Thời gian gần đây, các cơ sở y tế tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến do thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở những spa “chui”, bất chấp những cảnh báo được phát đi bởi các chuyên gia trong nhiều năm qua.
Liên tiếp các ca biến chứng nhập viện
Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nữ (35 tuổi), bị hoại tử vùng bụng, có nhiều ổ dịch trong bụng. Trước đó đầu tháng 7, bệnh nhân đi làm phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng tại một cơ sở y tế. Sau phẫu thuật được ít ngày, bệnh nhân thấy đau xung quanh vết mổ, một số vùng da bị thâm đen. Quá trình thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội nhận thấy toàn bộ da vùng bụng và rốn của bệnh nhân bị hoại tử đen, chảy nhiều dịch mủ. Chẩn đoán biến chứng và nhiễm trùng sau hút mỡ tạo hình thành bụng.
BS Hoàng Văn Hồng - Phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho hay, thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ liên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng do thực hiện tiểu phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở làm đẹp, spa. Có những ngày, bệnh viện tiếp nhận tới vài ca cắt mí hỏng, hoặc các ca tai biến sau tiêm filler (chất làm đầy), hoại tử da sau khi hút mỡ bụng... Điểm chung của các trường hợp này là đều thực hiện tại các spa, người thực hiện không phải các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thậm chí không học ngành y.
Một ca tai biến khác là trường hợp chị N.N.V. (42 tuổi, ở Thái Nguyên). Sau hơn 2 tháng thực hiện phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân, chị V. đến Bệnh viện đa khoa Medlatec khám trong tình trạng đau, sưng nề, mưng mủ trầm trọng hai bên ngực.
Kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân cho thấy hình ảnh các ổ dịch viêm, áp xe rải rác tuyến vú. Bệnh nhân được chọc dịch ổ áp xe lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết quả dương tính với vi khuẩn Mycobacterium fortuitum (NTM). Bác sĩ xác định, chị V. nhiễm trùng da mô mềm do vi khuẩn NTM.
Những ca bệnh nói trên chỉ là 2 trong số rất nhiều ca bệnh gặp biến chứng do thực hiện làm đẹp tại các cơ sở không phép. Theo thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000 đến 35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỷ lệ 14%.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ
Theo BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) phẫu thuật thẩm mỹ có một tỷ lệ tai biến nhất định. Đối với những đơn vị chuyên nghiệp cùng các chuyên gia nhiều kinh nghiệm thì tỷ lệ này được hạn chế tới mức gần như không còn. Đáng lo ngại hơn là hiện nay, rất nhiều người dân bởi tâm lý nhanh, rẻ và những lời quảng cáo có cánh mà tìm tới các cơ sở thẩm mỹ không được phép để thực hiện thủ thuật. Do vậy chúng ta thấy rất nhiều ca bệnh tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ trong những năm qua.
Thực tế cho thấy, các bệnh nhân phải nhập viện vì tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ thường thuộc 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những trường hợp sử dụng dịch vụ bởi các bác sĩ “tay ngang”, hoặc bác sĩ còn ít kinh nghiệm, không tầm soát những biến chứng. Nhóm thứ hai là các trường hợp thực hiện thẩm mỹ tại spa, không phải là phòng khám, nhân viên không phải là bác sĩ. Nhóm này thường để lại di chứng khó có thể khắc phục.
BSCKII Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch (Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E) cho hay, một trong những quy trình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ là gây mê. Tại các bệnh viện, các cơ sở thẩm mỹ lớn, thủ thuật gây mê này sẽ do một ê kíp thực hiện trước khi phẫu thuật và trước khi thực hiện thủ thuật sẽ có một công đoạn mang yếu tố quyết định đó là thực hiện thăm khám tiền mê. Nếu bỏ qua bước khám tiền mê này, trong quá trình phẫu thuật có thể xảy ra những nguy cơ gây ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Thế nhưng thực tế, tại không ít các cơ sở thẩm mỹ không phép, không đảm bảo điều kiện, nhân sự để đáp ứng khám tiền mê hay thực hiện thủ thuật gây mê này không được đảm bảo, thậm chí là lược bỏ quy trình. Do vậy, khi người dân thực hiện thủ thuật tại đó sẽ vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ biến chứng cao, không được cấp cứu kịp thời.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người có nhu cầu thẩm mỹ hãy là “người tiêu dùng thông thái”. Theo đó, không nên ham rẻ, tìm đến những địa chỉ không phải là cơ sở y tế, mà phải tìm đến phòng khám, trung tâm chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ - nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ; tìm hiểu về các thuốc, hóa chất, vật liệu cấy ghép khi đưa vào cơ thể có tác dụng gì, tác dụng phụ không mong muốn, nguy cơ và biến chứng...