Thông tin một nhân viên xe buýt Hà Nội quá 14 ngày kể từ khi ở Đà Nẵng về mới dương tính với SARS-CoV-2 khiến người dân Thủ đô không khỏi thấp thỏm lo lắng. Lo lắng không chỉ vì anh này đi “chu du” khắp nơi trong thành phố, tiếp xúc với rất nhiều người khiến nguy cơ lây lan đại dịch Covid-19 rất cao. Lo lắng là còn bởi lẽ, không biết còn bao nhiều người từ Đà Nẵng về qua 14 ngày mới mắc bệnh, gieo rắc virus ra cộng đồng.
Cũng chính vì sự lo lắng đó của người dân, mới đây tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống đại dịch Covid-19 của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã đề nghị cách ly bắt buộc tại nhà đối với tất cả những người từ Đà Nẵng về, có sự giám sát của chính quyền và y tế địa phương, để đảm bảo không lây lan rộng dịch bệnh trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, có vẻ đề xuất này là “hơi muộn”, vì có tới hơn 95.000 người từ Đà Nẵng về Hà Nội, tự do đi lại tung tăng khắp thành phố thời gian qua.
Chính vì thiếu sự kiểm soát cần thiết đối với những người về từ vùng dịch, mà hiện nay TP Hà Nội đang phải lần theo dấu vết, điều tra dịch tễ đối với trường hợp nhân viên xe buýt dương tính với SARS-CoV-2. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần rốt ráo truy vết, khẩn trương xác định các F1, F2 để khoanh vùng, cách ly, kể cả phải làm đêm để tránh mất kiểm soát. Hy vọng nhân viên xe buýt nói trên chưa kịp phát tán SARS-CoV-2, làm lây lan Covid-19 cho bất cứ người nào.
Nếu như TP Hà Nội nhanh tay hơn, đi trước một bước, kiểm tra y tế bắt buộc, thậm chí cách ly ngay tất cả những người về từ tâm dịch Đà Nẵng, thì có lẽ đến bây giờ lãnh đạo thành phố không phải thấp thỏm không yên như ngồi trên đống lửa. Chẳng phải trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, chính quyền Hà Nội đã làm rất tốt các biện pháp phòng ngừa từ xa, ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn, dù có vài ca lây nhiễm trong cộng đồng đó sao? Vốn có kinh nghiệm rồi vì sao lần này lại thờ ơ như vậy?
Người dân cho rằng có gì đó chưa ổn trong cách chính quyền Hà Nội xử lý đại dịch Covid-19 lần này. Tới thời điểm này, kể cả ngành y tế, ngành giáo dục và nhiều ngành khác của Hà Nội cũng chưa đưa ra bất cứ văn bản nào mang tính quyết định nhằm đối phó với làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ hai. Chính quyền thành phố tới thời điểm này cũng chưa có biện pháp mạnh tay hơn ngoài việc khuyến cáo những người về từ tâm dịch Đà Nẵng tự cách ly để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng.
Cũng chính vì chỉ dừng lại ở khuyến cáo, không mang tính chế tài bắt buộc nên nhiều người vẫn “tung tăng chạy nhảy” khắp nơi, điển hình như trường hợp nhân viên xe buýt vừa được công bố dương tính với SARS-CoV-2. Cũng chỉ dừng lại ở khuyến cáo nên rất nhiều người dân hiện vẫn chưa chịu đeo khẩu trang phòng dịch, vẫn tụm năm tụm ba đánh chén, bù khú, hàn huyên bất chấp nguy cơ lây lan của đại dịch Covid-19. So sánh cách ứng phó của Hà Nội giữa hai lần chống dịch, người ta không thể hiểu nổi vì sao lại có sự khác biệt.
Lẽ ra, với làn sóng đại dịch Covid-19 lần này có mức độ nguy hiểm hơn, sức lây lan nhanh hơn, Hà Nội phải mạnh mẽ hơn trong chỉ đạo điều hành chống dịch so với lần thứ nhất. Song, ngược lại chính quyền thành phố lại tỏ ra “bình tĩnh” một cách lạ thường, dẫn đến việc thả lỏng hàng chục nghìn người từ tâm dịch Đà Nẵng về mà không có biện pháp kiểm soát. Nói dại mồm, chỉ cần vài người, thậm chí là chục người trong tổng số hơn 95.000 người từ Đà Nẵng về mang theo virus, thì mất bao lâu để Hà Nội mất kiểm soát?
Trong khi thay vì cách ly rồi dần dần xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR để xác định chính xác ai đang mang mầm bệnh Covid-19, thì Hà Nội lại chỉ khuyến cáo tự cách ly rồi dùng các bộ kit test nhanh để đối phó. Chưa nói đến độ thiếu chính xác của kit test nhanh cho kết quả sai lệch, thiếu chính xác, lúc dương tính, lúc âm tính với SARS-CoV-2, tạo nguy cơ lây la đại dịch Covid-19 ngoài cộng đồng rất lớn. Chỉ riêng việc có lúc Hà Nội hết cả các bộ kit test nhanh, chủ tịch thành phố phải kêu gọi người dân bình tĩnh là điều khó chấp nhận.
Với cách mà chính quyền, các sở, ngành của thành phố ứng phó với làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ hai, thử hỏi làm sao người dân có thể an tâm để mà bình tĩnh? Khi và chỉ khi chính quyền Hà Nội cho người dân thấy các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng chống đại dịch Covid-19, lúc đó người dân mới có thể an tâm, dù Chủ tịch thành phố không cần kêu gọi người dân bình tĩnh.
Giờ đây, nguy cơ lây lan đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố là rất lớn và hiện hữu, chính quyền Hà Nội cần tạo niềm tin cho nhân dân.