Hạt giống gieo trong mùa vui

NGUYỄN VĂN HỌC 01/10/2023 10:00

Yêu quê, yêu vườn và yêu người đã gieo những mùa vui trong ngôi vườn ấy, tôi thường trở về tìm lại tuổi thơ, tìm lại những mùa cây giống thân thương.

Chủ ngôi vườn là bố mẹ và suốt hơn bốn mươi năm qua, không lúc nào vườn thiếu cây giống. Nào hành, su hào, bắp cải, cà chua. Nào thì là, mồng tơi, cải cúc… Ngày còn ở quê làm vườn với bố mẹ, trong tôi đã được bồi đắp tình yêu với cây cối. Được dự phần vào việc tưới tắm, chăm sóc cho những cái mầm non biếc. Tôi cũng biết bắt sâu, đuổi bướm, nhổ cỏ và chứng kiến từng ngày cây giống lớn lên. Những năm tháng chưa có điện, bố mẹ vẫn thắp đèn dầu để tưới rau. Sau này đi xa, được ăn biết bao của ngon vật lạ, tôi càng hiểu tầm quan trọng của người gieo hạt biết nhường nào. Không có đôi bàn tay khéo léo, làm sao có những luống cây giống đẹp, để những người nông dân khác đến mua về, trồng thành những luống rau ăn, những cái cây trưởng thành. Từ đó mà thành mùa rau, góp vào những chuyến xe nông sản nối đuôi nhau ra phố.

Tôi ít tâm sự với bố hơn mẹ, nhưng tôi hiểu, mọi công việc nặng nhọc bố đều dành phần mình, nhưng công lao thì mùa màng chia đều cho cả hai. Lòng biết ơn và kính hiếu của tôi cũng chia đều cho cả hai. Cả làng tôi ngày xưa đều gieo cây giống. Nhiều nhất là các loại su hào, bắp cải, cũng bởi xưa không phải tỉnh, thành nào cũng có người có thể gieo giống. Sau này người ta học được cách gieo, nên nhiều cặp vợ chồng ở làng tôi chuyển đi nơi khác làm ăn. Làng chỉ còn trên dưới mười hộ gieo cây giống.

Bố mẹ tôi vẫn bám nghề, giữ nghề, như là cách để ăn đời ở kiếp với làng, để dõi theo những mùa nắng mưa ở nơi mình được sinh ra. Bây giờ, bố tôi là người gieo cây giống đẹp nhất làng. Những luống đất tơi xốp, để ải, được cào phẳng, đều tăm tắp. Hạt giống nhỏ để trong cái bát nhựa, bố đi bên luống đất, nhón một nhúm hạt, tung bên này, giũ bên kia. Khi gieo hạt, toàn bộ cánh tay đều phải ăn nhập để có thể cùng chuyển động, nhuần nhuyễn để sau này các mầm cây mọc lên được đều đặn, không mau không thưa. Nhiều người chỉ biết đến những cây bắp cải, su hào, những quả cà chua được bày bán ngoài chợ, mua về ăn, chứ chắc gì đã biết để có chúng, người nông dân phải trải qua nhiều công đoạn, phải gieo từ những hạt nhỏ li ti.

Nhưng quả thật, cuộc sống này có những thứ kỳ diệu đến không ngờ. Và các loại hạt giống rau là một điều kỳ diệu như thế. Những hạt giống bao giờ cũng là thứ được gửi gắm hy vọng, cho ta kỳ vọng vào tương lai. Giống tốt cho cây tốt. Cây tốt được chăm sóc đúng, và mưa thuận gió hòa, sẽ cho mùa thu hoạch tốt.

Mỗi lần về thăm nhà là mỗi lần thấy các luống rau cười. Lúc đó, kiểu gì cũng sẽ gặp những người nông dân cùng bố mẹ tôi rổn rảng nhổ cây giống, hoặc ngồi ờ đầu luống chờ. Quanh năm, chẳng bao giờ vườn không có cây giống. Các loài cỏ dại cũng đâu còn có thể nghiễm nhiên mà chiếm dụng tinh chất của các mầm cây. Bởi bàn tay bố mẹ hay làm hay làm, nhổ cỏ bắt sâu, dốc sức cho những cái cây bé xíu từ lúc gieo xuống, bật mầm và trổ xanh. Chẳng ít lần, tôi hỏi những cây non trong đất có gì mà các em mơn mởn? Cây non nói bằng sự tươi mới, đầy sức sống. Tôi hiểu, bố mẹ đã gieo tin yêu vào trong đất, như cách họ đã nuôi dạy nên bốn anh em chúng tôi. Để rồi mỗi đứa mỗi phương, làm ăn tấn tới, biết yêu quê, trân trọng sức lao động. Để chỉ trong ít ngày, những cái cây non bé xíu sẽ lại cùng người đi đón nắng, đón nụ cười.

Về với vườn tược, cũng là để thấy nụ cười của bố mẹ, đặc biệt nụ cười pha khí chất hồn hậu, khàn khàn của bố khi vừa “gả bán” lứa cây con. Khi những lứa cây con khỏe mạnh, đi đến nơi được trồng xuống sẽ mau chóng phương trưởng, trở nên tốt tươi, đơm hoa trái. Tôi không bao giờ hỏi bố sẽ gieo hạt đến khi nào, bởi chỉ biết bố yêu cây giống, yêu vườn và sẽ làm đến khi bố không còn nhìn thấy những hạt nắng. Còn bây giờ, bầy chim vẫn thường về đậu trên hàng cây quanh vườn, hát bài ca thôn quê mộc mạc, cổ vũ cho đôi tay “nghệ sĩ” của người gieo hạt, những người gieo hạt nhân đức để góp lòng nuôi cuộc đời nghĩa thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạt giống gieo trong mùa vui