Mối quan tâm liên quan đến Covid-19 hiện nay đã chuyển từ có bao nhiêu người mắc bệnh sang những di chứng xuất hiện sau khi khỏi bệnh. Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để nắm bắt các triệu chứng này. Theo đó, 3 triệu chứng nổi bật nhất được nêu tên: mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.
Di chứng phổ biến
Năm thứ ba đại dịch, khi số ca Covid-19 nghiêm trọng và tử vong giảm, thế giới đối mặt với một thách thức y tế khác, đó là di chứng hậu Covid - 19. Người dân gặp nhiều biến chứng ngay cả khi đã khỏi bệnh. Tình trạng này xuất hiện vài tháng trở lại đây. Số người bị di chứng ngày càng tăng. Các nhà khoa học cho rằng Covid-19 không tấn công vào một cơ quan cụ thể nào, nó để lại tổn thương sinh học nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau đó.
Theo tiến sĩ Janet Diaz - Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), triệu chứng hậu Covid-19 thường kéo dài hai tháng. Nếu tình trạng này biến mất sau một tuần hoặc một tháng, người bệnh không được coi là mắc Covid-19 kéo dài. 3 di chứng phổ biến sau Covid-19 là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức. Ngoài ra, người từng là F0 báo cáo tới 200 vấn đề khác, đã được mô tả trong tài liệu chuyên sâu.
Sau khi mắc Covid-19, nhiều người mệt mỏi triền miên. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể khi chiến đấu chống lại một loại virus. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tuần. Theo các chuyên gia, mệt mỏi là triệu chứng khá phổ biến, xuất hiện ở hầu như tất cả bệnh nhân Covid-19 đã khỏi.
Nhiều người khác bị khó thở, thở nông. "Bạn hãy tự theo dõi xem bản thân có gặp vấn đề này không. Ví dụ, bạn từng chạy bộ 1,6 km liên tục, nhưng giờ đây không thể chạy lâu như vậy nữa vì bị hụt hơi", tiến sĩ Diaz nói. Bà Diaz cho rằng, mỗi người cần so sánh thể trạng của mình trước và sau khi mắc Covid-19. Khó thở, thở hổn hển là hiện tượng thường thấy ở người đã mắc bệnh.
Covid-19 cũng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của não bộ. Một thuật ngữ thường được sử dụng đó là “sương mù não”. Tiến sĩ Diaz nói: “Điều đó có nghĩa là mọi người đang gặp khó khăn với những gì họ chú ý, khó tập trung, khó nhớ, khó ngủ, khó điều khiển”. Theo The Time of India, Covid-19 làm suy giảm chức năng nhận thức ở nhiều người.
Ngoài 3 biểu hiện phổ biến trên, các chuyên gia cũng nhắc đến tác động nghiêm trọng của Covid-19 lên sức khỏe tim mạch. Các triệu chứng về tim mạch cũng biểu hiện theo cách khác nhau, có thể là khó thở, tim đập nhanh. Nhịp tim của bạn tăng lên là biểu hiện chứng rối loạn nhịp tim.
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ theo dõi bệnh nhân Covid-19 một năm sau khi xét nghiệm âm tính. Họ chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch của các tình nguyện viên tăng lên, các biến chứng bao gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đau tim...
Theo tiến sĩ Diaz, nếu các di chứng kéo dài sau 3 tháng mắc Covid-19, người dân nên kiểm tra sức khỏe tại các bệnh viện.
Biện pháp khắc phục
Đối với tình trạng hậu Covid-19, mỗi bệnh nhân phù hợp với một phương pháp điều trị riêng, tập trung vào các triệu chứng họ gặp phải. "Hiện chưa có bất cứ loại thuốc nào điều trị di chứng hậu Covid-19, song có các biện pháp can thiệp như phục hồi chức năng.
Ngoài ra, bà Diaz còn đưa ra lời khuyên, những người từng mắc Covid-19 nên hạn chế vận động, tránh làm việc quá sức nếu còn mệt mỏi hoặc gặp tình trạng “sương mù não”, bên cạnh đó, nên tham khảo ý kiến kịp thời từ bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp.
Rất khó để dự đoán di chứng hậu Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu đối với các bệnh nhân. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng kéo dài hàng tuần đến hàng tháng sau khi dương tính với virus SARS-CoV-2 và tình trạng bệnh có thể cải thiện theo thời gian.
WHO khuyến cáo, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi di chứng hậu Covid-19 là tránh để bản thân mắc Covid-19. Điều này bao gồm việc tiêm vaccine và tuân thủ các quy tắc phòng dịch.
Trong một bài viết trên tờ New Zealand Herald có đăng tải tổng hợp ý kiến của các chuyên gia tại Anh nhằm giúp cải thiện các triệu chứng hậu Covid-19.
Theo bài viết, một nghiên cứu của Đại học Birmingham đầu năm nay cảnh báo các triệu chứng bệnh khiến người bệnh tìm đến những phương pháp điều trị đắt tiền không có căn cứ khoa học trên mạng Internet, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, giới chuyên môn nêu rõ, có những phương pháp đơn giản, ít tốn kém và an toàn mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện.
Theo đó, để cải thiện tình trạng “sương mù não”, Tiến sĩ David Strain, giảng viên lâm sàng cao cấp tại Đại học Exeter cho rằng có thể huấn luyện não bộ bằng cách thực hiện các hoạt động kích thích nhận thức, như chơi đố chữ, học ngôn ngữ mới…
Ngoài ra, cần tăng tương tác xã hội thường xuyên và hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng thần kinh.
Tiến sĩ Jeremy Rossman, giảng viên cao cấp về virus học tại Đại học Kent cho rằng, người bệnh sau khi phục hồi cần nghỉ ngơi đầy đủ trong 6 tuần, uống đủ nước, đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin C và tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ quãng ngắn.
Để cải thiện triệu chứng khó thở, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) hướng dẫn bài tập thở sâu từ 3-5 lần mỗi ngày, theo đó thả lỏng ngực và vai, hít một hơi dài, chậm và sâu vào bên trong, qua mũi, sau đó thở ra nhẹ nhàng.
Trong khi đó, Fifth Sense - công cụ hỗ trợ người mắc chứng rối loại khứu giác – đã cùng các chuyên gia tại Đại học East Anglia lập một hướng dẫn trực tuyến về "kỹ thuật luyện khứu giác," theo đó hít ngửi một số mùi đặc biệt như cam, cà phê hoặc tỏi, ít nhất hai lần một ngày trong vài tháng để tăng khả năng nhận biết của não bộ.
Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng (WHO) cho biết, hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu dành cho các bệnh nhân mắc Covid-19 kéo dài. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu là phục hồi chức năng để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Theo Tiến sĩ Diaz, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi gặp tình trạng này.