Văn hóa

Hát Xoan trên vùng đất Tổ

Bắc Phong 07/04/2025 09:18

Với mong muốn biến di sản hát Xoan thành tài sản, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã đưa hát Xoan trở thành một nguồn lực, sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Tới nay hát Xoan trên quê hương các Vua Hùng ngày càng lan tỏa.

a1(1).jpg
Du khách quốc tế với hát Xoan. Nguồn: Vietsense.

Di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu

Ngày 8/12/2017, tại Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc) đã chính thức rút hát Xoan Phú Thọ khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (UNESCO ghi danh vào năm 2011) đồng thời ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát Xoan hội đủ các yêu cầu cần thiết để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là hình thức âm nhạc cổ, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu; chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại.

Hát Xoan (còn có tên gọi khác là hát Đúm, Khúc môn đình (hát Cửa đình) bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Phú Thọ với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: nhạc, hát, múa... Mùa xuân hàng năm, các phường Xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Theo truyền thống, vào ngày mùng 5 âm lịch thường hát ở hội Đền Hùng.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa cho rằng hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Trên chặng đường dài đó, loại hình nghệ thuật này luôn có vị trí đặc biệt đối với cộng đồng người dân không chỉ ở Phú Thọ mà còn ở nhiều địa phương khác, nhất là các làng quê hai bên bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).

Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Hát Xoan có tổ chức chặt chẽ. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) được gọi là ông Trùm. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích.

Cũng như các Di sản phi văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, hát Xoan đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Đây là vinh dự to lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề trong việc gìn giữ, phát huy di sản trong đời sống xã hội, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước trên thế giới.

hat xoan1
Biểu diễn hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: TTXVN.

Đưa hát Xoan trở thành một nguồn lực hòa vào dòng chảy thời đại

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải tạo ra một bức tranh tổng thể, đa dạng của âm nhạc hát Xoan, hay nói cách khác là tạo nên “một quỹ” bài đầy đủ của Xoan. Bên cạnh đó, việc ghi lại cuộc trò chuyện với các nghệ nhân tại những phường Xoan sẽ góp phần hé mở cánh cửa cho những người yêu thích có thể tiếp cận dễ dàng, hiểu thêm về hát Xoan. Vì rằng mẫu số chung là hát Xoan nhưng mỗi phường Xoan có cách thể hiện khác nhau, chứa đựng những nét riêng ở phần âm nhạc và lời ca. Khi Xoan được giới thiệu trên truyền thanh, truyền hình và mạng xã hội, trong đó có YouTube, sẽ lan tỏa những bài Xoan có giá trị về mặt thưởng thức cũng như giúp tham khảo, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tiến hành nhiều biện pháp để bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát Xoan, đưa hát Xoan thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Dấu mốc đáng nhớ là vào năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ phối hợp với UBND TP Việt Trì chính thức cho ra mắt sản phẩm “Hát Xoan làng cổ”, gắn với tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ.

Khi đó, hát Xoan được trình diễn tại miếu Lãi Lèn, đình Thét (xã Kim Đức), đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái, miếu Cấm (xã Phượng Lâu). Ngoài ra tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch Vườn Vua (huyện Thanh Thủy) cũng biểu diễn hát Xoan phục vụ du khách. Từ đó, các điểm “Hát Xoan làng cổ” đã đón rất nhiều khách du lịch, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch quốc tế đến từ các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ…

Tới năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã đưa hát Xoan vào chương trình tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”; kết nối Bảo tàng Hùng Vương - Đền Hùng - Đình cổ Hùng Lô - Miếu Lãi Lèn - cụm di tích Đền Tam Giang - chùa Đại Bi…, kết hợp giữa việc tham quan di tích, thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc tham gia các hoạt động trải nghiệm, thưởng thức hát Xoan tại đình cổ, giao lưu múa hát giữa phường Xoan và du khách.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan còn thể hiện ở việc khuyến khích trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho thế hệ trẻ để di sản mãi mãi được trường tồn.

Trước, hát Xoan được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu (TP Việt Trì), thì từ năm 2023 trở lại đây còn được thực hành, trình diễn ở 37 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp tỉnh, với gần 1.600 thành viên tham gia trong 64 câu lạc bộ cấp huyện và 42 câu lạc bộ cấp xã. 100% trường học trong tỉnh Phú Thọ đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc hoặc chương trình ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ hát Xoan cấp trường.

Như vậy, có thể thấy tỉnh Phú Thọ đã xây dựng một chiến lược dài hơi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hát Xoan. Các hoạt động được tiến hành bài bản từ xã tới huyện, tỉnh; đưa vào trường học; có chính sách chăm lo đội ngũ nghệ nhân; kết hợp với tham quan du lịch... chính vì thế hát Xoan ngày một lan tỏa, gần gũi với cộng đồng, nhất là với giới trẻ.

Hát Xoan xưa chỉ rộn vang trong sân đình, trong dịp lễ hội, nay đã vang vọng khắp miền Đất Tổ và ngày một lan tỏa rộng rãi. Nói như Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP Việt Trì) thì: “Trước đây chúng tôi cũng đã đón khách du lịch đến tìm hiểu, nhưng kể từ khi hát Xoan được vinh danh, du khách tìm đến ngày càng đông hơn. Trong một tuần, chúng tôi có thể phục vụ 2-3 đoàn khách quốc tế đến tham quan, nghe hát Xoan”. Bà Lịch cũng cho biết thêm, những nghệ nhân như bà ngày càng nhận thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, đặc biệt trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chính vì thế, cứ vào tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các thành viên của phường Xoan gốc An Thái lại có mặt tại đình làng để cùng nhau tập luyện.

Trình diễn hát Xoan làng cổ phục vụ du khách tại Giỗ Tổ Hùng Vương 2025

Từ ngày 3/4, tỉnh Phú Thọ tổ chức trình diễn hát Xoan làng cổ tại các điểm di tích văn hóa trên địa bàn TP Việt Trì nhằm phục vụ du khách về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025. Cụ thể, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Việt Trì phối hợp với các xã: Phượng Lâu, Kim Đức, Hùng Lô tổ chức trình diễn hát Xoan làng cổ tại các điểm di tích văn hóa như đình An Thái, miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Hùng Lô (TP Việt Trì). Du khách sẽ được nghe các nghệ nhân của những phường xoan gốc: Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái giới thiệu những thông tin cơ bản về hát Xoan và thưởng thức các làn điệu Xoan cổ mượt mà như: Nhập tịch mời Vua, Đón đào, Bỏ bộ, Trống quân, Mó cá... Du khách cũng được cùng tham gia trải nghiệm hát Xoan cùng các nghệ nhân trong chặng hát hội. Chương trình “Hát Xoan làng cổ” góp phần giới thiệu, quảng bá sâu rộng hát Xoan tới đông đảo du khách trong và ngoài nước; đồng thời khích lệ nghệ nhân các phường Xoan gìn giữ, bảo tồn, truyền dạy, tiếp tục phát huy những giá trị cao quý của hát Xoan trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hát Xoan trên vùng đất Tổ