Thực tế, không ít người dân chỉ nhập viện khi bệnh đã nặng, thậm chí là không còn khả năng cứu chữa.
PGS. TS. BS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở thời điểm hiện tại, có khoảng 1/3 các loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, thế nhưng, một thực tế đáng buồn là 70% trường hợp tới viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn.
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân T.T.H. (nữ, 46 tuổi) đang điều trị ung thư vú thể viêm tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Trước đó, tháng 3/2021, chị T. tự kiểm tra thấy khối u vú bên phải, không đau, không sưng có tiến triển kích thước to dần. Đáng nói, mặc dù có biểu hiện như trên nhưng bệnh nhân trì hoãn tới tháng 12/2021 mới tới Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám.
“Bệnh nhân trong ca lâm sàng này đã phát hiện u vú từ thời điểm tháng 3/2021. Khối u vú phát triển nhanh sau 4 tháng với biểu hiện điển hình của ung thư vú thể viêm, điều trị kháng sinh không đỡ. Do bệnh nhân không được tiếp cận và điều trị ở ngay thời điểm này, bệnh nhân đến viện khi đã xuất hiện ung thư vú thể viêm đa ổ, di căn hạch nách, chưa di căn xa. Người bệnh được hội chẩn tiểu ban vú, tiến hành điều trị đa mô thức, trước tiên là điều trị hóa chất tân bổ trợ. Sau một chu kỳ hóa chất, bệnh nhân ổn định” - bác sĩ Phương cho biết.
“Các bệnh nhân tới khám tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chủ yếu gặp những bệnh lý về ung thư gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày, vú… Gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tăng lên nhưng cũng đáng buồn hơn khi có nhiều người đã ở giai đoạn muộn, khối u kích thước lớn và đã di căn hạch, di căn não, di căn xương, di căn phổi, di căn gan. Chúng tôi cũng ghi nhận trường hợp bệnh nhân ở Hà Nội xuất hiện ợ hơi, ợ chua khoảng 1 năm nay, nhưng không đi thăm khám. Gần đây đau bụng tăng lên kèm bụng chướng, bác mới đi khám và đã được chẩn đoán ung thư dạ dày di căn hạch ổ bụng, di căn phúc mạc. Trường hợp này chỉ được điều trị bằng hóa chất mà không còn cơ hội để điều trị phẫu thuật cắt đoạn dạ dày và vét hạch, nghĩa là không còn cơ hội điều trị triệt để căn bệnh”.
TS . BS Lê Hồng Quang - Trưởng Khoa Hồi sức Nội tim mạch, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, thực trạng trẻ bị ốm không đi khám kịp thời mà chỉ đến khi bệnh nặng, cần can thiệp hỗ trợ về hô hấp, hỗ trợ về tuần hoàn mới đến bệnh viện không hề ít. Nhiều gia đình chủ quan, không cho con đến bệnh viện khám khi con bị ốm mà để con ở nhà và tự chữa theo đơn thuốc cũ, hay kinh nghiệm từ bạn bè, mạng xã hội… Chỉ đến khi con bị nặng mới đến khám và điều trị.
Bác sĩ Hoàng Thị Thúy - Chuyên khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết: “Mầm bệnh đôi khi đang phát triển trong cơ thể mà chúng ta hoàn toàn không hay biết. Và chỉ khi đi khám sức khỏe bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, thăm dò chức năng… mới có thể phát hiện được những thay đổi của cơ thể sớm nhất. Ngay cả trường hợp không phát hiện bệnh ở thời điểm khám, bác sĩ vẫn có thể tư vấn cho người dân các phương pháp phòng và thay đổi chế độ sinh hoạt, làm việc hàng ngày để có sức khỏe tốt, tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, khám sức khỏe định kỳ còn giúp người dân liên tục cập nhật những thông tin dữ liệu vào hồ sơ sức khỏe của mình. Đây là cơ sở quan trọng giúp cho quá trình chăm sóc sức khỏe sau này. Dựa vào đây, bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh, chính xác và đưa phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ là giải pháp bảo vệ sức khỏe thông minh, giúp phát hiện nhiều bệnh lý từ sớm. Nhờ đó, tăng khả năng chữa khỏi bệnh và tiết kiệm chi phí.
Theo các bác sĩ, người dân cần chủ động thăm khám/kiểm tra sức khỏe để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị bệnh nếu có. Đặc biệt những người mắc bệnh lý nền, điển hình như: Suy thận, tim mạch, bệnh người cao tuổi, ung thư... nhất thiết không nên lơ là với việc thăm khám. Ngay cả những người bình thường đang cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, cũng nên tiến hành tầm soát sức khỏe định kỳ - bởi giúp phát hiện và kiểm soát dễ dàng các bệnh lý nền ngay từ giai đoạn khởi phát.