Hão huyền 'thầy mạng' dạy làm giàu

Thế Anh 08/04/2023 14:00

Hẳn nhiều người còn nhớ, tháng 5/2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng Học làm giàu (hoclamgiau.vn) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sáng 29/3/2023, phiên tòa mở lại, tuy nhiên do vắng mặt nhiều bị hại và người liên quan đến vụ án nên Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

Hội đồng xét xử nhận định, để có tiền sử dụng cá nhân, bị cáo Hải bắt đầu huy động vốn từ năm 2008, hiện còn các hợp đồng chưa tất toán từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, với tổng số tiền huy động là 2.700 tỷ đồng. Bị cáo có hành vi đưa ra thông tin gian dối như IDT đang triển khai dự án có lãi cao, bị cáo có nhiều kinh nghiệm tài chính, huy động mọi người cùng góp vốn vào IDT, làm giàu từ “cây tỷ đô” (cây macca) để nhà đầu tư tin tưởng. Bên cạnh đó, để thu hút nhà đầu tư, bị cáo đã đưa ra mức lãi cao hơn rất nhiều lãi suất ngân hàng, lên tới 40 - 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền.

Bị cáo cũng khuyến khích mở rộng mạng lưới bằng cách chi 2 - 10% thưởng kết nối, môi giới cho những người kêu gọi thêm đầu tư.

Ở vụ án này có một chi tiết rất đáng chú ý: Bị cáo chính là chủ trang mạng Học làm giàu (hoclamgiau.vn). Trước khi bị bắt, bị cáo cùng các đồng sự lên mạng dạy người khác làm giàu.

Đáng tiếc đó cũng chỉ là một vụ điển hình, còn nhiều vụ khác chưa rõ ra sao khi nhan nhản trên mạng là những địa chỉ dạy làm giàu, với cam kết làm giàu không khó chỉ cần theo hết khóa học “là ok”. Những khóa học này không phải học viên giàu lên mà là giảng viên, họ giàu nhanh chóng bằng cách lấy tiền học phí mà mọi người đóng khi tham gia khóa học. Để hút được nhiều người học, họ tô hồng cơ hội kiếm tiền sáng bừng trước mắt.

Thực ra thì các “chuyên gia dạy làm giàu” chỉ là những người có khả năng ăn nói, có một chút kiến thức về kinh tế, biết cách thu hút sự chú ý để “lùa” được những người nhẹ dạ cả tin vào các lò luyện của họ, với những “bí kíp” cóp nhặt khắp mọi nơi. Tính sơ sơ, chỉ cần 1 - 2 ngày và cứ trung bình học phí khoảng 500.000 đồng/học viên thì chỉ cần từ 100 - 150 học viên là các “chuyên gia” đã thu về từ 50 - 75 triệu đồng/1 - 2 ngày. Một tháng 30 ngày, một năm 365 ngày, số tiền sẽ rất khủng.

Đáng chú ý, tại các khóa dạy làm giàu này, “chuyên gia” thường đưa ra các dự án bất động sản bán để hưởng hoa hồng, hay lập các quỹ đầu tư chứng khoán để gom tiền của học viên. Họ đưa ra các cam kết rất hấp dẫn về các kênh đầu tư, nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Một số người sau khi học biết bị lừa đã viết đơn tố cáo lên công an, nhưng khó xử lý.

Hiện có hai hình thức “học làm giàu” trên mạng. Một là đào tạo miễn phí, thực chất là thường dùng “chim mồi” để dụ người tham dự, từ đó lôi kéo nhiều người khác. Hai là các khóa dạy làm giàu có thu phí. Cả hai đều rất hão huyền vì làm giàu là điều vô cùng khó khăn, cần phải được học hành trường lớp tử tế, phải lăn lộn trong thương trường, trong cuộc sống, quan hệ rộng, biết giữ chữ tín và cũng cần cả sự may mắn.

Không có công thức nào để làm giàu. Càng không thể làm giàu theo cách “học tắt” từ những “ông thầy mạng”. Làm giàu dễ như vậy thì cả tỷ người đã ăn sung mặc sướng khi chỉ cần bỏ ra vài triệu, thậm chí vài chục, vài trăm triệu để lên mạng “theo thầy” học làm giàu.

Xung quanh việc này, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng muốn làm giàu nhưng cũng đừng hủy hoại chính mình bằng việc bỏ tiền của nuôi các diễn viên thao giảng để rồi nhận quả đắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hão huyền 'thầy mạng' dạy làm giàu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO