Hào hùng 'Giai điệu Tổ quốc'

Hoàng Vân 28/08/2023 09:26

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Giai điệu Tổ quốc" hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9, chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023); nhằm quảng bá, giới thiệu những thành tựu đất nước, trong đó có thành tựu của ngành Văn hóa.

Tối 27/8, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt "Giai điệu Tổ quốc".

Chương trình "Giai điệu Tổ quốc" khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa. Ảnh: Trần Huấn.

Chương trình "Giai điệu Tổ quốc" gồm 3 chương: Chương I - Bình minh đất Việt; Chương II - Đất nước; Chương 3 - Sắc màu hội tụ và tỏa sáng. Xuyên suốt là những hình ảnh, giai điệu, vũ khúc ca ngợi thiên nhiên, quê hương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt ca ngợi truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn đời của dân tộc ta; từ đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc được các nghệ sĩ thể hiện góp phần nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng quang vinh, của Bác Hồ đối với dân tộc nói chung và với văn hóa nói riêng.

Chương trình được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu những thành tựu đất nước, trong đó có thành tựu của ngành Văn hóa, tôn vinh những hình tượng văn hóa, nghệ thuật, những tấm gương tiêu biểu của ngành thông qua ngôn ngữ nghệ thuật; đồng thời, phát huy vai trò của phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ nền văn hóa trong xu thế hội nhập với thế giới cho thế hệ trẻ.

Các tiết mục trong chương trình minh chứng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam qua mỗi thời kỳ. Ảnh: Trần Huấn.

Các tiết mục trong chương trình được lựa chọn ra đời ở từng dấu ấn lịch sử, minh chứng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam qua mỗi thời kỳ.

Nổi bật trong số các tiết mục có bài múa "Tre Việt", "Tầm vông", lấy ý tưởng từ hình tượng cây tre trong truyền thuyết Thánh Gióng, các vũ điệu múa được định hình những mầm măng non, rồi vươn mình lớn lên thành cây, thành khóm; trở thành vũ khí chiến đấu chống giặc ngoại xâm trong tay Thánh Gióng, trong tay người Việt. Giặc tan lại kết nên thành luỹ bảo vệ xóm làng, toả màu xanh yên bình trong đời sống làng quê Việt. Đạo cụ tre được biến chuyển với nhiều hình tượng nghệ thuật gắn liền với đời sống người dân Việt Nam, từ đánh giặc giữ nước đến những sinh hoạt đời thường…

Tiết mục nổi bật trong chương trình. Ảnh: Trần Huấn.

Với vai trò vừa là đạo diễn vừa là ca sĩ biểu diễn trong chương trình, NSƯT Trường Bắc nhấn mạnh, khi được tham gia chương trình "Giai điệu Tổ quốc", đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho ngày kỷ niệm của ngành, bất kỳ nghệ sĩ nào cũng cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Vì thế, trong chương trình này, các nghệ sĩ, khối sáng tạo đã tạo ra một kịch bản ca ngợi rõ nét về Ngành Văn hóa của chúng ta. Văn hóa ở đây không phải trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ mà văn hóa bắt đầu từ thời sơ khai, nền văn hóa lâu đời của người Việt, từ thời Văn Lang Âu Lạc cho tới ngày hôm nay.

“Trong chương trình này, tôi cùng các nghệ sĩ nhóm Phương Bắc đã thể hiện ca khúc "Giai điệu Tổ quốc", với tôi bài hát này rất linh thiêng. Bởi để viết nên hai chữ "Tổ quốc" vẹn tròn như ngày hôm nay, đất nước đã oằn mình trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao mồ hôi cống hiến và xương máu hi sinh. Tổ quốc cũng là sự cô đọng của trí tuệ, phẩm chất, truyền thống người Việt từ ngàn năm lịch sử. Chặng đường gian lao, hùng tráng và rất đỗi tự hào ấy đã kết thành giai điệu Tổ quốc. Qua đó, tôi nhận thức được rằng, bản thân cần phải nỗ lực học tập, phát triển để công hiến, quảng bá Ngành Văn hóa Việt Nam ra thế giới, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước chúng ta ngày càng vững mạnh hơn", NSƯT Trường Bắc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hào hùng 'Giai điệu Tổ quốc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO