Được quy hoạch là hệ thống giao thông quan trọng bậc nhất của khu vực TP HCM, các dự án metro nhận nhiều kỳ vọng của người dân và chính quyền. Tuy nhiên, từ các tuyến metro đang xây dựng (số 1, Bến Thành - Suối Tiên) cho tới các tuyến chuẩn bị xây dựng (số 2, Bến Thành - Tham Lương) hay các tuyến mới chỉ dừng ở việc quy hoạch đều ở trong tình trạng đội vốn.
Vốn dành cho metro liên tục bị đẩy lên cao.
Việc số vốn thực hiện tăng thêm hàng tỷ USD không chỉ khiến chính các dự án này gặp khó mà còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực khác, thậm chí có thể phải dừng lại vì nguồn ngân sách không đủ khả năng kham nổi.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị (metro) TP HCM thì tuyến metro số 1 có chiều dài 19,7km. Khi thực hiện dự án (năm 2007), tổng vốn đầu tư chỉ là hơn 17.000 tỷ đồng (1,09 tỷ USD) nhưng đến năm 2011, dự án bị đội vốn, phải điều chỉnh lên mức 2,49 tỷ USD (tương đương 47.000 tỷ đồng).
Tất nhiên, con số chênh lệch khổng lồ này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài việc đội vốn, tiến độ dự án số 1 cũng phải điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện. Trong khi đó, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dù chưa khởi công xây dựng nhưng cũng đã bị đội vốn, từ 1,3 tỷ USD (năm 2010) lên 2,1 tỷ USD (năm 2017). Tương tự, khi quy hoạch, năm 2010, tuyến metro số 5 từ ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) đi cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) dài 9km chỉ là 0,83 tỷ Euro, dù chưa chính thức thực hiện nhưng nguồn vốn của tuyến này được xác định lại lên đến hơn 1,5 tỷ Euro.
Theo tiến sỹ Phạm Sanh, một chuyên gia nghiên cứu về hạ tầng giao thông nhìn nhận thì nguyên nhân chính của tình trạng đội vốn các tuyến metro là sự trượt giá của đồng tiền trong nước so với các đồng ngoại tệ như USD hay Yên Nhật. Bên cạnh đó, yếu tố khác như giá cả nguyên vật liệu, tiền lương công nhân, giá đền bù giải tỏa mặt bằng... cũng thay đổi theo chiều hướng tăng khiến cho các dự án metro thường xuyên bị đội vốn.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright đưa ra quan điểm: Tình trạng đội vốn ở các dự án metro còn có nguyên nhân rất lớn ở đội ngũ thiết kế, lập dự án. Do đây là lần đầu tiên các tuyến metro được xây dựng nên các đơn vị thực hiện hầu như không có kinh nghiệm cũng như tầm nhìn để tính toán chính xác, lường trước số tiền xây dựng. Ngoài đội vốn, các tuyến metro số 1 và số 2 còn phải điều chỉnh một số hạng mục khi thực hiện.
TP HCM có quy hoạch tất cả 8 tuyến metro với các số thứ tự tương ứng. Hiện nay, theo thứ tự ưu tiên thì tuyến metro số 1 đang thực hiện và tuyến metro số 2 chuẩn bị khởi công trước khi thực hiện tiếp tuyến metro số 5 giai đoạn 1 và tuyến metro số 3A từ Bến Thành đi Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Tuy nhiên, với việc liên tục tăng vốn và chậm tiến độ như hiện nay, việc hoàn thành các dự án này vẫn là vấn đề rất xa vời.