Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/6 cho hay lực lượng cảnh sát nước này đã bắt giữ được 13 kẻ thuộc tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị nghi có liên quan tới vụ tấn công khủng bố sân bay Istanbul trước đó một ngày, trong khi nhiều tình tiết mới ghê rợn về vụ đánh bom được hé lộ.
Chuyên gia pháp y khám nghiệm hiện trường vụ tấn công
sân bay Ataturk, Istanbul (Nguồn: Reuters).
Con số người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng súng và bom tự sát tại sân bay Ataturk thuộc thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/6 đã tăng lên 42 người, hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho hay, trong đó có 13 người nước ngoài và hơn 200 người khác bị thương.
Trong hôm thứ Năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một buổi lễ viếng các nạn nhân của vụ khủng bố được coi là đẫm máu nhất trong số hàng loạt các vụ tấn công tương tự nhằm vào thành phố lớn nhất của nước này trong năm nay. Sáng cùng ngày, lực lượng cảnh sát đã thực hiện 16 cuộc truy kích trên khắp Istanbul vằ bắt giữ được 3 người nước ngoài trong số các “nghi phạm IS” khác.
“Có khả năng ít nhất một kẻ tấn công là người nước ngoài” – một vị quan chức giấu tên nói với hãng tin Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu hồi năm ngoái, gây ra bởi IS hoặc các lực lượng ly khai người Kurd, và vụ tấn công nhằm vào sân bay Ataturk xảy ra vào lúc mà mùa du lịch hè năm nay mới bắt đầu.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala trước đó nói rằng họ đã mở một cuộc điều tra toàn diện để tìm ra kẻ đứng đằng sau vụ tấn công nghiêm trọng trên. Nhắc đến mối liên hệ giữa vụ khủng bố và IS, ông nói: “Các dấu hiệu ban đầu đều chỉ tới IS, nhưng vẫn chưa chắc chắn.”
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cũng nói rằng vụ tấn công, đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, mang hơi hướng của tổ chức phiến quân IS.
Những tình tiết mới
Cũng trong ngày 30/6, nhiều tình tiết mới về việc những kẻ tấn công làm thế nào để thâm nhập được vào sân bay đông đúc nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng taxi trước khi xả súng vào hành khác bằng súng trường tự động và kích hoạt bom tự sát gắn trên người.
“Những kẻ khủng bố đã không thể vượt qua được hệ thống an ninh thông thường, máy soi tia X và trạm kiểm soát của cảnh sát” – Thủ tướng Binali Yildirim nói với báo giới – “Sau đó chúng bỏ đi và lại quay lại mang theo nhiều khẩu súng trường lấy ra từ trong vali. Chúng vượt qua hàng rào kiểm soát an ninh bằng cách xả súng vào mọi người”.
Một trong số những kẻ khủng bố này sau đó đã tự cho nổ tung mình bên ngoài sảnh, và 2 kẻ còn lại lợi dụng tình hình hỗn loạn để thậm nhập vào bên trong sảnh và kích hoạt bom tự sát gắn trên người.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thì lại đưa ra một kịch bản khác về vụ tấn công, cho rằng 2 kẻ tấn công đã kích hoạt bom tự sát ở các tầng khác nhau của sảnh sân bay và sau đó kẻ thứ ba cũng làm điều tương tự.
Hình ảnh mà camera an ninh ghi lại được, sau đó được tung lên mạng xã hội, cho thấy một quả cầu lửa lớn bốc ra từ phía lối vào khiến cho nhiều hành khách bỏ chạy trong hoảng loạn. Một đoạn video khác cho thấy một kẻ tấn công vận toàn đồ đen đang chạy bên trong sảnh thì bỗng nhiên ngã vật xuống sàn – có thể là do trúng đạn của cảnh sát – và sau đó tự cho nổ mình.
Giới chức hiện nay vẫn chưa thể xác định những kẻ tấn công, nhưng tờ Hurriyet cho hay một trong số những kẻ này là Osman Vadinov, một người Chechnya đến từ thành phố Raqa – nơi được coi là thành trì của IS ở Syria.
Lỗ hổng an ninh
Sau vụ khủng bố nghiêm trọng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang phải ra sức thuyết phục các du khách đến nước mình rằng nước họ vẫn là một điểm đến an toàn, trong khi ngành công nghiệp du lịch nước này đã chịu tổn thất lớn sau hàng loạt các vụ tấn công hồi năm ngoái.
Theo ông Egen Seckin, một chuyên gia phân tích đến từ HIS Country risk, vụ tấn công này “có khả năng là do IS thực hiện nhằm làm tổn hại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, ngay trước mùa du lịch”.
Ông Yildirim cam kết rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện của đội ngũ an ninh đặc biệt tại tất cả các sân bay trong nước. Ông đã có động thái phản ứng rất nhanh chóng sau vụ tấn công vừa qua nhằm bác bỏ sự ngờ vực cho rằng hệ thống an ninh nước này có nhiều lỗ hổng, thế nhưng nhiều người dân trong nước vẫn tỏ ra bức xúc vì chính quyền không thể ngăn chặn vụ đánh bom này.
Tính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu ít nhất 5 vụ tấn công nghi do IS thực hiện, trong đó gồm một vụ đánh bom ở thủ đô Ankara hồi tháng 10 năm ngoái khiến hơn 100 người thiệt mạng; vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Hồi tháng Một vừa qua, một quả bom cũng phát nổ ở trung tâm của Istanbul, khiến hàng chục du khách Đức thiệt mạng.