Hệ lụy của việc khai thác đất san lấp trái phép để lại nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông bị các loại xe quá tải băm nát... Câu chuyện xảy ra trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) khi những quả đồi lớn phủ đầy cây keo, bạch đàn… bị biến mất. Chưa dừng lại, mới đây, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chấp thuận chủ trương đưa thêm 5 mỏ đất ở Triệu Sơn vào khai thác, dấy lên nhiều mối quan ngại trong dư luận.
Các ngọn đồi phủ đầy cây xanh tại xã Hợp Thắng đã biến mất sau ít năm mỏ đất đi vào hoạt động.
Những hệ lụy khôn lường!
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, người dân tại thôn 4, 5 xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn bắt đầu phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt vì nguồn nước ngầm tại các giếng khơi có dấu hiệu cạn kiệt chỉ sau ít ngày nắng nóng. Tuy nhiên, ngay cả biện pháp khoan giếng để tìm nước cũng chẳng khác nào “đánh bạc” với trời vì không phải nhà nào khoan cũng tìm thấy nước để sử dụng.
Theo nhiều người dân tại thôn 4 cho biết: Khoảng hơn 10 năm trở về trước, ở đây vốn là một dãy những quả đồi đất lớn phủ đầy các loại cây như keo, bạch đàn và tầng cây bụi. Tuy nhiên cùng với sự phát triển, nhu cầu về đất san lấp mặt bằng, giao thông... nên các ngọn đồi dần biến mất. Đầu tiên là hoạt động khai thác đất trái phép nhỏ lẻ của “đất tặc”. Các hộ dân vì chút lợi ích trước mắt đã không ngần ngại, lén lút thỏa thuận với đầu nậu san lấp, bán đi toàn bộ diện tích đất vườn đồi của mình với lý do “hạ độ cao đất vườn, tạo mặt bằng để làm nhà”. Sau khi hoạt động khai thác đất trái phép này dần bị kiểm soát, một mỏ đất hợp pháp được tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân. Dựa vào đó, chủ mỏ đất cũng luôn tìm cách múc đất ra ngoài chỉ giới để trục lợi bất chính.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Quang Đồng - Trưởng thôn 4, xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn - cho biết: Cùng với hoạt động khai thác trái phép nhỏ lẻ, sau khi mỏ đất tại Hợp Thắng được cấp phép, liên tục ngày cũng như đêm từng đoàn xe trọng tải lớn nối đuôi nhau vào ra tấp nập, vận chuyển đất đi san lấp, cả xã lúc nào cũng ầm vang tiếng máy múc, tiếng xe như trong một đại công trường. Mọi con đường trong xã bị đám xe trọng tải lớn này vằm nát, bụi mù mịt bao phủ xóm làng. Người dân không chịu nổi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, huyện nhiều lần áp dụng các biện pháp để xử lý nhưng đều không hiệu quả. “Nếu như trước kia, 100% người dân dùng nước giếng khơi để sinh hoạt vì các giếng ở đây luôn đầy ắp nước sạch thì hiện tại, toàn thôn 4 chúng tôi chỉ còn khoảng 30% giếng khơi có thể sử dụng. Đa phần người dân đã phải bỏ tiền để khoan giếng lấy nước dùng. Tuy nhiên, do các quả đồi đã bị san phẳng, nguồn nước ngầm dần bị cạn kiệt, có hộ phải khoan sâu tới trên 90 m nhưng cũng không tìm được nước sạch. Cứ với đà khai thác này, chả bao lâu nữa người dân thôn 4 và các thôn lân cận của xã Hợp Thắng không còn nước tự nhiên để dùng là điều khó tránh khỏi - ông Đồng lo lắng nói.
Là địa phương có nhiều đồi đất được cho là lý tưởng phục vụ việc san lấp, xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Liên tiếp trong các năm từ 2010 đến nay, hoạt động khai thác đất trái phép cũng như có phép luôn diễn ra một cách rầm rộ và phức tạp. Sau khi UBND huyện áp dụng nhiều biện pháp mạnh để chấn chỉnh nạn khai thác và vận chuyển đất trái phép thì ngay cả mỏ đất được cấp phép của Công ty TNHH Xây dựng giao thông thủy lợi và thương mại Cường Trang (Cty Cường Trang) cũng lợi dụng sự hợp pháp của mình, nhiều lần khai thác ra bên ngoài chỉ giới mỏ. Đặc biệt, sau khi hết thời hạn khai thác và phải đóng cửa mỏ theo quy định, Cty Cường Trang xin được hoàn trả mặt bằng và tận thu để tiếp tục khai thác và vận chuyển đất ra ngoài bán. Rõ ràng ngay cả việc UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn đồng ý cho phép Cty Cường Trang tận thu, vận chuyển đất ra ngoài mỏ đã “đá” với nội dung của quyết định đóng cửa mỏ số 1871, ban hành ngày 20/5/2019, gây nhiều bức xúc cho chính quyền và nhân dân xã Thọ Tiến.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Thọ Tiến - không giấu được bức xúc: Do Cty Cường Trang tận dụng việc tận thu quá mức, ngày đêm cho xe trọng tải lớn rầm rộ vận chuyển đất ra ngoài đi bán, mới đây, xã đã phải nhờ sự hỗ trợ của huyện và các cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản và xử phạt Cty này số tiền là 50 triệu đồng. “Khi được cấp phép tận thu, Cty Cường Trang đã tranh thủ hoạt động liên tục suốt ngày đêm như kiểu “tát cạn bắt hết”! Trong khi đó, khi có mỏ về đứng chân, xã được giao thu ngân sách từ việc khai thác mỏ là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, suốt từ năm 2013 đến nay, họ chưa nộp cho ngân sách xã một đồng nào. Có thể thấy, trong việc cấp quyền khai thác, chỉ có doanh nghiệp và một số đơn vị được hưởng lợi còn mọi hậu quả thì người dân địa phương đều phải gánh chịu”- ông Luận cho biết thêm.
Ông Trịnh Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Thọ Tiến khá bức xúc khi trao đổi với phóng viên về thực trạng khai thác đất trên địa bàn xã.
Giật mình với chủ trương mới
Trước thực trạng khá “nóng” về khai thác và vận chuyển đất san lấp tại các xã có trữ lượng lớn, UBND huyện Triệu Sơn đã phải buộc Chủ tịch các xã phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép xảy ra tại địa phương. Cũng vì cam kết này, tâm lý nhiều Chủ tịch xã rơi vào trạng thái như “ngồi trên đống lửa” vì tính chất phức tạp của hoạt động khai thác đất trên địa bàn mình quản lý.
Điển hình như trong tháng 3/2019, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến Trịnh Văn Đồng đã bị đình chỉ công tác 15 ngày vì để “đất tặc” lợi dụng vào việc khai nạo vét lòng hồ Đường Tàu, vận chuyển đất ra ngoài đi bán trái phép. “Rất khó quản lý đối với nạn trộm đất. Chỉ lơ là một chút là chúng đưa ngay xe vào múc đất đưa đi. Sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã đến từng hộ dân có đất để yêu cầu viết cam kết không bán đất san lấp, buộc các chủ máy múc trên địa bàn xã cam kết không được khai thác và vận chuyển đất trái phép”- ông Đồng cho biết.
Trong khi chính quyền các cấp tại huyện Triệu Sơn đang căng mình đối phó với nạn “đất tặc”, khai thác sai chỉ giới tại các mỏ đất đã được cấp phép thì mới đây, ngày 5/7/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có công văn số 8626, đồng ý với đề nghị của Sở Xây dựng, chấp thuận chủ trương đưa thêm 5 khu vực mỏ đất san lấp tại các xã: Hợp Thắng, Thọ Cường và Thọ Tiến vào quy hoạch. Chủ trương này của UBND tỉnh Thanh Hóa đang tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều tại huyện Triệu Sơn và đa phần đều khá lo lắng do hệ lụy của nó gây ra. Nếu nói không quá thì công văn số 8626 của UBND tỉnh đang góp phần làm “nóng” thêm tình hình quản lý và khai thác đất san lấp trên địa bàn huyện Triệu Sơn.
“Việc quy hoạch mỏ đất để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, tỉnh phải xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố tác động của mỏ đất đến tình hình phát triển cụ thể của từng địa phương trước khi cấp quyền khai thác cho doanh nghiệp!”- ông Trịnh Văn Luận bày tỏ.