Ngày 25/8, thị trấn ven biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn vắng vẻ sau sự kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng UBND tỉnh Quảng Trị và Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung mới đây.
Tàu cá dưới 90 CV ngừng hoạt động khiến đời sống của rất nhiều ngư dân Cửa Việt gặp khó.
Cá biển, ăn nhưng vẫn lo
Có chút gì đó buồn bã ở thị trấn từng tấp nập du khách đến tắm biển, ăn hải sản - với hàng trăm quán xá không bóng người cùng những khách sạn, nhà nghỉ mỏi mòn đợi khách. Việc lãnh đạo dự hội nghị xuống tắm biển Cửa Việt không giúp cải thiện thực trạng ế ẩm trong hoạt động dịch vụ, du lịch và cũng chưa thể khiến người làm nghề chài lưới ở thị trấn nhỏ bé nhưng nổi tiếng này yên tâm…
Km 0 của tuyến đường xuyên Á bắt đầu từ vị trí bãi tắm Cửa Việt. Đứng tại đây có thể bao quát khu vực ven biển với hàng trăm nhà hàng hải sản nằm sát nhau trên chiều dài vài cây số trục đường ven biển Cửa Việt – Cửa Tùng. Một vài chủ quán ngạc nhiên khi thấy chúng tôi xuất hiện vì hình như từ rất lâu rồi, không có khách lạ đến đây hưởng gió biển và ăn hải sản. “Cá không dám ăn, biển không dám tắm, ai còn đến đây mần chi” – một chủ quán vừa than thở như thế với chúng tôi, vừa bưng ra con cá mú hấp ra mời. Cá ni là nhà em mời các bác. Khách không có, anh em ta lai rai cho đỡ buồn – chủ quán nói.
Nhìn con cá bày trên đĩa, anh bạn là người địa phương thoáng chút lưỡng lự, định tìm cách chối từ. Quảng Trị đang có 110 tấn cá tồn trong các kho đông lạnh nhưng chất lượng còn bỏ ngỏ. Chưa kể cá trong các kho lạnh của quán ăn, nhà hàng, khách sạn ven biển (trong đó có nhiều loại cá đắt tiền sống ở tầng đáy) chưa được kiểm tra.
Ngày 24/8, tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành chức năng địa phương này đang tìm địa điểm tiêu hủy (bằng cách chôn lấp) 60 tấn hải sản đông lạnh do doanh nghiệp, cá nhân ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong thu mua sau sự cố môi trường biển làm cá chết hàng loạt vào tháng 4/2016. Trong số này có 20 tấn hải sản nhiễm phenol được doanh nghiệp, cá nhân mua trữ ngay sau khi phát hiện cá biển chết trôi dạt vào bờ biển 4 tỉnh miền Trung.
Đối diện km 0 tuyến đường xuyên Á là cổng chính bãi tắm Cửa Việt. Cũng như dãy hàng quán dọc trục đường Cửa Việt – Cửa Tùng, bãi tắm không một bóng người.
Tại cổng chính bãi tắm, có vài ngư dân ngồi dưới bóng cây, nhìn hút ra biển xa. Những ngư dân nói rằng, họ là chủ những con tàu đánh bắt dưới 90 CV, không đi đánh bắt được, ngày ngày ra đây ngồi cho đỡ nhớ biển.
Trước mắt ngư dân là bãi tắm – nơi lãnh đạo dự hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung xuống tắm trong mưa vào buổi trưa ngày 22/8. Tuy nhiên, cả chiều dài bãi tắm nổi tiếng này trong ngày 25-8 cũng chỉ có nắng, gió và những chiếc thuyền đánh bắt dưới 90 CV nằm bất động.
Ngư dân đứng ngồi không yên
Khu phố 5 thị trấn Cửa Việt là địa bàn dân cư có số lượng tàu đánh bắt nhiều nhất của thị trấn Cửa Việt với tổng cộng 43 chiếc (trong đó có 11 chiếc dưới 90 CV, đánh bắt ven bờ).
Theo lời ông Bùi Thế Duy, Trưởng khu phố 5, người dân khu phố này đang căng mắt đợi cơ quan có trách nhiệm của trung ương công bố cá biển “đã sạch” để đi đánh bắt trở lại. Dự kiến đến cuối tháng 8, câu hỏi “cá biển ăn được chưa?” sẽ được trả lời. Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm công bố nhưng với ngư dân, một ngày chờ đợi là một ngày đứng ngồi không yên.
Trong số những ngư dân ngày ngày ngồi ngóng ra biển, có lão ngư Hồ Văn Bon. Gia đình ông có tổng cộng 4 tàu đánh bắt gần bờ - dưới 85 CV. Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển đến nay ông và 3 người con (là chủ các tàu cá dưới 85 CV) không đi đánh bắt được, sống nhờ vào gạo và tiền trợ cấp. 10 chủ tàu dưới 85 CV khác ở khu phố 5 cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn và đang bồn chồn chờ công bố từ cơ quan thẩm quyền là cá đánh bắt xa bờ và gần bờ đã thực sự an toàn!
4 tháng sau khi xảy ra sự cố cá biển chết hàng loạt, khó khăn về sinh kế đã buộc rất nhiều lao động chính trong lĩnh vực ngư nghiệp ở thị trấn Cửa Việt phải lựa chọn các con đường khác nhau để mưu sinh. Một trong những lựa chọn ấy là đăng ký đi lao động nước ngoài.
Theo lời ông Bùi Thế Duy, Trưởng khu phố 5, gần 90 % thanh niên (là lao động chính trong lĩnh vực ngư nghiệp) ở khu phố này và ở thị trấn Cửa Việt đã đăng ký học tiếng để đi lao động nước ngoài. Nếu cá biển tiếp tục không an toàn thì chỉ trong vài tháng tới thị trấn Cửa Việt sẽ chỉ còn lại lao động già. Các hoạt động khác về dịch vụ, du lịch sẽ bị triệt tiêu – ông Duy nói.
Hậu sự cố môi trường biển đang là gánh nặng với tất cả các địa phương ven biển. Trao đổi với chúng tôi vào ngày 24/8, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị nhìn nhận “biển quá nhỏ bé, mong manh trước sự cố môi trường”.
Kỳ vọng lớn nhất của cấp – ngành quản lý và hàng vạn ngư dân tại hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) vào ngày 22/8 vừa qua mới chỉ dừng ở mức “biển đã cơ bản sạch”, đã có thể tắm cũng như xúc tiến hoạt động du lịch. Câu trả lời cần kíp nhất là “cá biển ăn được chưa?” đang còn bỏ ngỏ. Sinh kế của hàng vạn lao động ngư nghiệp Quảng Trị còn bị “treo” cho đến khi có công bố chính thức về cá biển an toàn.
Tìm hướng chuyển nghề cho ngư dân Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến 5 xã vùng biển bãi ngang và ven biển của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thực hiện chủ trương chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giao đất cho người dân sử dụng. Đến nay, toàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được 65 trang trại và gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mới, nâng tổng số lên 127 trang trại, gia trại. Ông Hoàng Quang Dưỡng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết: Huyện chỉ đạo cho phòng Nông nghiệp tập trung hướng dẫn cho bà con xây dựng các mô hình trang trại, gia trại kiên cố, chăn nuôi theo hướng công nghiệp trên tinh thần Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ lãi suất cho bà con. Hướng dẫn cho bà con làm các đề án theo mẫu, để cùng ngân hàng tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp bà con thực hiện có hiệu quả sản xuất chăn nuôi, phát triển gia trại, trang trại... Bình Nguyên |