Hãy biết yêu lịch sử nước mình

Thu Hương (ghi) 30/03/2016 23:43

Trong cuộc Đối thoại thanh niên diễn ra mới đây tại Hà Nội, TSKH Ngữ văn Đoàn Hương đã trao đổi với thanh niên Việt Nam về lý tưởng của thế hệ trẻ hôm nay. 

Sinh viên đi tình nguyện tại trường Tiểu học xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh minh họa.

Không biết quá khứ, không có tương lai

TSKH Đoàn Hương có nhiều chuyến đi thực tế ở khắp các vùng miền trên cả nước. Trong đó có những vùng như Hà Giang với Cao nguyên đá Đồng Văn rất nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam và thế giới. Nhưng trong cuộc gặp, một Bí thư Đoàn miền núi từng ngượng nghịu giới thiệu rằng, hình thức kinh tế của dân tộc tôi là hình thức nguyên thuỷ.

Đồng bào người Mông nhiều nơi đến giờ vẫn phải đi cõng nước với đoạn đường hàng chục cây số mà không dám uống lấy một ngụm vì còn phải mang về cho gia đình. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như thế, có những cô bé, cậu bé học rất giỏi. TSKH Đoàn Hương đã gặp một cậu bé người Mông được tuyển thẳng vào Học viện An ninh vì đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

Trong khi đó, tại một cuộc thi về lịch sử khác, TSKH Đoàn Hương ngồi ở hàng ghế giám khảo đã hỏi một học trò là người huyện Mê Linh (Hà Nội) rằng ở huyện em có nhân vật nào vĩ đại không. Câu trả lời là “em không biết”.

“Người Mê Linh mà không biết đến Hai Bà Trưng. Đó là một nỗi nhục quốc thể. Trước khi vào facebook, vào mạng, thanh niên hãy dành thời gian để học về lịch sử nước mình. Học để biết yêu lịch sử nước mình. Có một câu nói, nếu không biết quá khứ thì không bao giờ sống tốt trong hiện tại và có tương lai. Đừng quên điều ấy.

Như chàng thanh niên người Mông dù phải học tiếng Kinh như một ngoại ngữ thứ hai nhưng đã đoạt giải về môn lịch sử, tôi cảm thấy xấu hổ thay cho người học trò không biết về quê hương mình.

Vì thế, hãy làm những điều cụ thể để hiểu Tổ quốc ở đâu. Vì Tổ quốc không phải chỉ là mặc áo cờ đỏ sao vàng và hát đâu” – TSKH Đoàn Hương nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay.

Bà cũng đề nghị các nhà trường, đoàn thanh niên nên tổ chức nhiều hơn nữa những chuyến đi cho học sinh về khắp các vùng miền của tổ quốc, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa để thế hệ trẻ hôm nay có thêm những trải nghiệm về cuộc sống, về con người – những điều mà không cuốn sách giáo khoa nào diễn tả hết được, không bài giảng nào nói hết được.

Khó, khô, khổ vẫn phải học

Nói về môn giáo dục công dân hiện nay trong các trường phổ thông, TSKH Đoàn Hương cho rằng với tư cách là một giáo viên, bà công nhận môn học này đang không hấp dẫn được người học bởi vì quá cứng nhắc. “Sách đó quá nặng với học sinh cấp 3.

Ở tuổi 16, 17 mà bắt các em học về chủ nghĩa duy vật lịch sử và duy vật biện chứng trong khi sinh viên học những điều này còn phải khóc! Các em không hiểu được, dẫn đến không thích giờ học công dân thì kiến thức về văn hoá chính trị muốn truyền bá cho các em cũng khó” – TSKH Đoàn Hương tâm tư.

Vì vậy, bà mong mỏi các nhà trường và đặc biệt Bộ GD&ĐT trong lần viết sách giáo khoa mới này cần cân nhắc làm sao để môn giáo dục công dân thật hấp dẫn. Làm sao để học sinh mê môn văn hoá chính trị vì nếu muốn thành công trong cuộc đời này không thể thiếu văn hoá chính trị.

“Các em phải đọc, không có cách nào khác. Muốn biết được văn hoá chính trị thì phải học từ cơ sở, đầu tiên là triết học, sau đó là lịch sử đảng và các tài liệu khác. Tôi biết, hiện nay ngay cả các sinh viên xã hội khi học môn triết học cũng bỏ giờ rất nhiều, vì sao? Vì nó khó, khô, khổ. Nhưng các bạn phải hiểu, trong cuộc đời có những cái không dễ dàng, vui vẻ nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì. Như triết học khó, khô, khổ là thế nhưng đó là nền tảng, là cha đẻ của mọi khoa học cơ bản, phải học mới thành người được.

Thứ hai là thực hành. Hãy tham gia các phong trào tình nguyện, làm từ thiện… vì chỉ có hành động cụ thể, lý luận đi đôi với thực tiễn thì cây đời mới mãi xanh tươi.

Thứ ba là ngoại ngữ. Nếu không có ngoại ngữ, các em sẽ trở thành “người câm, điếc” trên thế giới.

Thứ tư là vấn đề thể lực. Tôi thấy thanh niên Việt Nam hôm nay không phải là khoẻ so với thanh niên thế giới. Không khoẻ thì không làm được việc gì.

“Muốn làm được những điều đó, các em phải rèn cho mình tính kỷ luật, ép mình vào kỷ luật thì những mục đích bản thân đặt ra mới có thể thực hiện được. Hãy bắt đầu từ hành động nhỏ nhất” – TS Đoàn Hương nhắn nhủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãy biết yêu lịch sử nước mình