Sức khỏe

Hiểm họa từ thuốc “xách tay”

Đ.Trân - M.Quang 20/01/2024 08:02

Thời gian qua, không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi tự ý dùng thuốc hoặc hóa chất "xách tay". Theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế, việc dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc bị làm giả rất nguy hại tới tính mạng người sử dụng.

cover.png
Người tiêu dùng cần đến các cơ sở uy tín để mua thuốc nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nguồn: Internet.

Mới đây, người phụ nữ 64 tuổi ở Phú Thọ nhập viện sau 3 ngày uống thuốc giảm đau được mua ở nước ngoài, không có tem phụ. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và chấn thương sọ não cũ do tai nạn giao thông, không có di chứng. Trước khi vào viện 5 ngày, người bệnh bị đau tay nên đã tự uống 1 loại thuốc giảm đau mua ở nước ngoài (bệnh nhân thấy chồng uống thuốc này đỡ đau nên đã tự uống), mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần.

Tiền mất, tật mang

Sau uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Sau 5 ngày tự theo dõi ở nhà nhưng không đỡ, người bệnh đã đến bệnh viện tỉnh khám. Lúc vào viện, người bệnh tỉnh, đau bụng thượng vị, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt...

Sau khi có kết quả nội soi tiêu hóa, người bệnh được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày, loét hành tá tràng. Sau đó, bệnh nhân được điều trị thở ô xy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày.

Qua 6 ngày điều trị, người bệnh hết đau bụng, không còn hoa mắt, chóng mặt, các chỉ số xét nghiệm máu trở về bình thường. Người bệnh được ra viện, tiếp tục dùng thuốc tại nhà theo đơn của bác sĩ và được tư vấn chế độ sinh hoạt sau điều trị xuất huyết tiêu hóa.

BS Bùi Mạnh Cường - Trưởng khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, hành tá tràng là tình trạng máu chảy từ lòng mạch vào trong ống tiêu hóa, người bệnh có biểu hiện nôn ra máu... Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.

Nhiều bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi nên chủ quan không đến bệnh viện thăm khám, đến khi chóng mặt, hoa mắt, ngất mới đến bệnh viện, thậm chí có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng sốc mất máu ảnh hưởng tới tính mạng. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của bệnh lý này 10 - 20%. Vì vậy, cần phải chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử trí, cấp cứu kịp thời.

Theo BS Cường, nhiều loại thuốc xương khớp của nước ngoài mà người dân hay mua trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steorid, ngoài tác dụng chống viêm, giảm đau sẽ ảnh hưởng tới dạ dày gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Do đó, người dân khi thấy có những triệu chứng bệnh, bị đau, ốm, mệt mỏi… thì nên đến bệnh viện khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc điều trị bệnh để tránh tiền mất, tật mang.

Đáng lưu ý, Bệnh viện Bạch Mai hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc hóa chất do tiếp xúc qua da hoặc đường uống. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ca ngộ độc này chủ yếu là hóa chất có nguồn gốc nước ngoài, bên ngoài không có tiếng Việt mà hầu hết là tiếng nước ngoài. “Thậm chí khi dịch ra tiếng Việt, các bác sĩ vẫn không rõ bên trong hóa chất này chính xác chứa chất gì để có phác đồ điều trị phù hợp nhất” - BS Nguyên cho hay.

Một trường hợp cụ thể, nam bệnh nhân N.V.S. (51 tuổi, trú tại Hà Nội). Bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch sau khi uống hóa chất có nhãn dán tẩy xi măng, vôi, cặn bề mặt trong xây dựng. Bệnh nhân bị tổn thương nặng dạ dày, thực quản bị hoại tử. Người nhà bệnh nhân mang can hóa chất này lên, nhưng trên bao bì đều không có bất kỳ thông tin gì về thành phần hóa chất. Điều đó khiến việc xác định chất gây ngộ độc ban đầu khó khăn.

Theo BS Nguyên, hiện nay nhiều người lựa chọn các loại hóa chất gia dụng là hàng “xách tay” hoặc trôi nổi, sản phẩm không có thành phần, khuyến cáo hoặc chỉ có tiếng nước ngoài. Nhiều người sử dụng nhầm dẫn tới ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.

13-a1.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân ngộ độc thuốc. Ảnh: Phương Thúy.

Thuốc giả núp bóng “hàng xách tay”

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi mua “hàng xách tay” giá rẻ cần phải nghi ngờ bởi rất có thể đó là thuốc giả, hàng nhái. Đơn cử, trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện trên thị trường có một số thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất, bao gồm các loại thuốc dạng viên nén có tên: Cefuroxim 500mg; Cefodoxim 200mg; Cefixin 200mg; Cefixim 100mg; Esomeprazol 40mg; Fluconazol 150mg mang nhãn mác do Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Rotex Việt Nam. Qua rà soát, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, không có Công ty TNHH Rotex Việt Nam có trụ sở tại Khu đô thị Hùng Vương, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cục Quản lý dược khẳng định, chưa cấp bất kỳ giấy đăng ký lưu hành thuốc nào cho Công ty TNHH Rotex Việt Nam và chưa cấp giấy đăng ký lưu hành cho các sản phẩm thuốc viên nén, viên nang do công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất.

Do vậy, tất cả thuốc viên nén, viên nang nhãn mác Công ty Rotexmedica GmbH, địa chỉ: Bunsenstrasse 4 - D - 22946 Trittau, Germany sản xuất và các thuốc do Công ty TNHH Rotex Việt Nam nhập khẩu, phân phối trên thị trường là thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất.

Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe.

Thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm tới sức khỏe của người sử dụng thuốc. Người dân, nên mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng được quảng cáo sản xuất tại các quốc gia phát triển, vì các loại thuốc này chưa được các cơ quan quản lý kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.

Không tự đoán bệnh - mua thuốc

BS Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa MEDLATEC) cho biết, hiện nay, thực trạng nhiều người có triệu chứng đau ốm tự đoán bệnh và tự điều trị tại nhà rất phổ biến. Hoặc các trường hợp khác hỏi ý kiến những người không có chuyên môn hay dược sĩ tại hiệu thuốc thay vì đi khám ở các cơ sở y tế. Nhiều người không có kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm y khoa có thói quen “tự làm bác sĩ”. Từ đó, gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Khi không xác định đúng, bệnh vẫn tồn tại và tiến triển trong cơ thể. Đến khi phát hiện, bệnh đã chuyển giai đoạn cấp tính và mạn tính, gây khó khăn trong điều trị, thậm chí đe dọa tính mạng cơ thể. Có thể kể đến bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, người bệnh thấy hết sốt nghĩ rằng đã khỏi bệnh mà không đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm theo dõi tiểu cầu. Trường hợp tiểu cầu giảm mạnh nhưng không được can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, BS Tùng cho biết việc tự ý dùng thuốc có thể bỏ lỡ giai đoạn “vàng” để điều trị bệnh. Ví dụ, bệnh lý viêm tấy quanh Amidan nếu không chữa trị ngay có thể hình thành ổ áp xe phải chích rạch, muộn hơn có thể gây ra nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc, các bệnh lý ung thư được phát hiện sớm sẽ dễ dàng điều trị và kéo dài cơ hội sống hơn khi nhận biết ở giai đoạn muộn.

Đồng thời, tự đoán bệnh và tự ý mua thuốc khi không có đơn chỉ định của bác sĩ dẫn tới việc điều trị không hiệu quả. Đặc biệt, việc dùng sai thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Điển hình như vấn đề đáng được quan tâm trong ngành y hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh do lạm dụng dùng kháng sinh bừa bãi, gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.

Hàng lậu núp bóng hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Nghị định 98/2020 do Chính phủ ban hành quy định mức phạt thấp nhất là 500 - 1 triệu đồng áp dụng với giá trị hàng hóa dưới 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng sẽ chịu mức phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… thì phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng). Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

bs-nguyen-huy-hoang.jpg

BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng cho biết, dùng phải thuốc giả rất nguy hiểm, vì người bệnh không chữa được bệnh và không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả, có thể làm gia tăng độc tính cho cơ thể. Người dùng thậm chí có khả năng bị ngộ độc do trong thuốc giả có thể chứa nhiều thành phần kém chất lượng, kém tinh khiết, thậm chí tồn tại dư lượng các chất cấm, các kim loại nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm họa từ thuốc “xách tay”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO