Về ca khúc “Hạt gạo làng ta”, nhạc sĩ Trần Viết Bính kể: "Bài hát này ra đời năm 1971 lúc đất nước ta đang có chiến tranh. Để làm ra được hạt gạo, lúc đó khó lắm, vất vả lắm, nguy hiểm lắm, vì ở ngoài đồng ruộng miền Bắc thời gian đó ngày nào cũng phải hứng chịu bom đạn của máy báy Mỹ.
“Hạt gạo làng ta,
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta...”
Những câu thơ của “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính chắp cánh để bài thơ, bài hát ấy suốt hơn nửa thế kỷ qua, đồng hành cùng với người yêu thơ, yêu nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính sinh ngày 7/12/1934, quê ở thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1954 tại Nam Định, đến năm 1981 chuyển vào Đồng Nai công tác, nguyên là cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Đồng Nai.
Ông sáng tác nhiều ca khúc, nhạc múa, nhạc nền cho kịch và ca cảnh, từng được trao tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam...
Về ca khúc “Hạt gạo làng ta”, nhạc sĩ Trần Viết Bính kể: "Bài hát này ra đời năm 1971 lúc đất nước ta đang có chiến tranh. Để làm ra được hạt gạo, lúc đó khó lắm, vất vả lắm, nguy hiểm lắm, vì ở ngoài đồng ruộng miền Bắc thời gian đó ngày nào cũng phải hứng chịu bom đạn của máy báy Mỹ.
Vất vả ngoài ruộng đồng và bom đạn Mỹ có thể dội xuống ruộng đồng bất cứ lúc nào, nhưng những bà mẹ, những cô, những chị thanh niên vẫn kiên gan bám trụ đồng ruộng để sản xuất, để làm hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Trần Đăng Khoa dù rất nhỏ tuổi nhưng đã có cái nhìn rất đúng về sự vất vả để làm ra hạt gạo khi đó".
Bởi vậy, lúc đọc được bài thơ của Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã bị cuốn hút ngay về cái nhìn tinh tế của nhà thơ tuổi thiếu nhi này.
Ngay sau khi đọc xong bài thơ, ông đạp xe về một xã công tác và trên quãng đường mấy chục cây số ấy âm nhạc của bài thơ đã ra đời. Sự ra đời của nó thật dễ dàng, thật giản dị, có lẽ sự suy nghĩ thường ngày về hạt gạo đã làm cho ông sáng tác dễ dàng thế.
Điều tuyệt vời là, không thêm bớt một từ nào, bài hát vẫn giữ nguyên vẹn được nội dung của bài thơ, chỉ là đem phần nhạc làm cho những câu thơ ấy lấp lánh hơn, thăng hoa hơn. Hơn thế nữa, cả thơ và bài hát đều rất dễ nhớ, dễ thuộc nên thơ và nhạc đã hòa quyện vào nhau.
Chính bởi vậy, ngay sau khi ra đời, bài hát đã được phổ biến trên các làn sóng phát thanh, được nhiều thế hệ khán giả nghe và nhớ ngay.
Khi nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc bài thơ, thần đồng Trần Đăng Khoa mới hơn 10 tuổi. Sau khi bài hát ra đời, ông có ý tìm “chú bé Khoa” làm thơ hay, nhưng lúc đó Khoa còn ở một làng xa xôi nào đó ở tỉnh Hải Dương.
Thời kì đó từ Nam Định đi Hải Dương xa gần trăm cây số, máy bay, bom đạn quần nát trên các cung đường, các cầu phà, phương tiện đi lại của ông lúc đó chỉ có một xe đạp gọi là xe đạp thiếu nhi con vịt (loại xe đạp nhỏ của Liên Xô).
Yêu mến và muốn gặp Trần Đăng Khoa lắm song chẳng làm thế nào đi tìm được. Sau này khi cậu bé ấy đã là một người lớn đi bộ đội, thì ông lại đi Văn công, cũng chẳng có dịp nào tìm gặp được nhau. Mãi đến năm 1989, 1990, lúc này ông đã chuyển vào Nam công tác, có dịp được đi tập huấn nghiệp vụ ở Liên Xô.
Lúc ở Matxcơva, Trần Viết Bính nghe anh em kể Trần Đăng Khoa đang học ở trường viết văn Goocky. Mừng quá, trong một buổi chiều đầy băng tuyết của nước Nga, ông hỏi thăm mãi mới tìm được đến trường Khoa đang học, nhưng cậu Khoa lại… đi vắng.
"Đấy, hai chúng tôi cứ luẩn quẩn đi tìm nhau” - nhạc sĩ Trần Viết Bính hóm hỉnh. Rồi ông kể: “Đúng 30 năm sau khi bài hát ra đời (1971 - 2000) tôi và Trần Đăng Khoa mới gặp nhau lần đầu ở Hà Nội. Lúc này Trần Đăng Khoa đã có vợ. Hai vợ chồng đón tôi về nhà ăn cơm rất vui”.
Tháng 7/2010, nhạc sĩ Trần Viết Bính được mời ra Hà Nội để cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa lên sân khấu nhận phần thưởng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao cho bài hát “Hạt gạo làng ta” - một trong những tác phẩm hay nhất viết về nông thôn, nông dân kể từ năm 1946 đến nay.
Đôi mắt người nhạc sĩ già lấp lánh niềm vui khi kể về một "đoạn kết có hậu" về cuộc tìm kiếm, tri ngộ của mình và nhà thơ Trần Đăng Khoa và không quên bày tỏ nỗi sung sướng khi bài hát vẫn được nhiều thế hệ thiếu nhi cũng như người lớn thuộc lòng và yêu thích, được công nhận là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ XX.