Ngày 13/6, Cơ quan Cảnh sát biển châu Âu cho biết, có gần 200 người thiệt mạng và mất tích trong vụ đắm tàu ngoài khơi Yemen ngày 10/6. Điều đó một lần nữa báo động nạn di cư trái phép từ châu Phi vào châu Âu và các quốc gia Vùng Vịnh.
Khu vực thuyền chìm cách bờ biển Al-Noshema gần 4 km. Lúc đó trên tàu có tổng cộng 260 người.
Cơ quan cảnh sát biển châu Âu cho biết, con tàu chở những người di cư bất hợp pháp này đã gặp gió lớn và đã không chống đỡ nổi. Chưa tới 70 người sống sót. Trong số thi thể trôi dạt vào bờ thì phần lớn là trẻ em, người già và phụ nữ. Nghĩa trang vùng Ain Bamabad là nơi người chết được chôn cất.
“Họ ra đi mà không có người thân bên cạnh. Vì họ là những người xấu số những mong tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê nhà” - Marie Antoanett, một ký giả địa phương cho hay. Bà cũng cho biết, cùng với khu vực Ras Al-Ara ở tỉnh Lahj trên bờ Biển Đỏ, các khu vực ven biển ở tỉnh Shabwa như Al-Noshema là một trong những điểm đặt chân của hàng nghìn người di cư châu Phi đến Yemen mỗi năm, từ đó tìm cách vào các quốc gia Vùng Vịnh trên những con thuyền đầy bất trắc.
Bà Marie từng theo chân những người di cư đến bờ biển Shabwa. Sau đó, bà còn cùng họ đi bộ đến thành phố Attaq để chính mắt chứng kiến những người di cư đói khát chờ một cơ hội xuống thuyền. “Họ giao phó tính mạng của mình cho những kẻ buôn người” - bà Marie nói.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số lượng người di cư châu Phi đến Yemen hằng năm đã tăng gấp 3 lần từ khoảng 27.000 người trong năm 2021 lên hơn 90.000 người vào năm 2023. Đó là một trong những địa điểm tập kết của người di cư châu Phi bất hợp pháp vượt Biển Đỏ vào Vùng Vịnh. Nếu thành công, người di cư sẽ làm công nhân hoặc người giúp việc gia đình tại Saudi Arabia hoặc nước Vùng Vịnh khác.
Vẫn theo IOM, ít nhất 1.350 người châu Phi di cư đã thiệt mạng khi tìm cách vượt Biển Đỏ trong khoảng thời gian 2014-2023.
Tuy nhiên, số người di cư từ châu Phi băng qua Địa Trung Hải vào châu Âu còn nhiều hơn rất nhiều so với những người vượt Biển Đỏ vào Vùng Vịnh. Chỉ trong 1 ngày, ngày 15/11/2023, cảnh sát eo biển Sicily (khu vực Địa Trung Hải giữa Italy và bờ biển Bắc Phi) đã phải giải cứu hơn 1.400 người di cư, đưa họ tới đảo Lampedusa. Sau đó, những người di cư được chuyển vào đất liền để phân loại đến các trung tâm nhập cư khác nhau. Trong khi đó, Cơ quan Biên phòng và Cảnh sát biển châu Âu (Frontex) cho biết số người di cư từ châu Phi qua ngả Địa Trung Hải lên tới 350.000 người trong năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2015.
Tới nay, Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường chính để nhập cư trái phép vào châu Âu, kể từ năm 2013. Phần lớn những người nhập cư đến từ nam sa mạc Sahara châu Phi và từ Trung Đông.
Địa Trung Hải được cho là tuyến đường di cư bất hợp pháp nguy hiểm thứ hai thế giới, sau tuyến băng rừng rậm và đầm lầy Darien Gap trên biên giới Panama và Colombia - tuyến đường được nhiều người di cư lựa chọn để tìm đến nước Mỹ.
Truyền thông Italy mô tả, những chiếc thuyền mong manh chở người di cư không khác nào nững chiếc “quan tài nổi” trên biển. Theo Frontex, số lượt người tìm cách vào châu Âu qua Địa Trung Hải tăng khoảng 15% mỗi năm, trong vòng 10 năm qua. Đây là tuyến đường di cư chính vào châu Âu. Dữ liệu từ Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc cho thấy, trong năm 2023 có khoảng 2.090 người di cư mất tích trên Địa Trung Hải.
Tuyến đường biển này, từ Libya, Tunisia đến Hy Lạp, Tây Ban Nha hoặc Italy chỉ mất vài ngày. Họ thường bị chủ thuyền nhồi nhét trên những chiếc thuyền đã cũ kĩ, không hề có bất cứ một thiết bị bảo hộ nào.
Nhận định tình hình từ nay cho tới hết năm 2024, một sĩ quan cảnh sát của Frontex cho biết, nếu như tình hình không được cải thiện thì ước tính có khoảng 500.000 người từ châu Phi qua Địa Trung Hải để vào châu Âu.
Có nhiều tuyến đường biển từ châu Phi vào châu Âu, nhưng chỉ có duy nhất một điểm biên giới trên đất liền giữa Maroc và thành phố Ceuta của Tây Ban Nha. Người di cư thường tập hợp rất đông, rồi tràn qua hàng rào biên giới. Cảnh sát thành phố Ceuta cho biết, những người di cư bất hợp pháp hành động "một cách bạo lực và có tổ chức" để tìm cách đến được châu Âu, bất chấp hàng rào cao tới 6 mét và nhiều nhân viên công lực vũ trang. Cảnh sát địa phương đã phải dùng cần cẩu để đưa họ xuống trước khi trục xuất.