Bắt đầu từ đầu tháng 7 này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ chính thức có hiệu lực. Dư luận rất quan tâm tới việc từ nay sẽ không còn “biên chế suốt đời” với viên chức. Quy định này cũng xoá bỏ suy nghĩ vào được nhà nước là ổn định mãi mãi.
Theo ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đây cũng là cơ sở để đưa những người yếu kém ra khỏi bộ máy, đồng thời khuyến khích người làm việc hiệu quả, giữ chân người tài.
Bắt đầu từ đầu tháng 7 này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Luật đó là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới từ ngày 1/7/2020 sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, điều này đồng nghĩa với việc không còn “biên chế suốt đời” với viên chức. Quy định được ban hành với kỳ vọng nói không với sự trì trệ của cán bộ qua đó sẽ nâng cao chất lượng của đội ngũ viên chức.
Cơ hội để đưa những người yếu kém ra khỏi bộ máy
Ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết: Từ ngày 1/7, viên chức - những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ký hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng đến 60 tháng, không còn hợp đồng vô thời hạn. Thay đổi này xuất phát từ tư tưởng cứ có chỗ trong đơn vị sự nghiệp công lập là chắc chân, không có động lực phấn đấu trong công việc cũng như phát huy sáng tạo để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội.
Mỗi người được tuyển sẽ phải nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì nếu không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ phải nhường cơ hội cho người nhiệt huyết hơn. Quy định này cũng xoá bỏ suy nghĩ vào được nhà nước là ổn định mãi mãi. Đây cũng là giải pháp chọn lọc tự nhiên để xã hội ngày càng được hưởng những dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, để tránh việc viên chức được ký trong thời gian quá ngắn (quy định cũ là từ đủ 12 tháng đến 36 tháng), luật sửa đổi đã nâng thời gian ký hợp đồng lên tối đa 5 năm. Đây là khoảng thời gian tương đối để viên chức chứng tỏ năng lực, và cũng bảo đảm sự ổn định tương đối.
Nhằm hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra trên thực tế, luật cũng quy định, nếu đơn vị sự nghiệp còn nhu cầu, vị trí việc làm, viên chức nào được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và không vi phạm thì người sử dụng lao động phải ký lại hợp đồng với những người này mà không được phép tuyển dụng mới.
Số lượng viên chức hiện nay rất đông, khoảng 1 triệu người, nên để đảm bảo sự ổn định, luật cũng quy định những người được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn được ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Bình luận về quy định này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, xóa bỏ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức được dư luận đồng tình, ủng hộ. Bởi đây là cơ hội để đưa những người yếu kém ra khỏi bộ máy, đồng thời khuyến khích người làm việc hiệu quả, giữ chân người tài. Chính sự đổi mới này giúp hệ thống hành chính công được cải cách hiệu quả, môi trường kinh tế - xã hội thực sự kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát triển.
Theo ông Phúc, ở các nước có nền công vụ hiện đại cũng đã thực hiện chế độ hợp đồng đối với công chức, tức bỏ “công chức suốt đời”. Còn ở nước ta, trước mắt bỏ “viên chức suốt đời”, nhưng sau này tiến tới kể cả công chức cũng có thể chuyển sang cơ chế hợp đồng để đảm bảo một nền công vụ năng động, trách nhiệm, thể hiện sự tận tụy. Chứ không phải vào biên chế, công chức hay viên chức làm theo kiểu “sáng cắp ô đi tối đi cắp về” mà không ai cho ra khỏi bộ máy được.
Ông Phúc cũng cho biết, đội ngũ viên chức có tâm lý cứ yên tâm vào biên chế rồi làm việc không hết trách nhiệm, chất lượng phục vụ kém thì cũng không nên giữ chân họ. Tạo ra sức ép về biên chế để cán bộ tận tụy với công việc, nghề nghiệp nhiều hơn, từ đó Nhà nước, xã hội cũng sẽ đối xử với những cống hiến của họ phù hợp hơn. Viên chức ở trong biên chế 30-40 năm nhưng chất lượng phục vụ không đạt được yêu cầu thì cũng không nên ở lại.
Cú hích để viên chức không thể trì trệ
Bỏ biên chế suốt đời có thể nói là giải pháp mang tính đột phá nâng cao chất lượng cán bộ. Bởi từ lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả khiến cho khả năng chi trả của ngân sách nhà nước ngày một khó khăn. Ngoài đội ngũ công chức vốn cồng kềnh ngốn một khoản chi thường xuyên không nhỏ từ ngân sách thì cũng có một đội ngũ không nhỏ, đó là đội ngũ viên chức.
Vậy vì sao Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế với mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% công chức, 10% viên chức nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi? Sở dĩ đội ngũ hưởng lương từ ngân sách vẫn cứ cồng kềnh là bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do rất nhiều người vẫn chỉ lo cho các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không quan tâm đến đại cục.
Họ ra sức tuyển dụng, đưa vào hệ thống những nhân lực yếu kém, không có năng lực trình độ chuyên môn. Khi vào được bộ máy Nhà nước, không ít kẻ trong số này lại cậy quyền cậy thế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ luôn gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp, khiến hình ảnh người cán bộ, viên chức ngày một xấu xí.
Đó là còn chưa kể, nhiều viên chức được tuyển dụng từ hàng chục năm nay nhưng rất trì trệ, lười làm việc, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, nhiều khi còn chống đối, cản trở sự phát triển. Họ chính là những hòn đá tảng cần phải đưa ra khỏi hệ thống để dòng chảy công việc được khơi thông. Thế nhưng đưa họ ra khỏi khu vực công không hề dễ.
Vì vậy quy định bỏ biên chế suốt đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy công cuộc tinh giản biên chế được đẩy nhanh hơn, chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ công chức sẽ tốt lên nếu họ không muốn là người bị loại ra khỏi nền công vụ. Bỏ biên chế suốt đời, trả lương theo vị trí, chất lượng công việc... được kỳ vọng sẽ khuyến khích được người lao động làm việc hiệu quả, giữ chân được người tài. Cách làm mới này khiến những người có năng lực thực sự vui mừng, là cơ hội để đưa những kẻ yếu kém, cơ hội ra khỏi bộ máy.
Đánh giá đây là một chính sách tốt, song theo đại diện Bộ Nội vụ, để thực hiện tốt chính sách này đòi hỏi công tác đánh giá thực sự công tâm, khách quan, minh bạch của người đứng đầu. Muốn đánh giá chính xác hiệu quả công việc của thì phải xác định rõ vị trí việc làm của từng đối tượng. Từng công việc phải xác định rất rõ trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục để làm sao dựa trên kết quả làm việc, bằng sản phẩm cụ thể, chất lượng hiệu quả công việc để đánh giá. Xây dựng tiêu chí đánh giá trên một mặt bằng chung với những nhóm công việc khác nhau, chứ không đặt ra đối với những đối tượng khác nhau.
Nhiều người mong muốn quy định bỏ biên chế suốt đời còn được áp dụng với cả công chức, đặc biệt là với các công chức lãnh đạo. Để những người có tài thực sự làm quản lý thì vị trí lãnh đạo trong các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải thi tuyển công khai chứ không bổ nhiệm như hiện nay.
Công chức nếu không làm được việc thì phải nghỉ chứ không thể chỉ có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống, lên rồi không làm được việc lại bố trí vòng quanh làm đội ngũ hưởng lương từ ngân sách quá cồng kềnh như hiện nay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Không phấn đấu sẽ bị đào thải
Việc chuyển công chức, viên chức sang dạng hợp đồng. Như vậy, trong trường hợp người lao động không đáp ứng được nhu cầu công việc thì người sử dụng lao động có thể cho thôi hợp đồng đối với người lao động.
Nếu chúng ta cứ thực hiện “biên chế suốt đời” đối với người lao động, trong khi người được biên chế không làm được việc vẫn phải phân công nhiệm vụ thì rất bất cập.
Thậm chí, người sử dụng lao động có muốn cho thôi việc người không làm được việc cũng là điều rất khó khăn. Việc chuyển hình thức “công chức suốt đời” sang dạng hợp đồng là cách làm hay.
Cái hay của đề xuất này nằm ở chỗ, đây là giải pháp để làm cho tất cả người lao động phải phấn đấu nâng cao chất lượng, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ trong công việc. Sau này có vấn đề gì trong quá trình làm việc thì cứ chiếu theo hợp đồng lao động mà xử lý”.
Điều này đòi hỏi viên chức ấy phải nỗ lực thực sự để không bị loại khỏi guồng máy.Tuy nhiên, cũng phải có những quy định rõ ràng, công khai minh bạch, không để người đứng đầu duy tình, có thể không ký lại hợp đồng dù đó là viên chức được việc.
Có thể nói, việc bỏ viên chức suốt đời thậm chí là tiến tới với công chức và thay bằng chế độ hợp đồng quan trọng phải gắn liền với việc khoán chất lượng một cách thực chất, có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng cán bộ.