Nỗ lực không ngừng nghỉ, đổi mới sáng tạo là những phẩm chất quen thuộc của người Việt, đã được các cán bộ kỹ sư của VRG thực hiện, truyền lửa tới các cánh rừng cao su ở Kampong Thom, Vương quốc Campuchia.
Là một ngành công nghiệp lớn, tạo ra nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng và giải quyết việc làm hàng ngàn lao động, những công ty cao su ở Vương quốc Campuchia luôn được chính quyền địa phương coi trọng, đánh giá cao. Trong đó, rất nhiều cán bộ kỹ sư người Việt khi làm việc ở đây đã có những sáng kiến "Made in Việt Nam", mang đậm chất Việt, thể hiện đúng tinh thần, phẩm chất của người Việt là cần cù, chịu khó, sáng tạo không ngừng.
Một trong số đó là thay đổi chất đốt từ dầu diesel sang nhiên liệu "xanh, thân thiện môi trường" là trấu, gỗ trong quy trình sản xuất mủ. Theo ông Vương Nguyễn Phương Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Phước Hoà-Kampong Thom, cách đây ít lâu công ty chuyển sang chất đốt "xanh". Theo đó, trong quy trình sản xuất mủ cao su cần đốt nhiên liệu tạo lò hơi. Trước kia, việc đốt chủ yếu bằng nhiên liệu dầu diesel nhưng sau đó, công ty sáng tạo bằng cách thay thế chất đốt là trấu. "Ở bên này nông dân trồng lúa nhiều. Tới mùa thu hoạch, trấu bán với giá rất rẻ nên chúng tôi quyết định sử dụng trấu để làm chất đốt từ khoảng 2 năm trước. Ban đầu chỉ đốt trấu theo mùa vụ nhưng sau đó, khi phát hiện các nguyên liệu như gỗ trong cộng đồng cư dân cũng nhiều, giá rẻ nên chúng tôi mua gỗ về làm chất đốt", ông Phương Lâm cho biết.
Theo đó, gỗ mà công ty mua giá rẻ là thân, cành, gốc của cây điều, loại cây được trồng rất phổ biến ở vùng này. Dù không phải là phát minh mới mẻ nhưng việc thay thế nguyên liệu cũng tạo hiệu quả kinh tế đáng kể, do dầu diesel ở vùng nông thôn nơi đây giá thành khá cao.
Nhưng đi tiên phong trong sáng tạo, đưa các ứng dụng tăng hiệu quả kinh tế vào sản xuất chính là ở Công ty Chư Sê-Kmpong Thom, với nhiều ứng dụng thiết thực, cần thiết, đặc trưng. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Khuyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Chư Sê-Kampong Thom cho biết, những năm qua, công ty luôn tìm cách đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, nhằm mang tới hiệu quả cao nhất.
Một trong số đó là ứng dụng bản đồ chỉ đường trên điện thoại thông minh. Với diện tích quản lý hơn 16.000 ha, cùng hệ thống đường trong lô cao su lên tới khoảng gần 700 km (đường ngang, dọc...) khiến cho việc di chuyển của cán bộ nhân viên đôi lúc gặp khó khăn nếu không có công nghệ chỉ đường. Bên cạnh đó, internet trong rừng cao su vẫn khá chập chờn, thậm chí không có nên để cán bộ, kỹ sư tới các lô cao su kiểm tra quy trình sản xuất gặp khó. Để giải quyết nhu cầu này, cán bộ kỹ sư của công ty bắt đầu từ 1 ứng dụng miễn phí trên điện thoại thông minh sử dụng vệ tinh GPS. Sau đó, công ty chia các lô cao su thành vùng nhỏ, có đánh dấu số thứ tự chỉ dẫn. Khi đó, cán bộ kỹ sư di chuyển có thể bấm vào ứng dụng và dù không có internet vẫn biết được vị trí chính xác theo thời gian thực. Ứng dụng này rất hữu ích với công ty có quy mô quản lý rất lớn như Chư Sê-Kampong Thom.
Nhưng đó không phải là ứng dụng hữu ích duy nhất, trong quy trình sản xuất, công ty còn áp dụng một số ứng dụng khác và điển hình trong số này là máy tời kéo mủ cao su. Với thực tiễn là khi vận chuyển các giỏ cao su (nặng chừng 50-60 ký lô) từ dưới mặt đất lên thùng xe tải cao tầm 3-4 mét thường tốn nhiều sức lực. Trước khi có máy tời, công nhân thường sử dụng sức người kết hợp với thang bậc. Theo đó, 2 người khiêng 1 giỏ cao su đi lên các bậc thang trong khi 1-2 người khác đứng trên nóc thùng xe tải để phụ kéo lên. Công việc tốn thời gian, công sức và nhân lực. Thế nên, khi đưa vào sử dụng máy tời kéo đã mang tới niềm vui cho rất nhiều công nhân.
"Khi chuyển cao su lên xe tải là bước cuối cùng của quá trình thu hoạch trên lô rồi nên công nhân thường thấm mệt. Thế nên phải đưa giỏ lên cao làm nhiều người gặp khó, thậm chí dễ xảy ra tai nạn lao động. Việc đưa máy móc vào giúp ích cho công nhân rất nhiều. Hiện nay, tại các trạm trung chuyển mủ lên xe tải, cứ 2 ngày 1 lần, máy tời sẽ được sử dụng", một kỹ sư của Chư Sê-Kampong Thom cho biết. Khi trao đổi với các công nhân, chúng tôi được biết sau khi đưa máy tời kéo vào thực tế, họ hoàn thành công việc sớm hơn nhưng thu nhập vẫn không giảm.
Luôn biết cách sáng tạo, giải quyết những khó khăn thách thức trong đời sống lao động sản xuất là phẩm chất chung của người Việt. Khi làm việc trên các rừng cao su Vương quốc Campuchia, phẩm chất này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn khiến cho nhiều công nhân, người lao động ở nước bạn ngỡ ngàng, cảm phục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những ứng dụng trên, hiện nay công ty Chư Sê-Kampong Thom còn sử dụng cả thiết bị như máy bay không người lái (flycam) trong việc quan sát, quản lý các lô cao su hay máy móc để tăng hiệu quả tưới cây, bón phân... Đây là hướng đi rất phù hợp trong bối cảnh các ứng dụng khoa học công nghệ đang ngày càng trở lên quan trọng trong mọi hoạt động sản xuất công nghiệp.
Với quy mô hàng ngàn tỉ đồng, các doanh nghiệp cao su của VRG đã tạo ra hàng ngàn việc làm, đạt lợi nhuận gửi về nước, là mô hình đúng đắn sau một thời gian vươn xa của loại cây công nghiệp này. Điều đáng nói, với định hướng sắp tới, các đơn vị này có thể phát triển vượt bậc hơn nữa nhờ mở rộng thị trường và tạo môi trường phát triển an sinh bền vững ở Vương quốc Campuchia.