Hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những hàng quán bán rong trước cổng trường tiếp tục gióng lên khi gần đây xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến “kẹo lạ”. Thậm chí cổng trường còn tiềm ẩn nhiều mối nguy như thuốc lá điện tử trá hình, hay nguy cơ bắt cóc khi người lạ dụ dỗ học sinh…
Thời gian vừa qua, không ít vụ việc học sinh bị ngộ độc do ăn kẹo mua ở cổng trường hay đồ ăn không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến phụ huynh lo lắng.
Chiều 8/12, tại Quảng Ngãi ghi nhận gần 30 học sinh Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn sau khi ăn một loại thực phẩm như thạch được một người lạ mang cho.
Trước đó, ngày 29/11, phòng y tế Trường THCS Nguyễn Quý Đức (Hà Nội) tiếp nhận 11 học sinh bị đau đầu, buồn nôn khoảng 45 phút sau khi ăn cùng một loại kẹo lạ có bao bì in chữ nước ngoài được mua ở ngoài trường.
Tại Quảng Ninh, ngày 27/11, tình trạng tương tự xảy ra với 29 học sinh Trường THCS-THPT Hoành Mô sau khi các em ăn cùng một loại kẹo mua ở gần cổng trường học.
Chị Lương Tuyết Nhung (38 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), có con đang học lớp 6 vô cùng lo lắng khi biết thông tin học sinh tại nhiều tỉnh thành bị ngộ độc do ăn phải kẹo mua trước cổng trường. Dù liên tục nhắc con không được ăn bất kỳ loại bánh kẹo nào ở cổng trường nhưng chị vẫn không yên tâm, lo sợ con ăn phải “kẹo lạ” có chứa chất độc hại, thậm chí chất gây nghiện.
Lo lắng của chị Nhung cũng là nỗi bất an chung của các bậc phụ huynh khác, khi xung quanh cổng trường nhiều năm qua vẫn luôn xuất hiện tràn lan các hàng quán bán các loại quà vặt cho học sinh. Các loại đồ ăn này khá phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ, như: Nem tôm thịt hổ, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga…
Phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất “vừa túi tiền” với học sinh, chỉ 2.000 - 10.000 đồng mỗi loại.
Giá rẻ, học sinh mua đông, trong khi đó người bán mập mờ về nguồn gốc sản phẩm thì không khó để những thực phẩm không rõ nguồn gốc thâm nhập và tiếp cận với học sinh, nếu sử dụng nhiều lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các em.
Mặc dù các ngành chức năng và nhà trường đã liên tục cảnh báo về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều trường học cấm học sinh ăn quà vặt và coi đây là một trong những tiêu chí xét thành tích thi đua của từng lớp, thế nhưng việc dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải.
Sau mỗi lần xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn đồ ngoài cổng trường, biện pháp trước mắt mà các cơ quan chức năng thực hiện sẽ là kiểm tra các hàng quán ven trường, tịch thu một loạt sản phẩm đồ ăn, thức uống, rồi nhắc nhở, xử phạt hoặc yêu cầu cam kết không bán hàng hóa không rõ nguồn gốc…
Các sở giáo dục và nhà trường sẽ cảnh báo tới phụ huynh, giáo viên dặn dò học sinh trên lớp. Tuy nhiên các động thái xử lý vụ việc này chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề. Với những biện pháp như vậy thì chỉ một thời gian sau sự việc sẽ rơi vào quên lãng cho đến khi xảy ra vụ việc tiếp theo.
Rình rập học sinh ngoài cổng trường không chỉ có hiểm họa đồ ăn vặt độc hại, mà còn có thuốc lá điện tử, nguy hiểm hơn đã xuất hiện trường hợp đối tượng xấu dụ dỗ học sinh hút thuốc lá hay cho tiền rủ các em “đi chơi”.
Thuốc lá điện tử hiện nay xuất hiện nhiều mẫu mã mới, ẩn danh sau những thứ đồ chơi ngộ nghĩnh. Một số phụ huynh cũng rất hoảng sợ khi phát hiện con mình có các món đồ trông giống hộp sữa, lego, thỏi son nhưng thực chất là thuốc lá điện tử trá hình.
Phát hiện đã khó nay còn xuất hiện thêm tình trạng kẻ xấu “châm ngòi” cho học sinh hút thuốc lá điện tử.
Hồi tháng 3, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã từng phát cảnh báo có nội dung: “Kẻ xấu tại Hà Nội dụ học sinh hút thuốc lá điện tử, rủ thêm người hút sẽ được tặng tiền”. Cảnh báo được đưa ra sau khi có 5 đối tượng nữ mang thuốc lá điện tử dụ học sinh tiểu học sử dụng ở công viên.
Nguy hiểm có lẽ vẫn luôn cận kề bên học sinh khi ngày 21 và 22/11, tại cổng Trường Tiểu học Kim Đồng (Lâm Đồng) xuất hiện một nhóm thiếu niên lạ mặt khoảng 13 - 14 cho tiền học sinh và dụ dỗ “đi chơi” cùng. Có ít nhất 21 học sinh lớp 4 và lớp 5 được cho tổng số tiền gần 800.000 đồng. Ngay sau đó nhà trường và công an khu vực đã cảnh báo học sinh và phụ huynh về nguy cơ học sinh bị lừa đảo, bắt cóc, mua bán người, hiếp dâm…
Trước thực trạng đó, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) phân tích và đưa ra lời khuyên: “Có những kẽ hở trong khi đón trả trẻ buổi chiều. Thời điểm đó là khoảng thời gian trẻ không được ai để mắt nên cách tốt nhất là phải trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống bắt cóc, ứng xử với người lạ, với những đồ ăn mà người lạ cho.
Những tình huống này phải được đưa vào thực hành trong những tình huống giả định ở trên lớp, hay bố mẹ có thể dạy để hình thành kỹ năng và ứng xử tự động với những nguy cơ có thể xảy ra ở trước cổng trường học”.
Có thể thấy những hiểm họa rình chờ học sinh ngoài cổng trường vẫn luôn thường trực và ngày càng xuất hiện nhiều, dù là lén lút hay công khai. Nhưng một trong những biện pháp mà nhà trường và phụ huynh có thể làm vẫn chỉ xoay xung quanh những lời dặn dò, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh báo, cấm đoán.
Ngay cả việc như kiểm tra các cơ sở kinh doanh, tịch thu đồ ăn không rõ nguồn gốc và thuốc lá điện của các cơ quan chức năng cũng chỉ là biện pháp giải quyết phần “ngọn”.
Nguyên nhân những hiểm họa này vẫn tồn tại dai dẳng còn do nhiều yếu tố, từ pháp luật chưa đủ mạnh cho đến con người chưa đủ trách nhiệm.
Vì vậy, để cổng trường thật sự là nơi an toàn với các em học sinh, sự liên kết giữa nhà trường, phụ huynh cần chặt chẽ hơn bao giờ hết để tạo hàng rào bảo vệ cho các em.
Đặc biệt, cần sự vào cuộc quyết liệt của công an, chính quyền địa phương để ngăn chặn những hiểm họa trước cổng trường.