Xã hội

Hậu Giang: Đẩy mạnh truyền thông Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Phúc Khánh 30/09/2023 15:20

Trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tốt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

1.png
Mô hình đan lục bình giúp hộ dân tộc thiểu số ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Theo Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) tại tỉnh được cấp là gần 28,5 tỷ đồng.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuyên truyền các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức được 1.152 buổi tuyên truyền, thu hút gần 35 ngàn lượt cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham dự. Triển khai phủ sóng 5G thí điểm tại TP. Vị Thanh, xây dựng trạm phát sóng thông tin di động (BTS) tại Khu công nghiệp Sông Hậu; 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, có báo đọc trong ngày; sóng di động được phủ đến tất cả các ấp, khu vực.

Bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước; các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo bà Hồ Thu Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đồng bộ các chương trình khác sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, từ các nguồn lực đầu tư của các chương trình, chính sách tiếp thêm ý chí, quyết tâm để người dân tự nguyện vươn lên thoát nghèo. Nếu như đầu năm 2022, Hậu Giang còn 1.306 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 16,02% so với số hộ dân tộc thiểu số), thì đến đầu năm 2023 còn 1.075 hộ nghèo DTTS (chiếm 13,13%). Đến nay Hậu Giang có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,55%); 07 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 18,92%); có 105 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 57 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Hậu Giang đặt mục tiêu cuối năm 2023 phấn đấu giảm hộ nghèo bình quân từ 1%/năm, giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm. Để thực hiện được mục tiêu trên, Hậu Giang sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững; tăng cường tuyên truyền các điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân đồng bào DTTS ở Hậu Giang cũng rất được quan tâm. Cụ thể là việc triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã có 6 chùa Khmer trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy và Châu Thành A được nhận nhạc cụ và trang phục cho loại hình nghệ thuật Aday. Một bộ nhạc gồm 6 nhạc cụ (trống Aday, đờn cò, gáo, bá nguyệt, sáo trúc và chum); 10 bộ trang phục dành cho ca sĩ nam, nữ và nhạc công với giá trị trên 200 triệu đồng (vốn của Dự án 6 năm 2022).

Việc truyền thông thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là nhằm trang bị cho người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại; xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng chương trình.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia thực hiện chương trình, tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang: Đẩy mạnh truyền thông Chương trình mục tiêu quốc gia 1719