Cầu phao Cẩm Vân thuộc huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), có bề rộng chừng 4 m, dài 240 m được nối bởi hơn 14 nhịp phao đã xuống cấp nghiêm trọng. Dẫu vậy, hàng trăm người dân vẫn bất chấp nguy hiểm để qua lại.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, do nhu cầu giao thương buôn bán, đi lại giữa người xã Cẩm Vân sang xã Cẩm Tân và đường QL217 khá cấp thiết nên chính quyền đã cho xây dựng bến phà Cẩm Vân. Trải qua một thời gian vận hành, đến khoảng năm 1990, UBND huyện Cẩm Thủy đã xây dựng cầu phao Cẩm Vân bắc qua sông Mã để thuận tiện hơn cho việc đi lại của người dân xã Cẩm Vân với 7 xã phía Nam huyện Cẩm Thủy.
Trải qua hàng chục năm sử dụng, đến nay, câu cầu được nối bởi hơn 14 nhịp phao đã xuống cấp một cách nghiêm trọng. Các trụ cầu hầu hết là thuyền phao sắt và thuyền bê tông. Phần mặt cầu là những thanh gỗ được ghép lại, đan xen là những tấm thép. Hiện nay, phần mặt cầu đã xuất hiện tình trạng nhiều tấm gỗ bị gãy hoặc bị rút đi khiến nhiều đoạn cầu bị thủng. Khi đi qua cầu, cảm nhận rõ nhất là sự rung lắc như đang phải đối mặt với những trận động đất mạnh.
Hai bên cầu không hề có lan can hay tay vịn. Dẫu biết là cầu phao thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng do đây là con đường ngắn nhất để nối ra đường lớn nên mỗi ngày có trên 300 học sinh khu vực Cẩm Yên, Cẩm Vân và hơn 500 lao động địa phương phải qua cầu để đi học tại trường THPT Cẩm Thủy 2 và làm việc tại các nhà máy may khu vực huyện Vĩnh Lộc.
Đối với nhiều hộ dân ở các thôn Tiên Lăng, thôn Đồi Trông, thôn Quan Phác, họ phải qua sông để canh tác trên diện tích 100 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực phía Bắc sông Mã. Được biết, nếu không lựa chọn qua cầu, người dân, học sinh muốn lên trung tâm huyện Cẩm Thủy hoặc đi xuống huyện Yên Định thì phải đi con đường khác cách đến 30 - 40 km.
Đến mùa mưa lũ, tình trạng còn trở nên khó khăn hơn khi phải cắt cầu, ngừng sử dụng tránh tình trạng nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông. Không có cầu, người dân buộc phải dùng thuyền để qua sông. Trong 10 năm trở lại đây, đã có khoảng 10 vụ tai nạn giao thông gây thương tích hoặc chết người trên cây cầu phao “tử thần” này.
Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Vân cho biết: Một năm có 4 tháng bà con phải đi đường đò, 1 tháng thì không vận hành được do lũ lên cao. Tại cầu phao này đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm gây chết người.
Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân nói: “Mỗi năm xã phải bỏ ra gần 100 triệu đồng để bảo dưỡng, duy tu, tránh sự xuống cấp cho cây cầu. Về nguyện vọng, xã cũng đề đạt lên huyện, huyện cũng đã kiến nghị lên tỉnh, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng một cây cầu mới nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Nghệ An: Nguy hiểm khi qua cầu sụt mố
Hơn 1 năm nay, sau khi chiếc cầu độc đạo bị lũ đánh sập một phần, hơn 200 hộ dân với hơn 8.000 nhân khẩu xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), hàng ngày phải thấp thỏm đi qua chiếc cầu sụt mố, nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu. Theo phản ánh của người dân, vào mùa mưa năm ngoái, cây cầu Giằng Xay bắc qua khe, nằm trên tuyến đường độc đạo đi vào thôn bị nước lũ đánh sập một phần mố khiến người dân ám ảnh khi lưu thông. Hiện mặt cầu bị nghiêng, nguy cơ cầu sập bất cứ lúc nào, nhất là khi có mưa to. Lo nhất là những em học sinh hàng ngày đến trường phải đi cầu này.
Ông Nguyễn Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành cho biết: Cây cầu được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Hiện tại, để tránh tai nạn cho người và phương tiện mỗi khi lưu thông qua đây, xã tiến hành cắm biển cấm các loại xe ô tô qua lại trên cầu. Cũng theo ông Phong, hiện xã cũng đã gửi tờ trình lên huyện để xin phương án bố trí nguồn vốn, đầu tư xây dựng mới cây cầu này.
Điền Bắc