Hệ lụy từ một mỏ đất

ĐÌNH MINH 10/10/2023 07:12

Từ khi đi vào hoạt động, mỏ đất tại xã Thành Trực, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đã gây ô nhiễm mất an toàn giao thông. Trong việc khai thác, mỏ còn chưa lắp trạm cân, xe rời mỏ không lấy hóa đơn, xe vận chuyển có dấu hiệu quá khổ, quá tải, làm hư hỏng đường giao thông…

Trường Tiểu học xã Thành Trực nằm gần mỏ đất khiến học sinh chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn, ô nhiễm và mất an toàn giao thông.

Ngày 3/1/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với mỏ đất san lấp và tận thu khoáng sản đi kèm tại xã Thành Tân và Thành Trực cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Phúc An (Công ty Phúc An) với thời hạn 15 năm. Sau gần 5 năm khai thác, đến ngày 22/7/2022, Công ty Phúc An chuyển nhượng mỏ đất trên cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Thành Nam (Công ty Thành Nam) và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận. Đến ngày 4/11/2022, UBND tỉnh có quyết định số 112, cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thành Nam trên diện tích 106.656m2 tại 2 xã Thành Tân và Thành Trực với trữ lượng 284.166,667m3 đất, công suất 31.000m3/năm, thời hạn đến ngày 3/1/2032.

Từ con đường tỉnh lộ 523 dẫn vào mỏ, cứ vài phút lại có những chiếc xe tải chở đất phóng ra đường. Trong vài giờ đồng hồ, có hàng chục lượt xe tấp nập vào lấy đất kéo bụi bay mù mịt. Hai bên đường, từ nhà dân cho đến những cây xanh đều bám đầy đất. Để đi vào mỏ đất, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là đi ngang qua cổng phụ và sát mép tường Trường Tiểu học Thành Trực.

Bà Lê Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Trực cho biết, việc các xe tải lớn liên tục di chuyển ở bên hông trường đã gây ra tiếng ồn và bụi bặm, khiến gần 400 em học sinh và giáo viên của trường bị ảnh hưởng. “Đợt này xe chạy nhiều, khi đi ngang qua trường, các tài xế bóp còi inh ỏi, chạy rất thiếu ý thức. Do trường nằm sát mỏ đất nên bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi làm cho giáo viên và học sinh rất khó chịu. Dù đã nhiều lần phản ánh đến Công ty Thành Nam nhưng không có kết quả. Chúng tôi rất lo lắng mỗi lần học sinh tan trường” - bà Thảo nói.

Nằm ngay con đường ra vào mỏ, gia đình ông Trần Ngọc Trung (43 tuổi, trú thôn Ngọc Nước) phải căng một tấm bạt lớn chắn ngay trước cổng. Ông Trung cho biết: Nếu không có tấm bạt này thì bụi sẽ bay ngập nhà, ăn bữa cơm cũng không yên. Từ khi họ khai thác đất vào năm 2018 là gia đình sống rất khổ sở vì bụi bẩn.

Ghi nhận trong 2 ngày 23/9 và 5/10, tại mỏ đất luôn có 3 máy xúc lớn và gần 10 chiếc xe tải thường trực hoạt động. Cả quả đồi rộng nhiều héc ta đã bị múc nham nhở và đang có dấu hiệu mở rộng ra các khu vực lân cận.

Ông Nguyễn Hữu Long - Chủ tịch UBND xã Thành Trực thừa nhận: Việc mỏ đất của Công ty Thành Nam gây ô nhiễm môi trường, xe tải vận chuyển gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến trường học và nhà dân là có. Ông Long cho biết, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu Công ty Thành Nam cho tưới nước thường xuyên hơn và lái xe phải chạy chậm lại, tần suất hoạt động giãn ra. Về các vấn đề như mỏ không có trạm cân, xe không lấy hóa đơn khi rời mỏ, xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải… theo ông Long đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Vì vậy, ông Long mong muốn sẽ có sự kiểm tra, phối hợp từ các ngành chức năng để mỏ đất hoạt động đúng quy định, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy từ một mỏ đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO