Với nhiều người thì mèo có cuộc sống hai mặt: kẻ trưởng giả trên chiếc gối nệm và tên sát thủ đáng gờm trong góc nhà. Desmond Morris - một người chuyên nghiên cứu về mèo tại Anh quốc cho biết tại một ngôi làng ở Bedfordshire, cứ 77 chú mèo mỗi năm bắt 1.100 con mồi. Như vậy, 5 triệu con mèo ở nước này sẽ bắt được hơn 50 triệu con chuột, chưa kể đến lũ chim cũng bị mèo vồ.
Tại sao mèo lại thích được vuốt ve? Bởi vì ngay từ lúc còn nhỏ nó đã được mèo mẹ liếm láp. Mọi mèo con đều được mèo mẹ đối xử như thế. Còn tại sao mèo “nghiện” thịt chuột? Vẫn theo nhà nghiên cứu người Anh Desmond Morris, chỉ vì thân thể của chuột có thể tổ hợp ra chất ngưu hoàng (mang gốc NH2) có tác dụng giúp nâng cao thị lực ban đêm. Như vậy, thịt chuột trở thành vị thuốc nâng cao thị lực, nhìn xuyên bóng tối cho mèo.
Một câu hỏi khác: Làm thế nào mèo tìm được đường về dù ở rất xa? Đó là nhờ thị giác và khứu giác. Nhưng chúng cũng còn có khả năng tìm đường dựa vào từ trường Trái đất. Từ tính là giác quan thứ sáu của mèo. Một con mèo đi lang thang cách nhà trong vòng 5km vẫn có thể tìm được đường về nhà. Và người ta cũng nhận thấy rằng, sau 3 năm được nuôi dưỡng, mèo nhà lại có xu hướng thích đi hoang.
Thế giới có tới hơn 3.000 giống mèo, trong đó có những giống rất kỳ lạ. Châu Phi là nơi có nhiều giống mèo hoang dã nổi tiếng, trong đó có mèo Serval khi trưởng thành nặng tới 18kg, một cú nhảy xa có thể tới 3m khiến không con mồi nào tránh thoát dưới nanh vuốt sắc nhọn của nó. Serval rình bắt chim với sự khéo léo và chính xác phi thường.
Tại Iran, có giống mèo được gọi là “vua sư tử”: mèo Lion king. Nó “lịch sự” nhất trong thế giới mèo với dáng đi khoan thai, uyển chuyển. Mèo Lion king có bộ lông ngắn tự nhiên ôm sát thân, thoạt trông ai cũng ngỡ được cắt tỉa bởi bàn tay người, vì vậy nó còn có tên là “sư tử trụi”. Người dân Paris (Pháp) nuôi mèo Lion king còn đeo cho nó một vòng chuỗi xương cá nạm bạc quanh cổ.
Vùng Cornwall nước Anh có giống mèo Cornish Rex. Bộ lông của chúng mềm như nhung, tai to, chân mảnh khảnh cao kều, trông giống chó đi săn mồi. Trẻ em rất thích Cornish Rex và chúng cũng rất quấn trẻ em.
Trong các câu chuyện về mèo, có lẽ câu chuyện ở Canada là độc đáo nhất.
Chuyện kể rằng một người đàn ông hành nghề nha sĩ có tên là Walter, vì có công chữa răng cho vua và hoàng tộc mà được nhà vua thưởng cho một hòn đảo mang tên Tetiaroa. Nhưng oái oăm thay, trên đảo có cơ man các loài chuột quấy phá. Walter định trả lại đảo cho nhà vua thì được một người mách bảo: Hãy nuôi mèo để dẹp loạn chuột. Nha sĩ nghe theo, vào đất liền mua tới 200 con mèo mang ra đảo. Đường xa, đói bụng lâu ngày, khi được phóng thích lũ mèo thoải mái lao vào bắt chuột. Ít lâu sau, đảo hết chuột.
Câu chuyện bất ngờ ở chỗ khi chuột hết thì lại nảy ra tai họa mới: đó chính là mèo. Mèo sinh sôi nẩy nở nhanh đến nỗi không có cách nào ngăn lại được. Thức ăn cho người và mèo ngày càng khan hiếm. May mà đảo Tetiaroa rất nhiều cá nên mèo hàng ngày ra bờ biển mai phục, lội cả xuống biển bắt cá mà ăn. Đảo Tetiaroa đã mang tên “đảo mèo” từ bấy giờ.
Ở Nhật Bản cũng có chuyện “giặc mèo” trên đảo Ishima. Để tiêu diệt lũ chuột, người ta dùng tầu thủy chở hàng nghìn con mèo ra đảo. Chỉ vài tháng sau người ta không còn thấy tăm hơi lũ chuột. Người dân trên đảo thở phào nhẹ nhõm, tổ chức lễ hội ăn mừng. Nhưng ngày vui ngắn chằng tày gang vì lũ mèo sau khi đã chén hết chuột thì quay sang tấn công vào bếp, vào bữa ăn của người, tấn công vào các quầy thịt, cá ngoài chợ. Chúng rình rập, cào cấu, gào rú, thậm chí còn cào cắn cả người đi đường khi cơn đói đang lên.
Thế là người dân lại phải tìm cách dẹp “giặc mèo”.