Ít nhất 7 ngôi làng đã chìm dưới nước, nhiều người bị chết và mất tích sau khi đập thủy điện Xepian - Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu của Lào bị vỡ.
Từng là biểu tượng uy dũng của con người trước thiên nhiên, nhưng nhiều thập kỉ gần đây, trước các nghiên cứu và đánh giá toàn diện, các nhà khoa học đã chỉ ra những tác hại to lớn của thuỷ điện. Và lần này, hiểm hoạ về nguy cơ vỡ đập thuỷ điện đã không còn phải hình dung nữa. Nó đã trở thành thảm hoạ thực sự.
Trước khi xảy ra thảm hoạ tại một trong năm đập phụ tại Dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào bị vỡ tối 23/7, cần phải nhớ rằng Dự án xây đập Xe Pian-Xe Namnoy có giá trị hơn một tỷ USD, từng được coi là một niềm kiêu hãnh, một phần trong chiến lược xây hàng loạt nhà máy thủy điện của Lào để thực hiện ý tưởng trở thành “ắc quy của châu Á”.
Một chiến lược phát triển nhằm tận dụng lợi thế của các dòng sông, khi mà đất nước Lào là một trong những quốc gia Đông Nam Á có tài nguyên thuỷ điện dồi dào nhất. Thủy điện được coi là giải pháp cung cấp năng lượng giá rẻ ở Lào. Hiện tại, quốc gia này đang có 10 đập thủy điện được đưa vào vận hành, gần 20 công trình khác đang được xây dựng và hàng chục dự án đang được hoạch định.
Tuy nhiên, ròng rã trong nhiều năm qua, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã nhiều lần lên tiếng về các dự án thủy điện của Lào trên sông Mekong, đặc biệt là khi Lào triển khai Dự án thủy điện Xayaburi, với cảnh báo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy của nước, hoạt động của các loài cá và phù sa xuống hạ lưu, đe dọa sinh kế hàng chục triệu người sống dọc dòng sông.
Một báo cáo của Ủy hội Sông Mekong từng cho biết các dự án thủy điện trên dòng sông này làm sụt giảm sản lượng lúa, số lượng cá và phù sa ở vùng hạ nguồn, nơi các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam đóng góp khoảng 15% sản lượng lúa gạo toàn cầu.
Ngoài tác động về môi trường do các con đập thủy điện gây ra, các nhà hoạt động môi trường cũng đã từng lo ngại về mức độ an toàn của các dự án ngăn dòng chảy này. Trong nhiều năm qua, các nhóm hoạt động như Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã cảnh báo rằng các con đập ở Lào có thể không chống chịu được với các điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt…
Nhưng thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện ở Lào lần này cũng không chỉ là vấn đề của quốc gia này. Một sự cảnh báo cần phải được đặt ra nghiêm khắc hơn nữa trên toàn thế giới, và càng cần thiết đối với Việt Nam. Trong một xu hướng càng ngày nhận thức của các quốc gia về lợi ích và tác hại của các đập nước nói chung và đập thuỷ điện nói riêng càng rõ rệt. Ở nhiều nước trên thế giới người ta đã thực hiện các chiến dịch gỡ bỏ các đập nước.
Cụ thể nước Mỹ đã gỡ bỏ hơn 1.300 đập nước trong hơn 100 năm qua. Trong đó, Đập Elwha cao 33m và đập Glines Canyon cao 64m – hai trong số những đập thuỷ điện cao nhất của nước Mỹ (được xây dựng vào đầu những năm 1900, trên sông Elwha phía Tây Bắc bang Washington) đã được hoàn thành việc gỡ bỏ vào năm 2014, giải thoát cho hơn 10 triệu m3 trầm tích được lưu trữ tại hồ chứa của hai đập.
Từ năm 1996 đến năm 1998, nước Pháp tiến hành gỡ bỏ 3 đập lớn là: Kernansquillec (cao 15m, trên sông Léguer), đập Maison-Rouges (cao 4 m, dài 300m, trên nhánh sông Vienne) và đập Saint-Etienne-du-Vigan (cao 12m, trên nhánh Allier của sông Loire). Năm 2003, nước Pháp tiếp tục gỡ bỏ đập Brives Charensac cao 5m ở thượng nguồn sông Loire; gỡ bỏ đập tại Blois trên dòng Loire cao 2,5 m, dài 150m. Năm 2006, gỡ bỏ 20 công trình chắn nước nhỏ trên sông Couasnon. Năm 2007, gỡ bỏ đập thuỷ điện Fatou (cao 7m) ở thượng nguồn sông Loire…
Dẫn ra những hành động ở các quốc gia phát triển nhất thế giới để thấy đối với thế giới, thuỷ điện có lẽ chỉ là biểu tượng của những năm đầu thế kỷ 20 và đến ngày nay, người ta đã đủ hình dung về những hiểm hoạ của nó đối với môi trường sống, để bắt buộc phải trả những chi phí rất tốn kém cho việc gỡ bỏ. Theo đánh giá của các nhà khoa học, ở tất cả những nơi đã được gỡ bỏ đập, sự sống của các dòng sông đã hồi sinh.
Tất nhiên, để thay đổi nhận thức cũng không phải là việc dễ, cũng như không thể phủ nhận rằng trong nhiều thập kỷ, các đập thuỷ điện đã sinh ra năng lượng cho thế giới như thế nào. Nhất là đối với Việt Nam và một số quốc gia khác, thuỷ điện vẫn là nguồn năng lượng chính yếu nhất. Vào khoảng thập niên 1980, thế giới cũng đã có nhiều tranh cãi về việc có nên gỡ bỏ các đập thuỷ điện hay không. Và đến nay, không còn nghi ngờ gì nữa việc gỡ bỏ các đập nước đã trở thành xu thế.
Có một thông điệp đang được lan truyền rộng rãi: “Những con đập – không phải là mãi mãi. Hãy mang những dòng sông trở về!”
Hàng ngàn con đập trên sông đã được gỡ bỏ tại Mỹ, châu Âu và những thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện đã hiện hữu đang là bài học về hệ lụỵ phát triển ồ ạt thuỷ điện đối với những quốc gia đang phát triển – những nơi vẫn đang lên kế hoạch tiếp tục xây thêm nhiều đập thuỷ điện mới.
Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông được thông qua vào tháng 3/1997 tại Curitiba, Brazil trong Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Con người bị ảnh hưởng bởi các con đập. Đại diện từ 20 quốc gia đã quyết định Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông sẽ diễn ra vào ngày 14-3, ngày mà đất nước Brazil hành động chống lại các con đập lớn.
Không phải chỉ đến bây giờ, đứng trước thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện ở Lào, mà đã từ lâu các nhà khoa học Việt Nam đã cảnh báo nguy cơ vỡ đập lớn chứa nước của các thủy điện. Hãy thử hình dung những đập chứa nước khổng lồ ở trên những độ cao lớn mà vỡ…
Bài học từ những thảm hoạ không bao giờ là thừa, để từ đó chuyển hướng sang các giải pháp năng lượng mới.