Hết thời thoải mái xài ODA

Hồ Hương 24/03/2016 09:15

Dù là khoản vay ưu đãi, song với ODA, người đi vay cũng phải trả nợ. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn vốn ODA dồi dào như trước. Vì vậy, các địa phương phải vay lại vốn ODA từ Chính phủ

Hết thời thoải mái xài ODA

Cầu Thanh Trì, một cây cầu lớn sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.

Một năm chi 150.000 tỷ đồng trả nợ

Tin từ Bộ Tài chính cho biết, chỉ trong năm 2016 này, dự kiến số tiền ngân sách dành cho chi trả nợ chiếm khoảng 14,7% tổng thu ngân sách Nhà nước, tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng.

Trong tương lai không xa,Việt Nam sẽ không còn nhận được nguồn ODA dồi dào như trước. Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay nợ theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Sau khi cân đối dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào năm 2022.

Hơn 22 năm qua, kể từ năm 1993, Việt Nam nhận viện trợ ODA để phát triển kinh tế với tổng số tiền lên tới hơn 80 tỷ USD. Ngoài ưu điểm tích cực không thể phủ nhận trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản, ODA chính là một phần trong nợ chính phủ, cấu thành nên nợ công.

Với diễn biến nợ công đang tăng mạnh thời gian gần đây, thì việc lạm dụng ODA, sử dụng vốn ODA không hiệu quả, đầu tư dàn trải ở một số ngành, địa phương được cảnh báo sẽ đem đến nhiều hệ lụy. Điều này buộc Bộ Tài chính siết lại nguồn vốn ưu đãi, để cơ quan nhận vay lại cũng có trách nhiệm trả nợ, thay vì rủi ro đẩy hết về ngân sách trung ương như hiện nay.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, sẽ phân loại địa phương khả năng ngân sách tài chính của mình thành 5 nhóm để cho vay nợ. Những địa phương có tiềm lực, cân đối thu chi, nguồn thu tốt có khả năng hoàn được vốn thì gánh trách nhiệm chung với Trung ương: Nhận vay lại từ Trung ương 50% và được cấp phát 50% . Riêng các địa phương nghèo, khó khăn vẫn sẽ được cấp phát 90% từ Trung ương, và 10% vay lại.

Tuy nhiên, ông Long cũng khẳng định các địa phương này chỉ được cấp phát trong điều kiện đã tính toán đầy đủ cho dự án, có mặt bằng thi công, vốn đối ứng và tính toán các hiệu quả khác của dự án để từ đó có khả năng trả nợ.

Hiện nay, nguồn vốn vay ODA và các khoản vay ưu đãi, viện trợ khác dành cho các địa phương chủ yếu là cấp phát. Chưa đầy 10% vốn rót xuống địa phương là vốn cho vay lại và địa phương phải bố trí ngân sách hàng năm để trả nợ.

Cẩn trọng rủi ro tỷ giá

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, ODA là đi vay nợ, cơ cấu khoản nợ này chủ yếu bằng đồng USD, yên Nhật và EUR. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tỷ giá, và điều này đã tác động lên nợ công. Vì vậy, rủi ro của tỷ giá đến với các khoản vay ODA khó tránh khỏi. Chưa kể nghiệp vụ quản lý nợ công của Việt Nam khá thụ động.

Cùng với việc Bộ Tài chính đã phân cấp và chuyển trách nhiệm vay nợ về cho địa phương cũng phải làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phân bổ vốn ODA.

Khi các khoản ưu đãi cũng giảm dần vì nền kinh tế hội nhập sâu, thì việc kiểm soát nợ công cần đặt lên hàng đầu. Công khai minh bạch về nợ công là điều kiện tốt để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn vay cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần lưu ý cách sử dụng các khoản vay nợ. Lấy khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt với các hạn mức nợ cũng cần được quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hết thời thoải mái xài ODA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO