.
Người phụ nữ này cũng chia sẻ rằng hồi đầu năm, chồng chị đã được công ty cất nhắc làm tổ trưởng tổ cạo mủ do thời gian dài làm việc chăm chỉ. Chồng chị là người Việt, sinh ra ở Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) nhưng từ nhỏ đã sinh sống ở Campuchia. Chị Rim còn kể năm nào cũng theo chồng về bên Tân Biên vài ngày. Được biết, quãng đường từ khu vực này về cửa khẩu Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) chỉ hơn một trăm cây số, đi lại cũng rất thuận tiện.
Cũng xin nói thêm rằng, trước khi các công ty của VRG sang, trồng và sản xuất cao su vẫn còn là khái niệm xa lạ với nhiều cư dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Cư dân thưa thớt và đất đai rộng lớn nên người dân vẫn sinh sống dựa vào thiên nhiên thuần tuý. Tuy nhiên, cây cao su đã thay đổi, mang tới cuộc sống ấm no, ổn định hơn rất nhiều cho các cộng đồng.
Trong những ngày rong ruổi dưới tán rừng cao su ở Vương quốc Campuchia, chúng tôi thấy câu chuyện của chị Rim khá phổ biến. Rất nhiều người trước đó làm các công việc bán thời gian, thu nhập bấp bênh nhưng sau khi vào làm việc, gắn bó với công ty đã thay đổi cuộc sống rất nhiều. Tất cả các công nhân (có nhu cầu) đều được cấp nhà ở với diện tích khá thoải mái nên nhiều công nhân đưa cả cha mẹ, người thân tới ở. Bên cạnh đó, trẻ em cũng được học ở trong trường do công ty xây dựng nên công nhân cũng an tâm làm việc hơn theo đúng nghĩa "an cư lạc nghiệp".
Với các Công ty Tân Biên-Kampong Thom, Bà Rịa-Kampong Thom, Phước Hòa -Kampong Thom quy mô khoảng hơn 1.000 công nhân thì đều có 2-3 khu dân cư trong các rừng cao su. Ngoài những công nhân có nhà riêng ở gần đó thì những người ở xa, cặp vợ chồng trẻ thường chọn ở trong các căn nhà công ty xây dựng vì có nhiều lợi ích thiết thực. Thậm chí vào mấy ngày trước và sau khi phát lương (tháng 2 lần), ngày lễ tết thì các xe tải, xe ba gác chất đầy hàng hóa nhu yếu phẩm ở bên ngoài chạy vào để bán cho công nhân, tạo ra không khí rất náo nhiệt. Thường ngày, trong các khu dân cư cũng có tiệm tạo hoá, xe bán đồ nhu yếu phẩm phục vụ do các rừng cao su có thể cách chợ chính vài cây số.
Cuộc sống ở các đô thị của Vương quốc Campuchia đã thay đổi nhiều mấy năm qua nhưng các vùng nông thôn, cuộc sống cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn. Đi dưới tán rừng cao su, nghe các công nhân chia sẻ về cuộc sống (thông qua phiên dịch) chúng tôi thấu hiểu được rằng, cây cao su và công việc ở nông trường đã thay đổi nhiều cuộc đời theo hướng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, công việc có sự ổn định lâu dài nên nhiều gia đình có vợ chồng, anh chị em cùng làm việc là điều khá phổ biến. Một số công nhân ở các tỉnh lân cận, cách xa hàng trăm cây số cũng tới làm việc, gắn bó với các cánh rừng cao su. Đặc biệt hơn, nhiều người dân Campuchia cũng học và trồng cao su theo kiểu "tiểu điền" với quy mô gia đình nhỏ lẻ từ kinh nghiệm học hỏi được để phát triển kinh tế. Đó là lý do, cây cao su không chỉ có trong phạm vi công ty mà mở rộng sang nhiều vùng đất khác.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vương Nguyễn Phương Lâm, Phó Tổng Giám đốc công ty Phước Hoà-Kampong Thom thì Campuchia là đất nước của lễ hội. Hàng năm luôn có rất nhiều lễ hội trong cộng đồng người Campuchia, mỗi lễ hội kéo dài vài ngày. Để các công nhân vừa yên tâm làm việc, vừa vui chơi theo các lễ hội thì công ty đã động viên, tặng quà là gạo, nhu yếu phẩm cũng như điều chỉnh giờ làm, tăng gấp hai lần lương ngày lễ để công nhân an tâm làm việc.
Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống sản xuất sinh hoạt ở đây, chúng tôi được biết công ty cao su có chủ trương sử dụng nhiều nhân viên quản lý, kỹ thuật là người Khmer sinh sống ở các tỉnh biên giới như Tây Ninh, An Giang... sang bên Kampong Thom làm việc. Những người này đều tốt nghiệp các trường đại học ở Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh hay thậm chí ngoài Hà Nội về chuyên ngành nông nghiệp, sinh học... Họ vừa làm việc cho công ty, vừa là nhịp cầu nối ngôn ngữ, văn hóa giữa công ty với công nhân, cộng đồng địa phương cũng như có thể nhanh chóng truyền đạt các kỹ thuật, ứng dụng khoa học trong quá trình sản xuất, chăm sóc cao su.
Với quy mô khoảng 3.400 lao động, trong đó hơn 95% là người địa phương, Công ty Chư Sê-Kampong Thom là một trong những doanh nghiệp mang tới việc làm cho nhiều lao động. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc công ty cho biết hiện thu nhập của công nhân đạt gần 10 triệu đồng/người, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng thu nhập ở vùng nông thôn nơi đây. Thu nhập của công nhân được tính bằng lương cơ bản, lương chăm chỉ và lương sản phẩm. Ngoài tiền lương, công ty còn xây dựng hơn 1.200 căn nhà ở miễn phí, xây trường học, thư viện, chùa chiền cũng như cấp gạo hàng tháng. Ngoài ra là một trạm y tế khang trang dành để khám sức khoẻ miễn phí cho công nhân. Với đặc thù công nhân thu hoạch mủ thường làm việc từ sáng sớm nên hay xảy ra các tai nạn nghề nghiệp như vấp té, bị ong rết cắn, cành cây rơi vào người... nên công ty luôn xây dựng các trạm y tế khang trang, kịp thời cứu chữa nếu không may có tai nạn. Ngoài ra, các trạm y tế cũng khám định kỳ, cho thuốc để công nhân sử dụng nếu có nhu cầu. Tất cả những điều trên giúp cho công nhân yên tâm làm việc, vượt qua các rào cản về ngôn ngữ, văn hoá với tập thể cán bộ kỹ sư người Việt để đồng lòng đưa công ty phát triển.