Không khó để bắt gặp những dòng trạng thái, những bức ảnh trên Facebook chia sẻ về con từ phụ huynh. Đa số họ đều nghĩ đăng lên mạng là để lưu giữ một dấu mốc hay một kỷ niệm về con. Thế nhưng, nguy hiểm luôn tiềm ẩn khi để lộ thông tin cá nhân của trẻ. Ngoài nguy cơ bị bắt cóc, trẻ còn có thể là nạn nhân của các hành vi xâm hại, đe dọa...
Vô tình “rắc lông ngỗng”
Vô tư đăng hình ảnh con lên mạng xã hội từ lúc con mới sinh, đầy tháng, tập đi... cho đến khi đi học để “nhờ Facebook giữ hộ” kỷ niệm là hành động mà nhiều phụ huynh, nhất là những ông bố, bà mẹ trẻ thường xuyên thực hiện. Với đa số các bậc cha mẹ, lý do đăng tải hình ảnh của con lên mạng xã hội xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, mong muốn được chia sẻ với mọi người niềm vui và tình yêu với con. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại chia sẻ hình ảnh về con một cách thái quá, từ những khoảnh khắc rất riêng tư đến những trang phục con mặc không phù hợp, không kín đáo... thậm chí đăng tải gần như tất cả mọi thông tin, hình ảnh của con trẻ mà không lường trước những hệ lụy có thể xảy ra.
Đặc biệt, cuối năm học khi con nhận giấy khen, được giải thưởng của cuộc thi nào đó... là dịp để phụ huynh khoe con trên mạng. Ngay cả sở thích, thói quen, tên gọi ở nhà của con... cũng được công khai trên mạng xã hội. Hãy thử tưởng tượng, nếu như bất kỳ ai cũng biết con bạn học trường mẫu giáo nào, tên thường gọi là gì, nhà bạn ở đâu, bé thích ăn gì thì sẽ nguy hiểm như thế nào nếu thông tin đó lọt vào tay người có mục đích xấu.
Trên thực tế, tháng 3/2023, nhiều vị phụ huynh ở các thành phố bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức con bị cấp cứu. Và theo cơ quan điều tra, 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin. Nhiều bậc phụ huynh vô tình làm lộ lọt thông tin cá nhân qua thói quen lên mạng xã hội đăng ảnh con cùng các loại giấy tờ, giấy khen... Điều này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo. Đã từng liên tiếp ghi nhận các vụ phụ huynh trình báo việc bị người lạ mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nói con họ bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí, từ đó chiếm đoạt tài sản. Có phụ huynh vì nóng lòng cứu con đã chuyển tới 200 triệu đồng, sau đó mới phát hiện mình bị lừa.
Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH): Hiện nay, không ít người có thói quen khoe nhà, cửa, xe cộ thậm chí khoe con lên mạng xã hội, ông An cho rằng, điều này vô tình đẩy trẻ vào sự nguy hiểm. Kẻ xấu theo dõi qua Facebook sẽ biết được quy luật hoạt động của trẻ để tìm cách tiếp cận trẻ.
"Bố mẹ khoe nhà, khoe nhiều tiền vô tình làm mồi nhử cho các đối tượng bắt cóc tiếp cận, điều này các phụ huynh phải hết sức lưu ý. Với những trẻ sử dụng Facebook, bố mẹ cần cảnh báo con không nên kết bạn với người lạ để tránh những việc đáng tiếc xảy ra", ông An cảnh báo.
Tác động trực tiếp đến trẻ
Có những phụ huynh thích khoe con trên mạng xã hội để chứng tỏ rằng con mình giỏi. Nhưng đối với chính chủ trong những bức ảnh được khoe, các em sẽ có nhiều cảm nhận khác nhau và nhiều em tỏ thái độ không thích bố mẹ đăng hình ảnh của mình lên mạng xã hội.
Em Hoàng Hải Nguyên (11 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, mẹ rất hay chụp hình mỗi hoạt động của em để đăng tải lên mạng xã hội. Từ những lúc em mới ngủ dậy hay khi em tưới cây, quét nhà... Việc này khiến em bị nhiều bạn trêu đùa nên em không muốn mẹ đăng hình ảnh của mình lên Facebook.
Tại Việt Nam, Điều 32 Bộ Luật Dân sự quy định cá nhân (kể cả trẻ em) có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó. Còn theo Luật Trẻ em, một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
Việc bị chia sẻ rộng rãi ảnh khuôn mặt, thông tin đời tư và nhận lại những phản ứng tiêu cực sẽ khiến các em bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cá nhân, nhất là khi các em đang trong giai đoạn lớn lên và có những hiểu biết, nhận thức nhất định. Về lâu dài, trẻ em sẽ cảm thấy mặc cảm, tổn thương, sợ hãi, thậm chí dẫn đến hậu quả trẻ tự tử khi đối diện với sự chỉ trích, nhận xét, đánh giá, kỳ thị, hoặc những thông tin bịa đặt từ bên ngoài.
Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Phương Trang phân tích, trước hết, hành động “khoe” này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng khi các thông tin cá nhân của con trẻ được đăng tải công khai. Bên cạnh đó, đối với các con ở độ tuổi thanh - thiếu niên phát triển tâm sinh lý, đã có quan điểm và nhận thức riêng thì khi đăng tải hình ảnh mà không nhận được sự đồng ý của con sẽ khiến con hình thành những áp lực dẫn đến hiệu ứng sụp đổ nếu bản thân không thể duy trì các thành tích trước đó. “Để bảo đảm an toàn cho con, cha mẹ nên có sự tiết chế trong cách “khoe” con. Thay vì chia sẻ hình ảnh con ở chế độ công khai, thì bố mẹ nên chia sẻ ở những hội nhóm kín đáo, riêng tư hơn dành cho gia đình, người thân”, bà Trang chia sẻ.
Bên cạnh những bài đăng khoe thành tích của con thì cũng có những phụ huynh đăng cả những bức ảnh hay clip ghi lại những hình ảnh không đẹp, những câu chuyện về lỗi lầm của các con như khóc ăn vạ, cãi bố mẹ, con có hành vi sai trái. Những hình ảnh đó bỗng nhiên được công khai cho hàng trăm hàng ngàn người soi mói, bàn tán. Kết quả là trẻ có thể phải hứng chịu những tổn thương về tinh thần khi bị chỉ trích, chê bai, phán xét.
Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý nuôi dạy con bằng những giá trị sống tích cực là một hành trình lớn lên cùng con chứ không phải một cuộc trình diễn nuôi dạy con thành công trên mạng xã hội.