Để thu hút được những đại biểu có trí tuệ, thực sự đại diện cho dân, những người có tâm, có tầm, có tư duy độc lập, có tình yêu đối với Tổ quốc và có trách nhiệm với cử tri vào Nghị trường Quốc hội, theo Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người tự ứng cử được thể hiện tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho đất nước.
Thiếu tướng Lê Mã Lương.
PV: Thưa ông, kỳ bầu cử sắp diễn ra, và năm nay có nhiều đại biểu tự ứng cử, điều này thể hiện một xu thế dân chủ mở rộng hơn. Việc mở rộng dân chủ cũng đi kèm nguy cơ lợi dụng dân chủ để thực hiện mục đích cá nhân. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Kỳ này, số lượng người tự ứng cử rất cao. Đối với những người tự ứng cử cũng rất phong phú, đa dạng. Với hàng trăm người tự ứng cử thì họ có hàng trăm góc độ, khuôn mặt khác nhau cũng như việc có người lần đầu tiên tự tham gia ứng cử nhiều người có thể nói rằng họ không chắc chắn trúng cử nhưng thực tế không biết trước thế nào. Đây là chuyện bình thường và điều này thể hiện sự dân chủ đã có bước phát triển, rất đáng mừng. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu dân chủ một cách nhân văn, có văn hóa chứ không thể hiểu dân chủ một cách thô thiển vì việc này liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người.
Theo ông, chúng ta nên làm thế nào để có được sự công bằng giữa những đại biểu tự ứng cử và những đại biểu được giới thiệu?
- Theo quan điểm của tôi để thu hút được những đại biểu thực sự đại diện cho dân, những người có tâm, có tầm, có năng lực, có tình yêu đối với tổ quốc, có trách nhiệm trước cử tri vào trong Nghị trường Quốc hội thì phải tạo điều kiện để cho những người tự ứng cử thể hiện tài năng.
ĐBQH phải thể hiện được tư duy độc lập của mình trước những vấn đề, kể cả những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, thể hiện được cái tôi đầy bản lĩnh. Đây là những tiêu chí mà cử tri cả nước rất hy vọng ở các đại biểu khóa tới. Tuy nhiên, để có những đại biểu đủ bản lĩnh như thế phải có thời gian mà chúng ta phải thực hiện từng bước một chặt chẽ như Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã thể hiện một bước rất tốt cho việc này.
Là người theo dõi rất sát hoạt động của Quốc hội trong nhiều năm, ông đánh giá thế nào về hoạt động của kỳ Quốc hội vừa qua, đặc biệt với những điểm nhấn mà cử tri quan tâm như lấy phiếu tín nhiệm hay là lên án những đại biểu chỉ đến ngồi cho đẹp vị trí?
- Theo tôi, hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua có 2 hoạt động rất căn bản đó là hoạt động truyền thông, đặc biệt truyền thông của Quốc hội đã đến được cử tri và những ý kiến của cử tri cũng được phản ánh vào trong Nghị trường Quốc hội rất tốt. Thứ hai, chất lượng các kỳ chất vấn trực tiếp của các ĐBQH đã được nâng lên rất nhiều. Người chất vấn và người bị chất vấn trả lời tương đối thỏa đáng, tuy nhiên so với yêu cầu còn có một khoảng cách. Đây là những mặt được, thể hiện sự dân chủ trong Quốc hội. Hy vọng rằng Quốc hội khóa tới sẽ tiếp tục phát huy những mặt mạnh của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!