Hiện nay, không ít quý ông vẫn rỉ tai nhau các mẹo tăng cường sức khỏe trong đời sống vợ chồng bằng cách uống các loại rượu thuốc, rượu ngâm. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp thực tế đã chứng minh, hậu quả mà những loại rượu không rõ nguồn gốc đem lại là vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An, khoảng 18h ngày 26/10, ông P.V.H. (64 tuổi, trú ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP Tân An, tỉnh Long An) sang chơi nhà ông N.V.L. (68 tuổi, trú cùng ấp), sau đó 2 người đem rượu thuốc tự ngâm ra uống. Ông L. lấy chai rót chừng 3 xị rượu trong bình ngâm với một số cây thuốc. Tan cuộc, ông H. trở về nhà, còn ông L. đi ngủ. Đến trưa hôm sau, ông L. có dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc định đưa cấp cứu nhưng đã tử vong tại nhà.
Ngay hôm sau, ông H. bắt đầu có triệu chứng nôn, khó thở, huyết áp tuột nên gia đình đưa đi Bệnh viện đa khoa Long An cấp cứu. Ngay sau đó, ông H. được xét nghiệm, chẩn đoán bị nhiễm độc nặng.
Một ví dụ cụ thể khác, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận 2 bệnh nhân trong một gia đình bị ngộ độc do uống nhầm rượu ngâm củ ấu tàu. Sau một giờ, bệnh nhân có các biểu hiện như nôn nhiều, tê lưỡi… Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán là bị ngộ độc aconitin với tình trạng rối loạn nhịp tim nặng.
Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận hai bệnh nhân cứu trong tình trạng tổn thương não do uống rượu rễ cây để điều trị xương khớp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng hơn 10%…
Bác sĩ Phạm Minh Ngọc - chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Thực tế, rất nhiều nam giới tìm mua những bài thuốc, loại rượu được quảng cáo tràn lan trên mạng, không có nguồn gốc rõ ràng, không theo đơn của bác sĩ Y học cổ truyền dẫn đến dùng sai cách, vừa không có tác dụng, vừa có hại cho cơ thể. Ngoài các loại rượu ngâm từ thảo mộc, nhiều người thường có thói quen dùng rượu ngâm có nguồn gốc từ động vật với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể như: tắc kè, rắn, cá ngựa, bìm bịp, hải mã, hải sâm,… Tuy nhiên, hiệu quả trong việc tăng cường sinh lý, bản lĩnh đàn ông của các loại rượu ngâm có nguồn gốc động vật vẫn chưa được kiểm chứng và chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh”.
Bác sĩ Ngọc phân tích thêm: “Lợi ích của các loại rượu ngâm động vật vẫn chưa thấy rõ nhưng trước mắt việc sử dụng rượu đã đem lại nhiều nguy cơ. Rượu thuốc nếu uống vô tội vạ thì sẽ gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột. Đặc biệt với các loại rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn… từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc. Thậm chí nhiều người cho rằng ngâm nhiều loại động vật chung với nhau sẽ càng phát huy tác dụng. Điều này là phi khoa học, tiềm ẩn nguy cơ và có thể gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, một số loài động vật cũng cần được sơ chế, loại bỏ các thành phần gây độc trước khi ngâm”.
Theo chuyên gia y tế, việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có sự chỉ định của các bác sĩ đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp…, thậm chí dẫn đến tử vong.
Rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố. Đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Người dân tuyệt đối không được dùng rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) không rõ nguồn gốc để ngâm. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu ngâm với rễ hay củ cây rừng, cần nhanh chóng gây nôn cho bệnh nhân, sau đó khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu. Gia đình tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị.
Theo các nghiên cứu hiện đại, các vị thuốc trên chứa nhiều chất hữu ích như các axít hữu cơ, anthraglucoside, phytosterol, tinh dầu, vitamin C, L-Arginin, flavonoid, saponosid, phytosterol, axít béo, vitamin E. Những chất này giúp kích thích sản xuất hormone sinh dục, tăng lưu lượng máu, cải thiện chức năng tình dục. Ngoài tán bột mịn, hoàn viên, sắc thuốc, thì ngâm rượu cũng là một trong những phương pháp chế biến các vị thuốc kể trên. Tuy nhiên, nam giới muốn dùng các loại dược liệu trên để phòng và trị bệnh, nâng cao sinh lý thì cần phải sử dụng các vị thuốc đã được chế biến đúng cách. Đặc biệt, nam giới cần phải uống theo đơn của bác sĩ Y học cổ truyền bởi nếu dùng quá liều sẽ không tốt cho sức khoẻ.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà rất phổ biến. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, dù là thảo dược nhưng cũng là thuốc bởi trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết được. Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.