Do thói quen muốn mua nhanh, nhiều, rẻ…, không ít người tiêu dùng đã mua phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, dẫn đến tình trạng tiền mất - tật mang.
Ngộ độc rượu, nguy cơ tử vong cao
Cứ vào dịp cuối năm, giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ rượu, thực phẩm lại tăng cao, bởi đây là thời điểm tổ chức những bữa tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết, tất niên... Kéo theo đó, số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng rượu, thực phẩm kém chất lượng cũng gia tăng. Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian giáp Tết gần như ngày nào cũng có những bệnh nhân phải cấp cứu do ngộ độc rượu. Không ít những bệnh nhân trong số đó là người trẻ tuổi, rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Các bệnh nhân đến viện thường ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian dài. Các lý do vào viện nhẹ nhất là nôn mửa hoặc nặng hơn cũng là lơ mơ, lẫn lộn, kích thích, thậm chí là hôn mê, hôn mê sâu.
Dẫn chứng một vụ việc xảy ra vào dịp Tết năm trước, BS Nguyên cho hay, vụ việc tại Thái Bình là vụ nghiêm trọng nhất. Trong bữa tiệc gặp mặt đầu xuân, 7 người đã cùng uống một loại rượu và bị ngộ độc, kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy có tới 58% là methanol (cồn công nghiệp), chỉ có 1% là ethanol (cồn sinh học). Trường hợp nhập viện đầu tiên nhiễm toan chuyển hóa nặng, không đo được chỉ số, nồng độ methanol trong máu tới 234 mg/dl. Bệnh nhân hôn mê, phải lọc máu liên tục. 4 người cùng uống trong bữa tiệc này đến viện xét nghiệm thì 2 người có kết quả nồng độ methanol khá cao.
Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Có một đặc điểm chung, các bệnh nhân hay uống rượu, mua rượu nhưng lại ít có thói quen truy xuất nguồn gốc rượu. Do đó, đa phần những ca ngộ độc rượu là do mua phải rượu rởm, rượu pha cồn công nghiệp rao bán trên mạng, hoặc qua giới thiệu từ người quen.
Ngoài nguy cơ ngộ độc rượu cấp, BS Nguyên cảnh báo, uống nhiều rượu, bia dễ mắc viêm tụy. Trong khi đó, viêm tụy vì rượu bia ít được phát hiện sớm, người bệnh đau vùng thượng vị sẽ lầm tưởng là đau dạ dày. Sau khi điều trị, sẽ trở thành viêm tụy mãn, còn thể nặng điều trị rất tốn kém, còn có những trường hợp tụy không phục hồi dẫn đến tử vong. Không chỉ giảm tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà chi phí điều trị cho các bệnh liên quan đến rượu bia rất tốn kém.
Cảnh giác với thực phẩm bán online
Còn khoảng 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thị trường thực phẩm cuối năm rao bán trên mạng đã sôi động. Trong đó bao gồm cả hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, và thực phẩm được quảng cáo là “nhà làm”. Trên thực tế, các thực phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Hầu hết các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần cũng như nguồn gốc nguyên liệu. Dẫu thế, đa số người bán đồ ăn đều cam kết đảm bảo về chất lượng.
Các loại thực phẩm bán trên mạng, nhất là thức ăn chế biến sẵn, món nhà làm đang bị thả nổi về chất lượng. Hình thức kinh doanh đồ ăn online nhỏ lẻ thường không có giấy phép, không chứng nhận an toàn thực phẩm, không địa chỉ chính xác, chỉ làm theo mùa vụ hoặc rao bán qua trung gian. Do đó, việc mua bán thực phẩm “nhà làm” trên chợ online khá tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều đáng nói là giờ đây, nhiều bà nội trợ lại ưa chuộng mua hàng online do tiện lợi, ship đến tận nơi mới thanh toán. Nhận thấy “cầu” lớn, nên “cung” rất nhạy bén. Nhất là dịp cuối năm cận Tết, thói quen mua sắm, tích trữ hàng hóa tăng vọt, nên những chủ kinh doanh nhân cơ hội nhập các loại thực phẩm về rao bán số lượng lớn, giá rẻ qua mạng kiếm lời.
TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo, người tiêu dùng cẩn trọng đối với các sản phẩm “handmade” bán tràn lan trên mạng. Bởi các thực phẩm này sẽ có rất nhiều vấn đề như chất phụ gia, nấm mốc, nhiễm khuẩn... Nguy hiểm nhất là các sản phẩm được giới thiệu “của nhà làm” không thể kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, mỗi người tiêu dùng cần cẩn trọng với việc mua hàng trên mạng. Tốt nhất hãy chọn mua thực phẩm ở nơi có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng. Ngoài ra cần tránh tâm lý tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh, vì khi để lâu sản phẩm có nguy cơ hỏng, mang độc tố gây chết người như Botulinum.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 9/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 381 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong. Tính chung 9 tháng của năm 2023, cả nước xảy ra 80 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.356 người bị ngộ độc, trong đó có 15 người tử vong.