Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều chị em phụ nữ Thành phố Vị Thanh, Hậu Giang đã tiết kiệm, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, để đảm bảo cuộc sống an nhàn khi hết tuổi lao động.
Bên hiên nhà, chị Huỳnh Thị Giúp, ở ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đang trò chuyện cùng một vài chị em ở xóm. Mọi người nói về chuyện nuôi dạy con cái, các mô hình làm ăn để phát triển kinh tế, các phong trào ở địa phương, trong đó có việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Không ngần ngại, chị Giúp chia sẻ: Chính sách BHXH tự nguyện giờ đã được sửa đổi với nhiều điểm mới, ưu việt hơn,người tham gia khi đủ năm đóng BHXH sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Hiện tại, tôi tham gia được hơn 1 năm rồi.
Trước đây, gia đình chị Giúp là hộ nghèo ở địa phương. Để cải thiện kinh tế, vợ chồng chị tích cực lao động sản xuất, tìm cách làm ăn. Ngoài mướn 10 công đất ruộng, chồng chị đi làm hồ, mỗi ngày được trên 300.000 đồng. Còn chị vừa tham gia công tác ở ấp, vừa đi cấy lúa thuê. Dù vậy, khi được mọi người tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, chị quyết định tham gia.
Theo chị Giúp, giờ còn sức khỏe còn đi làm được, nếu như một ngày nào đó sức khỏe yếu đi, không còn đủ khả năng lao động để nuôi sống bản thân và gia đình thì biết bám víu vào đâu? Hiểu được điều này, chị đã tham gia BHXH tự nguyện để ổn định cuộc sống sau này. Mỗi ngày chị tiết kiệm 10.000 đồng để cuối tháng đóng BHXH tự nguyện.
“Cuộc sống khó khăn nhưng tôi cũng dành dụm, tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện. Khi đóng đủ năm quy định và đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, rồi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), ốm đau đi bệnh viện không còn lo chi phí tạo gánh nặng quá lớn, con cháu cũng đỡ phần vất vả”, chị Giúp giãi bày.
Sau nhiều nỗ lực trong lao động sản xuất và tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị Giúp đã thoát nghèo. Cuộc sống ổn định, đây là điều kiện thuận lợi để chị tham gia BHXH tự nguyện lâu dài.
Còn bà Nguyễn Kim Trong, ở ấp 3A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, hiểu được những lợi ích mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại nên đã tham gia mấy năm nay. Bà Trong chia sẻ: “Gia đình tôi trồng vườn, khi tôi tham gia BHXH tự nguyện cây ăn trái chưa cho thu hoạch, kinh tế cũng chật vật lắm. Để có tiền đóng BHXH tự nguyện, tôi đi hái rau má bán, mỗi ngày như vậy cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Tôi dành dụm lại, cuối tháng thì đóng bảo hiểm, mong muốn khi về già có được khoản lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe”.
Trước đây, khi chưa có chính sách BHXH tự nguyện, nhiều lao động tự do mong muốn được hưởng lương hưu mà không thể thực hiện được. Nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước vì mục tiêu chăm lo an sinh xã hội cho người dân, chính sách BHXH tự nguyện đã mở ra cơ hội cho tất cả mọi người. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện. Đến khi đóng đủ thời gian theo quy định và hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng để đảm bảo cuộc sống.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân như: đóng định kỳ hàng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Với nhiều chị em phụ nữ, dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng mọi người hiểu được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, vì vậy cùng với nỗ lực lao động, cải thiện đời sống kinh tế, nhiều người đã tiết kiệm, gói ghém chi tiêu, chủ động gia nhập “lưới an sinh” để sau này cuộc sống được an nhàn, đỡ vất vả hơn. Bên cạnh sự chủ động của các chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Hậu Giang còn thành lập các mô hình tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, nuôi heo đất,… tạo điều kiện để hội viên, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, để tuổi già được thảnh thơi…